Thạc sỹ kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Giảng viên Nghiên cứu các vấn đề cơ bản của Doanh nghiệp và Đào tạo các Lớp CEO, Nguyên Phó Khoa Tài chính – Kế toán Trường ĐH CNTP TPHCM
Cái gì còn lại, khi tất cả những cái khác sẽ bị quên đi, cái đó là văn hóa (E. Heriot),
Cùng với sóng gió thị trường và bão táp thời gian, khi tất cả những cái khác không còn nữa, cái mất đi cuối cùng, là giá trị cốt lõi (NHD)
Cùng với sóng gió thị trường và bão táp thời gian, khi tất cả những cái khác không còn nữa, cái mất đi cuối cùng, là giá trị cốt lõi (NHD)
Mở đầu :
Trong những ngày Nghị trường của Quốc hội đang nóng lên vì nhiều tranh luận xoay quanh nhiều vấn đề thời sự, trong đó còn có những quan điểm chưa được thống nhất về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đơn cử như vấn đề nên ghi vào giấy phép đăng ký kinh doanh như thế nào, đang có 3 phương án để lựa chọn (ghi hết, không ghi gì, chỉ ghi ngành nghề có điều kiện) – một cốt lõi nền tảng cho hoạt động doanh nghiệp của cả nước, thì Hội thảo này được tổ chức. Tôi cho rằng, trong bối cảnh đó, nội dung và thời điểm, và thậm chí cả địa điểm tổ chức Hội thảo này là khá phù hợp.
Hội thảo “Điều cốt lõi trong kinh doanh” do đồng tổ chức của NTTU và IBK Corp. sẽ góp phần thảo luận để thống nhất một vấn đề cực kỳ quan trọng cho định hướng tồn vong của một doanh nghiệp.
Quốc hội đang bàn thảo về những sửa đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Tòa án cũng đang xét xử một đại án nghiêm trọng liên quan đến những tranh cãi có hay không các bị can vi phạm pháp luật (trong đó có Luật Doanh nghiệp) : Vụ án Nguyễn Đức Kiên và ACB, VietinBank.
Hội thảo này cũng đang tìm đến một thống nhất về những giải pháp mang tính hệ thống phù hợp nhất cho đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tất cả đều có một điểm chung : Bàn về những giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và cạnh tranh mạnh mẽ.
Bài tham luận này là một kết quả nghiên cứu tổng hợp dài hạn của tác giả trong nhiều năm qua. Xin được chia sẻ cùng các nhà kinh tế và các nhà khoa học, cùng đội ngũ doanh nhân có cùng sự quan tâm.
Một số thông tin cập nhật về thành lập và ngừng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam :
1/. Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính từ đầu tháng 5 đến 20/5/2014, cả nước có gần 5.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 30.200 tỷ đồng, giảm 25% về số doanh nghiệp và giảm 33% về vốn đăng ký so với tháng trước.
Số doanh nghiệp khó khăn buộc phải giải thể hoặc ngừng hoạt động còn cao hơn số doanh nghiệp sắp gia nhập thị trường, lên đến hơn 6.700 đơn vị. Trong đó, đa số là doanh nghiệp ngừng hoạt động với gần 6.100 đơn vị, tăng 33% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có trên 31.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 173.600 tỷ đồng, tăng 0,7% về số doanh nghiệp và tăng 11% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong 5 tháng lên tới trên 27.800, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất là số ngừng hoạt động với gần 24.000 doanh nghiệp.
2/. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) đối với 478 doanh nghiệp trên địa bàn.
Nguyên nhân do các doanh nghiệp này đã bỏ địa chỉ kinh doanh; không phản hồi thông báo yêu cầu báo cáo tình hình kinh doanh của Phòng Đăng ký kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh và giải thể nhưng không chấp hành nộp thuế, không nộp hồ sơ khai quyết toán thuế, không thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế... Kể từ 5/5/2014, trong thời hạn 6 tháng, gần 500 doanh nghiệp này phải tiến hành giải thể theo quy định của pháp luật.
3/. Báo cáo về Chỉ số kinh doanh Việt Nam năm 2013 lần đầu tiên được Chủ tịch VCCI công bố cho thấy đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng được coi trọng và ngày càng có nhiều người muốn trở thành doanh nhân.
Tuy nhiên, nhận thức về kinh doanh ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI
4/. Từ sau ngày 01/01/2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh đã thay đổi mạnh mẽ và cạnh tranh toàn cầu đang từng ngày gây áp lực lên các doanh nghiệp Việt Nam, rất nhiều rủi ro không lường trước được tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việt Nam cũng đang trong tiến trình đàm phán để gia nhập TPP và nhiều Hiệp định quốc tế khác vì những lợi ích vĩ mô và chiến lược phát triển lâu dài của quốc gia…
Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp đã tận dụng được các cơ hội, nhanh chóng phát triển trở thành những thương hiệu nổi tiếng, có thị phần vững chắc và ngày càng phát triển. Tuy nhiên cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, đóng của, giải thể, phá sản.
Các doanh nghiệp trong cuộc, ngoài cuộc, các nhà kinh tế, phân tích đã bình luận rất nhiều về các nguyên nhân của thực trạng trên. Tựu trung có nhiều nhóm nguyên nhân về khách quan, về chủ quan đã được đề cập, tranh cãi và sẽ còn tiếp tục được tranh cãi nhiều nữa. Trong đó, một trong các nguyên nhân sâu xa nhất hiện được nhiều nhà phân tích, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đề cập bàn luận. Đó là GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA DOANH NGHIỆP VÀ CỦA CEO.
Tôi cho rằng, giá trị cốt lõi trong kinh doanh, đó chính trụ cột chính của căn nhà doanh nghiệp, cùng với ông chủ CEO trong căn nhà doanh nghiệp đó. Sự tồn vong của ngôi nhà đó sẽ như thế nào là do chính giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và CEO đó lựa chọn và đầu tư như thế nào !
Bài tham luận này không đi sâu phân tích nguyên nhân nữa, chỉ góp thêm một nhận định, là cái GIÁ TRỊ CỐT LÕI của nhiều doanh nghiệp, nhất là số doanh nghiệp đã, đang, và sẽ ngừng hoạt động đã không chú ý coi trọng, hoặc có đề cập nhưng thiếu sự đầu tư trường kỳ cho cái gọi là GIÁ TRỊ CỐT LÕI của doanh nghiệp và của chính CEO (Giám đốc điều hành và trong bài này sẽ gọi chung cho các nhã lãnh đạo doanh nghiệp) của những doanh nghiệp đó.
Với mong muốn được góp phần cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thông tin để các Doanh nghiệp và các CEO tham khảo, bài viết sẽ được cấu trúc theo các phần : Khái niệm về Giá trị cốt lõi và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, của CEO, điểm qua Giá trị cốt lõi của một số doanh nghiệp thành công (cả trong nước và trên thế giới), đề xuất một Hệ thống Giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp và CEO Việt nam trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh mạnh, và sẽ có một số kiến nghị.
Như vậy, tham luận này chỉ xem xét chủ đề này từ góc độ nguyên nhân của sự tồn vong, phát triển của một doanh nghiệp nhìn từ khía cạnh Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, và của CEO của doanh nghiệp đó. Qua đó gợi ý đề xuất một số giải pháp cơ bản góp phần cùng với các nhà nghiên cứu để có một hệ thống các giải pháp hoàn thiện chủ đề này.
I/. “GIÁ TRỊ CỐT LÕI” – ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO ?
1. Giá trị cốt lõi là hệ thống các giá trị trụ cột, nội lực, hướng nội của một chủ thể, là những điều sẽ sống lâu nhất cùng với thời gian của chủ thể đó.
2. Với một con người, giá trị cốt lõi là tổng hợp những nguyên tắc sống, là phương châm sống, là lẽ sống của người đó, là những thứ mà họ sẽ luôn giữ mãi cho đến lúc chết, nếu vi phạm vào điều đó tức là phản bội chính mình, là không còn nguyên giá trị của mình nữa.
3. Với gia đình, giá trị cốt lõi là nề nếp sống, là hệ thống văn hóa của gia đình, dòng tộc, thể hiện nét đặc trưng riêng nhất của gia đình đó.
4. Đối với doanh nghiệp, là hệ thống các giá trị trường tồn mãi mãi trong quá trình hình thành, hoạt động, phát triển của mỗi doanh nghiệp. Sản phẩm được doanh nghiệp sản xuất chứa đựng một tập hợp tổng quát nhất về những điều cốt lõi của doanh nghiệp đó, mang đậm chất riêng của những người lãnh đạo doanh nghiệp đó.
5. Đối với một dân tộc, một đất nước, đó chính là bản tuyên ngôn, là hiến pháp, là hệ thống những quy chuẩn về chủ quyền, những quy định về đối nội, đối ngoại, quyền sống và hưởng thụ, về trách nhiệm của công dân, là một tập hợp những giá trị truyền thống của cả dân tộc được xây dựng và gìn giữ qua rất nhiều thê hệ. Đó chính là những giá trị thiêng liêng nhất được đặt lên tất cả, bất khả xâm phạm.
II/. MỘT SỐ ĐỊNH NGHĨA VỀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA DOANH NGHIỆP :
Định nghĩa 1:
Các giá trị cốt lõi là tất cả những gì được doanh nghiệp coi là không thể trả bằng tiền hay không thể thay đổi. Các giá trị cốt lõi tạo ra một nền tảng để hình thành nên nội quy của doanh nghiệp.
Định nghĩa 2:
- Là một hệ thống niềm tin ảnh hưởng tới cách cư xử giữa con người với con người hay giữa các nhóm người với nhau.
- Những giá trị cốt lõi là “linh hồn” của tổ chức.
- Là những giá trị hiệu quả ăn sâu vào trong tổ chức.
- Giá trị cốt lõi giúp hình thành nên tâm lý tổ chức, từ đó nó có thể ủng hộ hay loại bỏ tâm lý cá nhân.
Định nghĩa 3:
Các giá trị cốt lõi là những quy tắc hướng dẫn thiết yếu và lâu dài :
- Giúp định hướng những quyết định và hành động của một tổ chức.
- Không phải là những hành động mang tính văn hoá hay hoạt động cụ thể.
- Không được xây dựng vì mục tiêu tài chính hoặc những mưu lợi ngắn hạn.
- Tổ chức mong muốn giữ lại giá trị cốt lõi thậm chí ngay khi nhiệm vụ thay đổi.
Định nghĩa 4:
- Là những nguyên lý thiết yếu và mang tính lâu dài của một tổ chức – tập hợp các quy tắc hướng dẫn rất nhỏ có ảnh hưởng sâu sắc tới cách mà mọi người trong tổ chức suy nghĩ và hành động.
- Giá trị cốt lõi không quan tâm đến dư luận, nó có giá trị thực chất và có tầm quan trọng rất lớn đối với những người bên trong tổ chức. Giá trị cốt lõi là một số rất hiếm những quy tắc hướng dẫn có khả năng ảnh hưởng vô cùng lớn, là linh hồn của tổ chức. Đó là những giá trị làm nhiệm vụ hướng dẫn tất cả các hành động.
- Giá trị cốt lõi rất có chiều sâu. Và đó là những giá trị cực kỳ quan trọng. Các giá trị này rất ít khi thay đổi theo sự thay đổi của thị trường. Mặt khác, thường thì các tổ chức sẽ thay đổi thị trường nếu cần thiết để duy trì các giá trị cốt lõi thực tế của tổ chức.
III/. NHỮNG VÍ DỤ VỀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU ĐÃ CÓ THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG :
- 1. Phillips plastics Corporation :
+ Tất cả mọi người đều quan trọng.
+ Mọi người làm việc cùng nhau sẽ đạt được thành quả cao hơn.
- 2. KRM :
+ Làm việc theo đạo lý.
+ Làm việc công bằng.
+ Tỏ ra tôn trọng.
- 3. Johnson & Johnson :
+ Công ty tồn tại để làm dịu bớt nỗi đau và bệnh tật.
+ “Chúng tôi có một hệ thống cấp bậc trách nhiệm : khách hàng là trên hết, nhân viên đứng thứ hai, toàn xã hội đứng thứ ba, và cổ đông đứng thứ tư”.
+ Cơ hội hội và phần thưởng cho các cá nhân dựa trên sự xứng đáng.
+ Phi tập trung hoá = Sáng tạo = Năng suất.
- 4. Vinamilk :
+ Chính trực : Liêm chính, trung thực trong ứng xử và trong tất cả các giao dịch.
+ Tôn trọng : Tôn trọng bản thân, tôn trọng đồng nghiệp. Tôn trọng Công ty, tôn trọng đối tác. Hợp tác trong sự tôn trọng.
+ Công bằng : Công bằng với nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan khác.
+ Tuân thủ : Tuân thủ Luật pháp, Bộ Quy tắc Ứng xử và các quy chế, chính sách, quy định của Công ty.
+ Đạo đức : Tôn trọng các tiêu chuẩn đã được thiết lập và hành động một cách đạo đức.
- Unilever :
+ “Phát triển thông qua con người”.
6. FPT :
+ "Tôn - Đổi - Đồng”.
+ “Chí - Gương - Sáng”.
7. Kinh Đô :
+ Sáng tạo, nghĩ đến điều mới và dám thay đổi.
+ Cam kết giữ lời hứa với khách hàng, cổ đông, nhân viên và cộng đồng.
+ Đoàn kết để cùng nhau xây dựng tương lai.
+ Tôn trọng lắng nghe và chia sẻ các quan điểm khác nhau để phát triển.
8. Samsung :
9. Facebook :
+ Tập trung vào ảnh hưởng.
+ Chuyển động nhanh.
+ Táo bạo.
+ Cởi mở.
+ Xây dựng giá trị xã hội.
10. Techcombank :
1. Khách hàng là trên hết nhấn mạnh rằng chúng ta trân trọng từng khách hàng và luôn nỗ lựcmang đến những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
2. Liên tục cải tiến có nghĩa là chúng ta đã tốt nhưng luôn có thể tốt hơn, vì vậy chúng ta sẽ không ngừng học hỏi và cải thiện.
3. Tinh thần phối hợp có nghĩa là chúng ta tin tưởng vào đồng nghiệp của mình và hợp tác để cùng mang lại điều tốt nhất cho ngân hàng.
4. Phát triển nhân lực có nghĩa là chúng ta tạo điều kiện cán bộ nhân viên có thể phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân và khen thưởng xứng đáng cho những người đạt thành tích.
5. Cam kết hành động có nghĩa là chúng ta luôn đảm bảo rằng công việc đã được cam kết sẽ phải được hoàn thành.
11. Viettel :
+ Thực tiễn là tiêu chuẩn ĐỂ KIỂM NGHIỆM CHÂN LÝ.
+ Trưởng thành qua những THÁCH THỨC VÀ THẤT BẠI.
+ Thích ứng nhanh là SỨC MẠNH CẠNH TRANH.
+ Sáng tạo là SỨC SỐNG.
+ Tư duy HỆ THỐNG.
+ Kết hợp ĐÔNG TÂY.
+ Truyền thống và CÁCH LÀM NGƯỜI LÍNH.
+ Viettel là NGÔI NHÀ CHUNG.
12. Merck :
+ Trách nhiệm xã hội.
+ Tính ưu việt nổi bật trong mọi khía cạnh.
+ Sự đổi mới dựa trên khoa học.
+ Tính chân thật và kiên định.
+ Lợi nhuận nhưng là thứ lợi nhuận bằng lao động và có lợi ích cho nhân lọai.
13. Nordstrom :
+ Phục vụ khách hàng là tiên quyết.
+ Tính cần cù và năng suất cá nhân.
+ Không bao giờ tự mãn.
+ Tính ưu việt về danh tiếng là một phần của cái gì đó đặc biệt.
14. Philip Morris :
+ Quyền tự do chọn lựa.
+ Chiến thắng - đánh bại các đối thủ một cách minh bạch.
+ Khuyến khích sáng kiến cá nhân.
+ Cơ hội thăng tiến dựa trên công trạng, không ai được ưu tiên gì.
+ Tính cần cù và luôn tự cải tiến.
15. Sony :
+ Nâng cao nền văn hóa Nhật và vị thế quốc gia.
+ Là người tiên phong, chứ không phải người theo đuôi : thực hiện điều bất khả thi.
+ Khuyến khích khả năng và tính sáng tạo của cá nhân.
16. Walt Disney :
+ Không mang tính hoài nghi.
+ Nuôi dưỡng và truyền bá "những giá trị tốt đẹp của Mỹ".
+ Tính sáng tạo, ước mơ và trí tưởng tượng.
+ Chú trọng cuồng tín vào tính nhất quán và chi tiết.
+ Bảo tồn và kiểm soát điều thần kỳ Disney.
17. Google :
+ Giải quyết vấn đề người dùng gặp phải (doanh thu tự khắc tăng cao).
IV/. ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI CHUNG CHO TINH THẦN CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP SÂU RỘNG, CẠNH TRANH QUỐC TẾ MẠNH :
1/. Sự thích nghi :
Thích nghi để tồn tại và phát triển. Đó chính là sự đổi mới.
Sự thay đổi nhanh chóng về chính trị, xã hội và công nghệ là đặc trưng nổi bật trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Ảnh hưởng của “cuộc cách mạng kỹ thuật số” đối với cuộc sống thường nhật của khách hàng đang ngày càng tăng. Giờ đây, người dân sử dụng công nghệ để tiếp cận với vô vàn dịch vụ và hoạt động giao dịch mà vài năm trước đây mới chỉ có trong tưởng tượng. Khi họ trở nên quen với các hoạt động qua lại bằng điện tử trong cuộc sống hàng ngày thì kỳ vọng của khách hàng với doanh nghiệp cũng đang thay đổi.
Các doanh nghiệp tiên phong đã nhận thức được điều này và đang bắt đầu nắm bắt được những cơ hội sẵn có để thay đổi, trước hết là cách liên hệ qua lại giữa khách hàng với doanh nghiệp. Tiếp theo là môi trường luật pháp, thay đổi thị hiếu của khách hàng, sự xuất hiện hoặc trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh, và cả một chuỗi cung ứng…
Mọi sự không thích nghi đều sẽ bị loại bỏ !
2/. Chấp hành pháp luật :
Nhập gia phải tùy tục !
Chấp hành pháp luật là một trong những điều kiện tồn tại an toàn lâu dài cho bất cứ doanh nghiệp nào. Việc chấp hành cần thực hiện “đúng và đủ ngay từ đầu” một cách thống nhất, đồng bộ, và từ đó tính khả thi của các dự án, chiến lược của doanh nghiệp mới bảo đảm khả thi. Nhiều trường hợp doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt bất chấp vi phạm sau đó phải trả giá đắt và rất đắt.
Các vụ đại án gần đây cho thấy một số cá nhân vi phạm các loại tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “kinh doanh trái phép”, “trốn thuế” đã phải trả giá bằng tù chung thân thậm chí tử hình.
Tòa án Liên bang Mỹ ngày 19/5 tuyên phạt Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ 2,5 tỷ USD vì đã giúp đỡ các công dân Mỹ trốn thuế. Ngân hàng này đã nhận tội, trở thành những người đầu tiên trong hơn một thập niên qua thừa nhận tội trạng tại Mỹ.
Credit Suisse AG là ngân hàng con của tập đoàn mẹ Credit Suisse Group AG. Credit Suisse AG lại có hàng chục công ty con khác thực hiện các hoạt động kinh doanh của họ. Credit Suisse AG đã bị cơ quan công tố Mỹ khởi tội cùng với 2 công ty con.
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder khẳng định trong một buổi họp báo rằng: “Ngân hàng này đã đi rất xa trong việc che đậy, bảo vệ cho mình, các nhân viên cũng như các hoạt động trốn thuế mà họ hỗ trợ khỏi việc phải giải trình về các hành vi tội phạm của mình”.
Credit Suisse không phải ngân hàng duy nhất bị cơ quan công tố Mỹ “sờ gáy”. Hiện còn khoảng 12 ngân hàng Thụy Sỹ khác bị điều tra vì nghi giúp giới nhà giàu Mỹ trốn thuế.
Năm 2009, một “ông lớn” ngành ngân hàng Thụy Sỹ khác là UBS đã phải nộp phạt cho chính phủ Mỹ 780 triệu USD về tội danh tương tự, đồng thời chấp nhận cung cấp cho chính phủ Mỹ danh tính của những chủ tài khoản “bí mật”.
3. Đổi mới sáng tạo :
Nếu không có sự sáng tạo, thế giới sẽ đứng im.
Nếu không có sự đổi mới, doanh nghiệp sẽ không có sức cạnh tranh. Những sản phẩm sẽ lỗi thời và bị từ chối. Nhờ có sự sáng tạo, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng cao và thay đổi của đại đa số khách hàng.
“80% công ty tin rằng họ cung cấp dịch vụ cực tốt nhưng chỉ có 8% khách hàng đồng ý như vậy”, kết quả nghiên cứu vừa được công bố tại Diễn đàn Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) được tổ chức tại TP.HCM.
Các chuyên gia cho biết, các công cụ để đo lường sự thành công của doanh nghiệp là tăng cường khả năng có lãi và giá trị cổ đông, tăng lợi nhuận từ đầu tư và tăng thị phần, đáp ứng nhu cầu của khách hang, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hang, cải tiến sản phẩm hoặc chất lượng dịch vụ; tăng cường tốc độ tăng trưởng v.v…
Nếu muốn đạt được các mục tiêu đó, rõ ràng doanh nghiệp phải luôn cải tiến, ngay cả khi chỉ muốn giữ thị phần như hiện nay. Và con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp chính là tiến hành kinh doanh theo một cách mới, có nghĩa là doanh nghiệp phải thực hiện đổi mới, sáng tạo thường xuyên và liên tục nếu còn muốn tồn tại và phát triển.
Kết quả tại hội thảo công bố: 85% đổi mới, sáng tạo tạo ra những thay đổi nhỏ trong sản phẩm; 15% đổi mới, sáng tạo mang tính cơ bản, tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới hoàn toàn.
Hiện nay, xếp hạng Sáng tạo Việt Nam xếp thứ 64/133. Trong khi đó Thái Lan 44, Trung Quốc 37, Cam-pu-chia 117, Ấn Độ 41. Còn Xếp hạng sử dụng tri thức cho tăng trưởng của Việt Nam là 100/146, và chỉ số cạnh tranh toàn cầu là 75/133.
Về vấn đề này, thậm chí, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân còn nói : “Đổi mới hay phá sản ?” tại Hội thảo “Doanh nghiệp và vấn đề sống còn: Đổi mới quản trị” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội DN Hàng VN Chất lượng cao và Sở khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức cuối năm 2013.
“Doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ của đất nước và là địa chỉ để ứng dụng những kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu của giới khoa học trên cả nước. Bộ KH&CN hết sức coi trọng vai trò của các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp có tình thần khoa học, dám ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và nước ngoài để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập quốc tế” (Nguyễn Quân).
Doanh nghiệp cần phải luôn sáng tạo và đổi mới trong toàn bộ chuổi cung ứng để thích nghi với thế giới phẳng nhiều cơ hội và rủi ro.
4. Đạo đức nghề nghiệp :
Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là một trong những giá trị cốt lõi quan trọng bậc nhất của bất cứ một doanh nghiệp nào.
Đó là một khái niệm nhạy cảm đối với bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái.
Theo một khảo sát được thực hiện bởi tổ chức ACFE (Association of Certified Fraud Examiners), suy thoái kinh tế đã gián tiếp làm gia tăng hành vi sai phạm, lừa đảo và gian lận trong nội bộ doanh nghiệp. Tại Việt Nam, hiện chưa có một báo cáo hay thống kê đầy đủ nào đánh giá về đạo đức nghề nghiệp trong công ty, nhưng nếu nhìn vào đánh giá chỉ số đánh giá tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra trong những năm gần đây, Việt Nam nằm trong nhóm nước đáng báo động về đạo đức nghề nghiệp trên thế giới.
Tuy nhiên, để có thể thành công và phát triển trong môi trường hiện nay, đạo đức nghề nghiệp lại chính là “tài sản vô hình quý giá nhất của người hành nghề”.
Công trình nghiên cứu trong vòng 11 năm của hai Giáo sư John Kotter và James Heskett từ Trường đào tạo Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Harvard, tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”, cũng cho thấy những công ty với chuẩn mực đạo đức cao đã nâng được thu nhập của mình lên đến 682% (so với công ty đối thủ với chuẩn mực đạo đức trung bình chỉ đạt được 36%), giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% và lãi ròng tăng tới 756%. Điều đó cho thấy đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi ích cho cả cá nhân người hành nghề và công ty.
Mỗi một nghề nghiệp thường có một chuẩn mực đạo đức riêng biệt. Mỗi một công ty lại có một chuẩn mực đạo đức phù hợp với văn hóa công ty đó. Sự tiến bộ của xã hội đòi hỏi người hành nghề trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cơ bản, nhằm đảm bảo cho nghề nghiệp, sản phẩm của ngành nghề và doanh nghiệp được xã hội trọng dụng, tôn vinh.
Mục tiêu của các doanh nghiệp khi hội nhập ít nhất là phấn đấu, giữ vững và duy trì vị thế hiện tại.
