Ông Trương Đình Hòe. Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Trương Đình Hòe đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này trước thềm năm 2014. Ngoài cơ hội, ông cũng lưu ý về những nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu sản phẩm của họ theo đường tiều ngạch.
- Năm 2013, ngành thủy sản có kim ngạch ước đạt 6,7 tỉ đô la Mỹ, và như vậy, lại thêm một năm nữa kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Vậy xuất khẩu của ngành này sẽ ra sao trong những năm tới, thưa ông?
- Ông Trương Đình Hòe: Việt Nam vẫn có những cơ hội để tiếp tục tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 và trong nhiều năm tới nếu biết tập trung vào sản xuất những mặt hàng giá trị gia tăng cho những thị trường có kim ngạch lớn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn có cơ hội để tiếp tục tăng thị phần ở những thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt như Trung Quốc, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia Nam Mỹ.
Theo nhận định của tôi, nếu các doanh nghiệp có một chiến lược tốt và lâu dài thì khả năng sẽ có những tăng trưởng lớn ở thị trường Trung Quốc và ASEAN.
Lý do nào khiến ông tin hai thị trường này có thể giúp doanh nghiệp ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng?
- Năm 2013, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng về kim ngạch hơn 39%, ASEAN là 12,4%. Năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu cũng gần đạt 1 tỉ đô la Mỹ, tương đương giá trị xuất khẩu vào các thị trường chính của Việt Nam như Nhật, Mỹ, châu Âu.
Một lý do khác để chúng tôi tin tưởng vào những thị trường này là trong những năm qua người tiêu dùng ở các quốc gia này đang có xu hướng chuyển từ ăn thịt sang ăn cá, tôm, bằng chứng, trước đây, nhiều mặt hàng thủy sản của Trung Quốc một phần để xuất khẩu, còn nay lại chuyển sang nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Để đáp ứng nhu cầu này, nguồn cung thủy sản sẽ phụ thuộc vào các đối tượng thủy sản nuôi, đây là thế mạnh mà Việt Nam đang có khi tổng sản lượng tôm và cá tra đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thủy sản hàng năm.
Bên cạnh đó, xét về yếu tốt địa lý thì Việt Nam gần Trung Quốc và các nước ASEAN nên chi phí vận chuyển ít hơn khiến giá bán cùng loại cũng rẻ hơn nếu xuất đi các thị trường khác như các quốc gia Nam Mỹ.
Giá cả hợp lý sẽ thu hút được nhiều người tiêu dùng hơn. Vì thế, theo tôi, hai thị trường này có thể mang về cho ngành thủy sảm mỗi năm 1 tỉ đô la Mỹ là điều có thể được nếu có chiến lược hợp lý.
Đó là những điểm tích cực, vậy theo ông đâu là khó khăn thì làm ăn ở những thị trường này?
- Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nói chung khi xuất hàng sang Trung Quốc là tỷ lệ giao dịch theo đường tiểu ngạch còn nhiều khiến các doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam theo chính ngạch sẽ ít đi vì lo ngại cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, dù không nói ra thì ai cũng biết, nhược điểm của kinh doanh tiểu ngạch luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về thu hồi nguồn vốn. Ngoài ra, lâu nay, các thương nhân Trung Quốc đã đến Việt Nam mua thủy sản, và đã có những điều tiếng xấu nên đây sẽ là những rào cản để doanh nghiệp thủy sản có phần e ngại khi làm ăn cùng. Còn thị trường ASEAN sẽ phải cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Indonesia khi có cùng nhiều sản phẩm tương tự nhau như mặt hàng tôm, hải sản...
Tuy nhiên, trong kinh doanh không thể loại hết những rủ ro, vấn đề làm sao là doanh nghiệp phải có những tính toán, kế hoạch chiến lược làm ăn lâu dài để tận dụng những lợi thế và giảm nguy cơ; mà mấy việc này giám đốc các doanh nghiệp hiểu và làm tốt hơn tôi nhiều vì họ đã có kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường.
Xin cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment