Thursday, October 2, 2014

BÁO CÁO BƯỚC ĐẦU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ĐỘC LẬP CẤP NHÀ NƯỚC “ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC ĐẾN NĂM 2020, 2030”


Tham luận của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ KH ĐT tại Hội thảo "Định hướng chiến lược phát triển kinh tế trí thức đến năm 2030", ngày 20.02. 2014 tại Thành phố HCM.           "Tư duy phát triển và quản trị sự phát triện hiện nay đã lạc hậu nhiều so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, vẫn còn giáo điều, không sáng tạo, không theo kịp thời đại. Đây là rào cản lớn nhất của đổi mới, đặc biệt đổi mới để phát triển kinh tế thị trường, phát triển KTTT. Những rào cản này bắt nguồn từ sự không nhìn nhận đúng thực tiễn phát triển và đòi hỏi khách quan của cuộc sống đất nước cũng như sự phát triển sôi động của thời đại mà nền văn minh nhân loại đang đi tới".

Đặt vấn đề và yêu cầu

Phát triển kinh tế tri thức (KTTT) là yêu cầu bức thiết để thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nay đến năm 2020 và thực hiện thành công CNH, HĐH đất nước năm 2030.
Những năm vừa qua, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, kinh tế tăng trưởng giảm sút, hiệu quả và chất lượng kém. Thể chế kinh tế thị trường xây dựng chậm, vận hành chưa thông suốt, môi trường kinh doanh kém động lực. Các công cụ tài chính tiền tệ được sử dụng không đúng chuẩn mực, đầu tư không đúng hướng. Nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển chậm, sử dụng lãng phí. Khoa học và công nghệ (KHCN) không đáp ứng yêu cầu, tác động đối với kinh tế mờ nhạt. Hệ thống đổi mới sáng tạo còn sơ khai...Những rào cản lớn về tư duy, nhận thức với KTTT còn nặng nề. Thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý không đủ sức “dung hợp” (inclusive) thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo.
Vấn đề đặt ra cấp bách là phải tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu sắc để tháo cởi những hạn chế, vướng mắc nói trên, đưa sự phát triển kinh tế - xã hội sang một quỹ đạo mới, mô hình mới trên cơ sở tái cơ cấu nền kinh tế, tích cực tranh thủ đi vào KTTT để thoát ra khỏi khó khăn và chuyển sang phát triển nhanh, bền vững.
Đề tài này nhằm góp phần luận chứng cơ sở khoa học cho việc đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế dưới góc nhìn của KTTT; rút ra nguyên nhân chủ quan về quản trị sự phát triển; xác định có căn cứ khoa học mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp, lộ trình phát triển KTTT đến năm 2020 và Tầm nhìn đến năm 2030; đưa ra một số kiến nghị chính sách, giải pháp thiết thực để thúc đẩy việc thực hiện sự chuyển đổi này.
Ở bước nghiên cứu đã thực hiện đến nay, đề tài đưa ra một khung tổng thể với những ý tưởng và kiến nghị sơ bộ để đóng góp kịp thời cho việc xây dựng Đề án về lộ trình phát triển KTTT sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét trong đầu năm 2014.
Ở bước tiếp theo, đề tài sẽ đi sâu nghiên cứu các vấn đề đã được đặt ra ở bước trước nhằm có những luận chứng sâu hơn và kiến nghị đầy đủ hơn vào cuối năm 2014 để đóng góp cho việc tổng kết 30 năm Đổi mới và chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.

Nội dung tóm tắt

Cần có sự nhìn nhận đúng sự phát triển và bối cảnh quốc tế về KTTT và đánh giá đúng tình hình và thực trạng KTTT ở nước ta.

Có nhiều định nghĩa về kinh tế tri thức, nhưng đối với nước ta định nghĩa sau đây của WB và UNDP (2004) là thích hợp hơn cả:
“Nền Kinh tế tri thức (knowledge based economy) là nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển kinh tế, xã hội, bao gồm truy cập vào kho tri thức toàn cầu đồng thời làm chủ và sáng tạo tri thức mới cần thiết cho riêng mình”.
Nhân loại đang sống trong một thời đại chuyển tiếp trọng đại nhất của lịch sử phát triển của mình, từ nền văn minh công nghiệp chuyển lên nền văn minh trí tuệ. Lực lượng sản xuất xã hội phát triển nhảy vọt lên thang bậc mới, từ dựa chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên cùng với NNL chất lượng thấp chuyển sang dựa chủ yếu vào tri thức, năng lực trí tuệ con người. Quá trình chuyển từ kinh tế công nghiệp lên KTTT là một quá trình tự nhiên hợp qui luật, là hệ quả của ba quá trình phát triển đồng thời và tương tác nhau: kinh tế thị trường, KHCN và toàn cầu hóa (TCH). Cũng vì thế nên một khi nền kinh tế tri thức hình thành là trở thành nền kinh tế tri thức toàn cầu (global knowledge economy), mạng internet kết nối toàn cầu, mọi người cùng làm việc trên internet và trở thành công dân toàn cầu, mặc dù trình độ các nước chênh lệch nhau rất xa, từ cao nhất đến thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.  Hội nhập quốc tế ngày nay là hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu 
Trong khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua và hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển và đang phát triển, các nước mới nổi, với những chiến lược mới, đều tận dụng cơ hội này tích cực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào tri thức, thông tin và sáng tạo đổi mới, tranh thủ phát triển KTTT để làm nền tảng thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng và phát triển vượt lên. Hội nhập quốc tế sâu hơn và tăng cường năng lực cạnh tranh dựa trên tri thức là xu hướng của các nước đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế đến 2020, 2030. Giải pháp là: tăng cường các hoạt động và việc làm dựa nhiều vào tri thức; phát triển mạnh ngành chế tạo tiên tiến và dịch vụ nhiều tri thức làm đầu tàu cho nền kinh tế; các thể chế, chính sách tập trung tháo gỡ rào cản, đẩy mạnh sự phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên tri thức, phát triển doanh nghiệp tri thức v.v... Đây cũng là cơ hội lớn và thách thức gay gắt đối với nước ta. Tận dụng được thời cơ, tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên tri thức, nước ta có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn hiện nay, phát triển rút ngắn, từng bước đuổi kịp các nước phát triển cao hơn. Ngược lại, còn chần chừ lưỡng lự bỏ lỡ cơ hội này, tiếp tục phát triển như vừa qua thì cho dù GDP có tăng nhưng tài sản quốc gia bị xói mòn, đất nước sẽ ngày càng tụt hậu, kinh tế - xã hội không thể ổn định vững chắc và phát triển nhanh, bền vững. Do đó, nhất thiết phải chuyển sang phát triển KTTT ngay trong bước đầu này và cả quá trình CNH, HĐH, từng bước tiến lên CNXH, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng là sự phù hợp với đường lối quan điểm cơ bản của Đảng mà đến nay vẫn chưa được nhận thức và quán triệt đúng mức.
Nền kinh tế nước ta sau 27 năm đổi mới, tuy đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, cho đến nay vẫn đi theo lối mòn với nhiều dấu ấn của mô hình CNH kiểu cũ. Tuy đã chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, thu hút nhiều FDI, gia nhập WTO, tự do hóa thương mại, nhưng không có tiến bộ nhiều về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Nền kinh tế về cơ bản vẫn là kinh tế gia công, bán tài nguyên, nhập công nghệ thải loại từ nước ngoài, chưa phát huy được năng lực KHCN quốc gia, năng lực trí tuệ của dân tộc. FDI nhiều và tăng nhanh mà không theo đúng định hướng, không chọn lọc, nên đã đưa lại những kết quả không mong muốn. Chính là sự lãng phí vốn và tài nguyên, không dựa vào nguồn lực trí tuệ, không được quản trị tốt đã dẫn đến những bất ổn và suy giảm kinh tế nghiêm trọng hiện nay.
Hiệu quả tăng trưởng: ICOR chung của nền kinh tế từ khoảng 4,5 thời kỳ 2000-2006 tăng lên đến trên 6 năm 2007-2012 và xấp xỉ 6 năm 2000-2012 trong khi các nước trong khu vực chỉ ở mức 3-4; đóng góp của vốn vào tăng trưởng giai đoạn 2000-2006 là 49.95%, tăng lên 69,33% trong 2007-2012; và tương ứng chỉ số TFP giảm cũng nhiều, từ 22.62% xuống còn 6.44%. Đầu tư công dàn trải, tràn lan, không chọn lọc, không tính đầy đủ hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội - môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường; bệnh thành tích, phô trương, duy ý chí, không áp dụng KHCN, cộng với tham nhũng, lợi ích nhóm đã làm thất thoát lớn nguồn vốn. FDI: hệ số ICOR của khu vực này giai đoạn 2007-2012 lên đến 13,9. Các doanh nghiệp FDI được thuê đất đai, nhân công rẻ, sử dụng điện, xăng dầu có bù giá và nhiều ưu đãi khác, phần lớn kinh doanh địa ốc, một số ngành chế biến thông dụng, đánh bạt các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn 80% dự án sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao và 14% sử dụng công nghệ ở mức thấp và lạc hậu; chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp trong nước nhận được sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI. Các DN FDI còn là « tác giả » của « rác thải » công nghiệp và công nghệ, phá hủy môi trường. Những điều nói trên đều đi ngược với KTTT.
Về KTTT ở nước ta, điểm nổi bật là công nghệ thông tin có bước tiến nhanh; KHCN và tri thức mới được vận dụng tương đối khá trong nông nghiệp, y tế, xây dựng; số lượng nguồn nhân lực tăng khá và chất lượng có phần cải thiện. Đó là cơ sở bước đầu trong bước đi ban đầu phát triển KTTT đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên bản đồ KTTT thế giới, theo các chỉ số Kinh tế tri thức (KEI) của WB thì KEI của Việt Nam năm 2012 là 3,53 thuộc nhóm trung bình thấp (2-4 điểm trong thang điểm 10), trong các nước ASEAN chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar, và gần đây mới hơn Indonesia (vì mới bị tụt xuống). Ba trong 4 trụ cột của KTTT là giáo dục - đào tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo và đặc biệt là về môi trường kinh doanh và thể chế còn ở mức điểm rất thấp và chậm thay đổi.
Về Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index GII - đánh giá toàn diện về độ sáng tạo/đổi mới của mỗi quốc gia), năm 2011 Việt Nam đứng thứ 51 trong 125 nước; tuy nhiên đến năm 2012  tụt sâu xuống thứ 76 trên 141 nước và đó chỉ là nói về năng lực KHCN, chưa xem xét tác động của nó đến kinh tế. Về chỉ số tri thức KI (bao gồm công nghệ thông tin truyền thông; hệ số đổi mới; giáo dục và nguồn nhân lực), tăng được 13 bậc từ vị trí 113 năm 2000 lên vị trí 100 vào năm 2012 trong 146 nước và lãnh thổ,
Có thể nói, những gì đã làm được về KTTT còn quá ít so với yêu cầu và khả năng của đất nước, hạn chế nhiều bước tiến nhanh và phát triển bền vững. Cũng có thể nói chúng ta chưa tạo được những điều kiện cần thiết để thật sự đi vào KTTT.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ KTTT thế giới ?

Nguồn: WB

2- Tình hình nêu trên cho thấy những vấn đề lớn được đặt ra cần giải quyết là:

(1)  Vấn đề trước hết là tư duy phát triển. Tư duy phát triển và quản trị sự phát triện hiện nay đã lạc hậu nhiều so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, vẫn còn giáo điều, không sáng tạo, không theo kịp thời đại. Đây là rào cản lớn nhất của đổi mới, đặc biệt đổi mới để phát triển kinh tế thị trường, phát triển KTTT. Những rào cản này bắt nguồn từ sự không nhìn nhận đúng thực tiễn phát triển và đòi hỏi khách quan của cuộc sống đất nước cũng như sự phát triển sôi động của thời đại mà nền văn minh nhân loại đang đi tới như đã nêu ở trên. Đó cũng là không phù hợp với những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.  
(2) Tư duy phát triển và quản trị sự phát triển nêu trên còn gắn với những dấu ấn nặng nề của mô hình kinh tế tập trung bao cấp, chưa thực sự thẩm thấu và vận dụng những nguyên tắc, quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, không lấy cạnh tranh và hiệu quả làm đầu, chạy theo khối lượng, phô trương thành tích, bị thao túng bởi nhóm lợi ích và hủy hoại bởi quốc nạn tham nhũng. Trong một môi trường như vậy sẽ không có đất dành cho đổi mới sáng tạo, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.
(3) Việc phát huy quyền làm chủ của dân cũng còn nhiều rào cản, các cơ chế, thể chế về lĩnh vực này còn nhiều tính hình thức, chưa giải phóng được mọi năng lực và trí tuệ của nhân dân và toàn dân tộc, chưa thúc đẩy các quá trình đổi mới sáng tạo. Đảng lãnh đạo mà còn làm thay Nhà nước, quyết định tối cao mà không chịu trách nhiệm rõ ràng; đề ra nhiều quyết sách mà ít quyết tâm chính trị thực hiện. Dân làm chủ mà không có cơ chế để dân kiểm soát cơ quan quyền lực. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra vẫn chỉ nặng là khẩu hiệu. Đội ngũ trí thức đầy tâm huyết muốn được cống hiến góp phần đổi mới đất nước theo kịp thời đại không được sử dụng phát huy, tiềm năng trí tuệ dân tộc chậm được gây dựng mà còn bị lãng phí. Của cải quốc gia chưa được tính toán rõ ràng và kiểm kê, kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ đi tới suy giảm.
(4) Trong hội nhập vào nền KTTT toàn cầu, tự do hóa thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng, vấn đề cần luôn coi trọng là không thể chỉ dựa vào bán tài nguyên, cho thuê lao động chất lượng thấp, trình độ quản trị lạc hậu, thậm chí còn nhiều dấu ấn của thời kinh tế chỉ huy, bao cấp. Ngược lại, phải phát triển năng lực nội sinh để hội nhập trong tư thế bình đẳng, tùy thuộc lẫn nhau mà một nền tảng quan trọng là KTTT; phải hết sức tỉnh táo, lựa chọn công nghệ, ra sức vận dụng kỹ năng quản trị hiện đại, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ có thế mạnh và tiềm năng, dựa trên các yêu cầu và tiêu chí về hiệu quả, tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

