Sáng 23/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Theo Chủ tịch nước, việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên của công ước.
Tuy nhiên, khi phê chuẩn, Việt Nam tuyên bố: Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại.
Việt Nam không coi Công ước này là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ mà thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở Hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, hoặc nguyên tắc có đi, có lại.
Chủ tịch Trương Tấn Sang trình Quốc hội phê chuẩn Công ước. Ảnh: Thanh Thanh.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, Công ước này là điều ước quốc tế về quyền con người. Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định phê chuẩn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng, việc phê chuẩn Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hiệu quả trong công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc này cũng giúp Việt Nam có điều kiện rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tội danh tra tấn; từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, chưa quy định cụ thể việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn... Các nội dung này đã được Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Khi trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam sẽ được hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, như nhận được sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế từ các quốc gia thành viên khác trong quá trình tiến hành thủ tục tố tụng hình sự đối với tội phạm có liên quan đến hành vi tra tấn; có quyền đề cử công dân tham gia vào Ủy ban chống tra tấn; có quyền bảo lưu một số nội dung của Công ước; có quyền kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Công ước.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực thi hành ngày 26/6/1987. Hiện có 155 quốc gia thành viên, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước, trong đó có Việt Nam.
Thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như: lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba; hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện; hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba; hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức. Nỗi đau đớn và khổ đau đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra hay với sự xúi giục, đồng tình, ưng thuận của một công chức. Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
Nam Phương
No comments:
Post a Comment