3- Những quan điểm cơ bản cần được thấu suốt và quán triệt trong phát triển KTTT :

(1) Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) phải gắn chặt với phát triển KTTT. Trong giai đoạn hiện nay, phát triển KTTT chính là để thực hiện thành công CNH, HĐH đất nước, đi tới vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây là mối quan hệ 2 trong 1, trong đó KTTT là nền tảng của CNH, HĐH; CNH, HĐH là một bước của quá trình phát triển KTTT. Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển thực chất là dựa vào tri thức mới, công nghệ mới và con người có tri thức, cũng lại là điều kiện để phát triển KTTT mạnh hơn, tiến xa hơn trên con đường đi tới CNXH. Do đó, KTTT không phải là thứ gì cao xa, viển vông mà là sự thể hiện ngay trong từng hoạt động của nền kinh tế, xã hội, từ những việc lớn cho đến cả những việc bình thường đều có thể hàm chứa giá trị của tri thức mới nếu chưa được sử dụng. Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, phát triển kinh tế tri thức ngay trong quá trình công nghiệp hóa, đó là cách thức duy nhất để đi nhanh đến CNXH dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh.
(2) Phát triển KTTT phải kết hợp hiệu quả giữa các bước đi tuần tự và nhảy vọt, đi tắt, đi thẳng đến hiện đại, rút ngắn thời gian; kết hợp hiệu quả giữa sự học hỏi nắm vững, vận dụng tri thức sẵn có của nhân loại với sáng tạo trong sự vận dụng đó và sáng tạo tri thức mới của riêng mình; cả hai sự kết hợp đó đều căn cứ theo điều kiện thực tế hiện có và có thể tạo ra, cố gắng tạo ra với tinh thần tích cực nhất. Đó cũng là kết hợp phát triển theo chiều rộng còn cần thiết với chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu mà thực chất là vận dụng KHCN, vận dụng tri thức mới. Thực tế nước ta và nhiều nước trên thế giới đã đã minh chứng điều này, như phát triển CNTT, sử dụng công nghệ cao trong y tế, xây dựng công trình…ở nước ta vừa qua. Trong quá trình phát triển KTTT, cần có trọng tâm, trọng điểm, đột phá, dễ trước khó sau, cũng tùy thuộc vào điều kiện có thể tạo ra được.
(3) Thể chế và con  người là yếu tố quyết định nhất để phát triển KTTT. Thể chế tiến bộ, hiện đại với nội hàm “dung hợp/dung nạp” (inclusive) là bà đỡ và điểm tựa vững chắc cho mọi sự phát triển; thể chế lạc hậu “khai thác/loại trừ” (extractive) là vật cản, tác nhân dẫn tới sự phá hoại, tụt hậu, xụp đổ của nền kinh tế và của cả một chế độ. Đây là sự đúc kết kinh nghiệm hàng ngàn năm lịch sử phát triển của nhân loại mà nước ta cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh hiện nay, điều cốt yếu là tiến  kịp, tiến cùng thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thể chế hiện đại mà ta cần có phải thể hiện được những giá trị mới của thế giới, được chắt lọc vận dụng phù hợp với nước ta trong bước đường phát triển hiện nay, cũng theo tinh thần hiệu quả và tích cực nhất. Gắn liền với thể chế là con người, con người sinh ra thể chế và đến lượt nó, thể chế lại là môi trường như không khí cho con người sống và phát triển, sáng tạo; ngược lại là sự kìm hãm, nghẹt thở, trì trệ, lụi tàn. Trong yếu tố con người, trước hết có vai trò dắt dẫn, quyết định của những người có vị trí lãnh đạo và quản trị đất nước, tạo ra thể chế, và ở từng ngành, địa phương, cơ sở cụ thể hóa và quán triệt thực hiện. Tiếp đến là vai trò của các trí thức, nhà khoa học, chuyên gia ở mọi lĩnh vực, là chủ lực trong nắm bắt và sáng tạo ra tri thức mới. Tiếp nữa là các doanh nhân, người quản lý, người lao động, người dân – những lực lượng thực hiện sự phát triển biến tri thức trở thành KTTT, những lực lượng này gắn kết máu thịt với lực lượng trí thức, bản thân họ cũng dần trở thành trí thức (trí thức hóa), để thực hiện cuối cùng sự phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển KTTT. Điều cốt yếu là con người và thể chế phải dám dùng, biết dùng tri thức để làm việc, phát triển…Theo quan điểm trên mà xác định đúng các chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho KTTT.
(4) Chỉ có phát triển KTTT mới đạt yêu cầu  kinh tế xanh, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tri thức xanh là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới trong bối cảnh môi trường sinh thái ngày càng bị xâm hại, suy giảm nghiêm trọng cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn biến khó lường.[1]KTTT hướng mạnh vào kinh tế xanh và kinh tế xanh chủ yếu phải dựa trên tri thức mới. KTTT cũng hướng mạnh vào bảo vệ và cải thiện môi trường, thành yếu tố quyết định để phát triển bền vững trước các đe dọa, thách thức của những mặt bất lợi của thiên nhiên cũng như sự hao mòn cạn kiệt các nguồn tài nguyên tự nhiên.
(5) Phát triển KTTT, hơn đâu hết, cần gắn với hội nhập quốc tế, tiếp thu và vận dụng tối đa tri thức mới từ bên ngoài. Đây là nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất trong hội nhập, cũng là lợi thế lớn nhất của nước đi sau như nước ta để phát triển vượt lên thu hẹp khoảng cách. Phát triển KTTT cũng để loại trừ những mặt tiêu cực do hội nhập đem lại như rác thải công nghiệp, công nghệ, suy giảm giá trị gia tăng nội địa do thu hút FDI như đang sảy ra ở nước ta; tạo điều kiện gia tăng phần tham gia của kinh tế nước ta vào chuỗi giá trị toàn cầu, lan tỏa trong trao đổi có đi có lại khi ta hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Tri thức mới và KTTT do đó, tăng thêm không chỉ sức mạnh cứng mà cả sức mạnh mềm của nước ta trong quan hệ quốc tế.

Mục tiêu phát triển KTTT đến năm 2020 và dự báo đến năm 2030

Mục tiêu tổng quát:
Đến năm 2020 KTTT tạo được nền tảng cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; KTTT đạt trình độ trung bình trên thế giới. Đến năm 2030 KTTT là nòng cốt thực hiện thành công CNH, HĐH đất nước, đạt trình độ trung bình cao trên thế giới.
Mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2020: Chỉ số KEI đạt trên 5 điểm (4-6 điểm); công nghệ thông tin đạt trình độ trung bình tiên tiến khu vực; KHCN đạt trình độ trung bình khu vực; nguồn nhân lực chất lượng cao đạt trên 40% NNL (?); thể chế kinh tế hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT. Chỉ số sáng tạo, TFP, tỷ trọng tài sản vô hình trong GDP….(sẽ được nghiên cứu dự báo thêm cho cả năm 2020 và 2030).
Đến năm 2030Chỉ số KEI đạt 7 điểm (6-8 điểm); công nghệ nghệ thông tin đạt trình độ tiên tiến khu vực; KHCN đạt trình độ tiên tiến khu vực; nguồn nhân lực chất lượng cao đạt trên 50% NNL; thể chế kinh tế đạt trình độ hiện đại của thế giới thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KTTT.

5- Một số định hướng chủ yếu phát triển KTTT đến 2020, 2030

Định hướng chung: Tập trung nhiều hơn cho đầu tư tạo ra tài sản vô hình mà trước hết là GD-ĐT, KHCN. Trong các ngành sản xuất, dịch vụ, tập trung vào việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trước hết ở những nấc thang phù hợp khả năng, rồi tiến tới những nấc cao hơn. Coi trọng phát triển kinh tế xanh, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Trong từng ngành, lĩnh vực, chú trọng:
Trong nông nghiệp: phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm của thế giới về lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới với cơ cấu sản xuất dựa trên thế mạnh riêng có của mình[2]. Xây dựng các thương hiệu mạnh cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với việc thúc đẩy đưa KHCN vào sản xuất, bảo vệ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, hình thành hệ thống sản xuất với hình thức trang trại, gia trại áp dụng công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, kết nối thành chuỗi sản xuất – thu hoạch – bảo quản – chế biến – tiêu thụ. Hoàn chỉnh thể chế về quyền sở hữu đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh việc tập trung ruộng đất như kiểu cánh đồng mẫu lớn để tổ chức sản xuất quy mô lớn.
Trong công  nghiệp và xây dựng:
Phát triển những ngành, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, nâng cao hàm lượng tri thức, KHCN trong các sản phẩm hiện có, tạo giá trị gia tăng và giá trị nội địa lớn, dần dần dứt ra khỏi tình trạng gia công thô thuần túy. Phát triển mạnh công nghiệp cơ khí – điện tử, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ cao. Ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: mặt trời, gió, sóng biển, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học. Tạo các cụm (cluster) công nghiệp công nghệ cao trên một số vùng. Đẩy nhanh việc xây dựng các khu công nghệ cao và tạo sự lan toả tác động của các khu công nghệ cao sang các vùng phụ cận. Triển khai từng bước việc xây dựng các đô thị thông minh với yếu tố nòng cốt là ứng dụng phổ biến công nghệ thông tin - truyền thông.
Trong các ngành dịch vụ: Nâng nhanh tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế. Ưu tiên phát triển mạnh các ngành khoa học - công nghệ, thông tin và truyền thông, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, giáo dục, dịch vụ kinh doanh, dịch vụ y tế, công nghiệp - dịch vụ văn hóa. Nâng cao năng suất, chất lượng trong toàn ngành dịch vụ dựa trên đổi mới công nghệ, kỹ năng quản trị và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt khuyến khích đổi mới và sáng tạo, tạo điều kiện cho tự do cạnh tranh.
Khẩn trương xây dựng một số Khu hành chính – kinh tế đặc biệt, ở đó cơ cấu kinh tế chủ đạo là KTTT.
Các ngành sản xuất và dịch vụ đều cần tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu phù hợp với khả năng và lợi thế của mình. 

6-  Thực hiện một số giải pháp đột phá trong phát triển KTTT:

(1) Cốt yếu là đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển KTTT, xem đây là sự khai thông, dỡ bỏ các hạn chế, trở ngại. Sự khai  thông này cần thực hiện ở tất các các cấp, nhưng quan trọng hơn cả là cấp cao nhất ở trung ương và ở từng địa phương. Loại trừ tư tưởng thành tích, lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm để mở đường cho sự khai thông này.
(2) Quyết tâm xây dựng và thực hiện thể chế, khó mấy cũng phải làm, mọi sự làm trái hoặc không làm theo thể chế phải được khắc phục bằng chế tài. Tăng cường chế độ trách nhiệm ở mọi cấp, đặc biệt với người đứng đầu. Thực hiện chế độ khen thưởng bằng vật chất và tinh thần  tương xứng với thành quả và cống hiến theo sự đánh giá công bằng, minh bạch thay vì thi đua hình thức.
(3) Quản lý sự phát triển tri thức, KTTT và kinh tế nói chung cũng phải bằng tri thức. Xây dựng các hình thức và tổ chức quản lý bằng khoa học tổ chức phù hợp với đặc thù của KTTT, đó là quản lý con người được tự do sáng tạo, quản lý bằng kết quả và hiệu quả thực tế, quản lý bằng thiết chế dân chủ đích thực.
(4) Mở toang cánh cửa với thế giới để tiếp nhận mọi nguồn thông tin, cả thuận và nghịch, để thu hút mọi nguồn tri thức mới của nhân loại, để thấy rõ mình và hiểu biết người, để có đủ thông tin và tri thức cần thiết cho xây dựng và vận hành nền KTTT nước nhà. Xã hội thông tin, thế giới mạng phải là mục tiêu và phương tiện hữu hiệu nhất cho chúng ta đi tới và vận dụng, khai thác, chiếm lĩnh, là cơ hội chưa từng có cho phát triển.
(5) Đầu tư mạnh cho KTTT. Đầu tư bằng cả tiền vốn và nguồn lực con người, của cả Nhà nước và toàn xã hội, bằng sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế. Tập trung đầu tư cho R&D và nghiên cứu cơ bản có định hướng, cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, cho phát triển tài sản vô hình. Muốn vậy, phải cắt bớt tiến tới không thực hiện những đầu tư kém hiệu quả. Các phương án đầu tư đều cân nhắc dưới góc nhìn và yêu cầu thúc đẩy KTTT.
(6) Chọn một số nơi xây dựng thành các “khu động lực” theo kiểu thành phố tri thức hoặc thành phố sáng tạo, để biến ý tưởng thành hiện thực, đặc biệt là kinh tế tri thức xanh chỉ dùng năng lượng tái sinh; có khu nghiên cứu triển khai, khu công nghệ cao, các đại học, trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại quốc tế, các ngành công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, có nông nghiệp công nghệ cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tỷ lên diện tích cây xanh trên 45%.

7-  Lộ trình thực hiện:

Đại thể có thể ước định như sau:
Đến năm 2015-2016: thực hiện bước dứt ra khỏi sự bất ổn và khó khăn gay gắt hiện nay, tạo được cơ sở để đưa nền kinh tế đi vào thời kỳ phát triển ổn định và chuyển sang phát triển bền vững. Đây cũng là thời gian phải đột phá về thể chế cho kinh tế thị trường và KTTT. Cần xây dựng chương trình hành động 3 năm 2014-2016 để đổi mới thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, củng cố đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường hướng vào một thể chế kinh tế thị trường dung hợp/dung nạp (inclusive), thiết lập hệ thống đổi mới sáng tạo, cải cách giáo dục, phát triển vững chắc hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng nền quản trị dựa trên tri thức, nhằm tạo đà cho KTTT phát triển.
-       Đến năm 2020: Tái cơ cấu kinh tế thành công với sự đóng góp tích cực của KTTT, tạo lập mô hình tăng trưởng mới trong đó động lực quan trọng là KTTT.
-       Đến năm 2030: thực hiện thành công CNH, trong đó KTTT tạo được nền tảng vững chắc để đi tiếp, đến giữa thế kỷ trở thành nước công nghiệp phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, KTTT đạt mức khá của thế giới lúc đó. 
*
*      *
Báo cáo này được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu chuyên đề của các chuyên gia: Đặng Hữu, Lưu Bích Hồ, Bùi Trinh, Trần Quốc Toản, Đặng Kim Sơn, Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Nguyễn Hồng Sơn,  Nguyễn Công Hóa, Nguyễn Quân, Nguyễn Việt Phong, Đặng Thị Thu Hoài, Nguyễn Nghĩa, và Dự thảo Đề án “Lộ trình KTTT đến năm 2020 ”của Viện Chiến lược phát triển – Bộ KH&ĐT… 
Ngày 5-2-2014


[1] Thế giới đang kêu gọi phát triển nền kinh tế cacbon thấp. Cộng đồng Châu Âu, Ấn Độ, Brasil, Nam Phi, Kenya v.v.. đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế dựa vào công nghệ sinh học, hay là phát triển dựa vào lâm sinh (tất cả năng lượng, nguyên liệu cần dùng đều có lấy từ cây cối bằng công nghệ mới, nhất là công nghệ nano).
[2] Đã có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể phát triển nhiều loài cây trồng, vật nuôi của vùng nhiệt đới có tính năng làm dược liệu độc đáo có sức cạnh tranh mạnh trên thế giới ? VN cũng có thể tham khảo, vận dụng công nghệ và kinh nghiệm của Israel về làm nông nghiệp với công nghệ đỉnh cao và kiểu tổ chức sản xuất hiện đại như trong công nghiệp, xem KTTT trong nông nghiệp là một mũi nhọn của nền kinh tế.

No comments:

Post a Comment