Mọi hoạt động của doanh nghiệp nên gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích chung của xã hội và góp phần bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực và cư xử một cách có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng xã hội và hợp chuẩn đạo đức. Muốn vậy, bên cạnh việc tuân thủ các mọi quy định luật pháp vĩ mô, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc, đúng đắn mọi hợp đồng (kể cả những cam kết miệng) trong chuỗi cung ứng, từ mua đến bán, từ sản xuất đến phục vụ, từ đối nội đến đối ngoại. Nếu có lợi nhuận doanh nghiệp nên chia sẻ, nếu gây hại cho khách hàng phải tự nguyện đền bù.
Toyota phải đền bù 1,2 tỷ USD.
Đây là mức đền bù lớn nhất từng được một nhà sản xuất ô tô tại Mỹ chi trả.
Sở dĩ Toyota phải bỏ tiền đền bù do đã cố tình che giấu lỗi kẹt chân ga xảy ra hàng loạt trên xe của hãng, liên quan đến ít nhất 5 cái chết của người sử dụng. Trong trường hợp bị kẹt chân ga, chiếc xe sẽ tiếp tục tăng tốc, kể cả khi người điều khiển cố gắng dừng xe lại. Toyota đã thừa nhận rằng không thông báo lỗi này sớm hơn tới cơ quan có thẩm quyền và người tiêu dùng.
Hình minh hoạ lỗi chân ga của xe Toyota
|
Ông Christopher P. Reynolds - Trưởng phòng pháp lý của Toyota Bắc Mỹ kết luận: "Việc đồng ý với thoả thuận là một điều khó khăn, nhưng nó đã góp phần lớn vào việc đẩy thời kỳ không may mắn này vào quá khứ. Chúng tôi rất biết ơn khách hàng vì đã tiếp tục gắn bó với thương hiệu Toyota. Tiến về phía trước, khách hàng có thể tự tin vì chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trách nhiệm của mình với họ”.
5. Trách nhiệm xã hội (CSR: Corporate Social Responsibility) :
Trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp (CSR) là cam kết của DN (doanh nghiệp) đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.
CSR được coi là 1 yếu tố cốt lõi quan trọng như những yếu tố truyền thống khác như chi phí, chất lượng và giao hàng trong kinh doanh. CSR được lồng ghép vào chiến lược của DN và trở thành điều kiện bắt buộc để DN tồn tại và phát triển, nhất là trong điều kiện hội nhập.
Vụ Công ty bột ngọt Vedan xả nước thải làm ô nhiễm sông Thị Vải :
Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, ngày 13 tháng 9 năm 2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông.
Theo nhận định ban đầu, việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của Công ty Vedan là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo Đại tá Lương Minh Thảo, hành vi vi phạm này là đặc biệt nghiêm trọng. Tại hiện trường, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng Công ty Vedan Việt Nam đã thừa nhận hành vi vi phạm của công ty.
Công ty Vedan đã phải bồi thường cho nông dân bị thiệt hại của 3 địa phương lân cận. Như đã cam kết trước đó, Vedan chấp nhận bồi thường 100% thiệt hại theo yêu cầu cho người bị thiệt hại ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền gần 220 tỷ đồng. Trong số này, người dân Đồng Nai nhận gần 120 tỷ đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu nhận hơn 53,6 tỷ đồng và Thành phố Hồ Chí Minh nhận hơn 45,7 tỷ đồng.
- 6. Đầu tư :
Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh mạnh, cách doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư. Đầu tư tài chính và đầu tư nhân lực.
Đầu tư để duy trì hoạt động.
Đầu tư để khai thác thị trường mới.
Đầu tư để thực hiện các cam kết với mọi đối tác, nhất là khách hàng.
- 7. Chấp nhận rủi ro :
Trong kinh tế, dường như rất nhiều người đều nhận thức rõ ràng rằng, “Không rủi ro có nghĩa là không lợi nhuận. Rủi ro cao thì cũng kỳ vọng lợi nhuận cao". Vấn đề là quản lý rủi ro đó như thế nào. Rất nhiều loại rủi ro trong suốt chu kỳ hoạt động của doanh nghiệp, cả ngắn hạn và trong dài hạn. Nhưng không phải các loại rủi ro có thể đồng thời xảy ra tại một thời điểm và trong cùng một vụ đầu tư. Mặt khác, các loại rủi ro khác nhau đều có mối liên hệ với nhau. Điều quan trọng là phải đánh giá cẩn trọng sự tồn tại của mỗi loại rủi ro và mức độ của nó trong mỗi cơ hội đầu tư.
Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp Việt hay dùng cụm từ "ra biển lớn". Ra biển lớn chính là chấp nhận rủi ro. Biển lớn chứa đựng cả những cơ hội nhận được nhiều tôm cá, nhưng rủi ro của những cơn bão lớn là có thể con tàu bị nhấn chìm.
Nhận diện những thách thức, lường trước những rủi ro trong môi trường kinh tế vĩ mô của quốc gia, cũng như kiểm soát và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi các doanh nghiệp, chuẩn bị tâm thế ứng phó với những đổi thay vốn là kỹ năng và nghệ thuật quản trị của doanh nghiệp, nay lại càng cấp thiết hơn đối với hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam khi mà nền kinh tế toàn cầu đầy biến động và vận hành bất thường.
Để có thể hạn chế rủi ro, chuẩn bị phòng chống cần có kế hoạch quản trị rủi ro một cách hiệu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp, và cần thiết phải nhìn nhận rằng “một trong những vấn đề cốt lõi trong công tác quản trị doanh nghiệp là quản trị rủi ro”.
Theo CEO Đặng Đức Thành, rủi ro luôn luôn tồn tại và gắn liền với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó việc quản trị rủi ro có ý nghĩa quan trọng trong sự thành bại của doanh nghiệp trên thương trường đầy biến động như hiện nay. Theo ông Thành, 5 vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm trong công việc quản trị rủi ro là : Rủi ro bổ nhiệm CEO (lãnh đạo), rủi ro về nhận thức phải có kế hoạch quản trị rủi ro, tái cấu trúc doanh nghiệp và bám sát ngành kinh doanh cốt lõi, thay đổi tư duy lãnh đạo trong việc vay vốn, xây dựng kế hoạch và kiểm soát việc quản trị rủi ro thường xuyên.
Kế hoạch quản lý rủi ro càng chi tiết và đầy đủ thì khả năng khắc phục hay hạn chế rủi ro càng lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng cao.
“Chúng ta có thể chấp nhận rủi ro nhưng là rủi ro sau khi đã tính toán kỹ lưỡng nhất, không phải mạo hiểm khi chưa tính toán gì, đó là một điều cực kỳ nguy hiểm” (TS. Phan Tất Thứ).
- 8. Chia sẻ :
Chia sẻ là hạnh phúc hiện tại, là nguồn gốc thành công tiếp theo trong tương lai.
Kết luận :
Hệ thống giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp tùy theo định hướng mong muốn và thời cuộc, tuy nhiên chúng tôi nghĩ, doanh nghiệp kinh doanh Việt Nam thời nay trong bất cứ ngành nghề nào cũng cần đảm bảo tối thiểu 8 giá trị cốt lõi đó. Đó là : Sự thích nghi, chấp hành pháp luật, đổi mới sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, đầu tư, chấp nhận rủi ro, và biết chia sẻ.
IV.1/. GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA TỪNG DOANH NGHIỆP :
- 1. Chuẩn mực :
Đúng tầm với Giấy phép được cấp và Năng lực thực có của chính mình.
- 2. Chất lượng :
Hệ thống tiêu chí chất lượng theo pháp luật và theo thị hiếu khách hàng.
- 3. Chiến lược :
Được cụ thể hóa từ sứ mệnh, tầm nhìn cho từng giai đoạn phát triển.
- 4. Cam kết :
Đáp ứng nhu cầu chân chính của khách hàng, đối tác, tuân thủ luật pháp trên cả 3 thị trường : thị trường đầu vào, thị trường sản xuất, thị trường đầu ra.
- 5. Chủ động :
Tác động 5 đúng : đúng khách hàng/đúng sản phẩm/đúng thời điểm/đúng địa điểm/đúng cách thức.
- 6. Chia sẻ :
Hạnh phúc được chia sẻ, thành công sẽ nhân lên (triết lý kinh doanh win:win).
- 7. Chung sức :
Sự chung sức càng nhiều và hiệu quả, giá trị sản phẩm và giá trị doanh nghiệp càng lớn.
- 8. Chấp nhận :
Chấp nhận sự đánh đổi để kỳ vọng đạt được các giá trị chân chính lớn hơn.
IV.2/. GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA MỘT CEO TRONG ĐIỀU KIỆN KINH TẾ HỘI NHẬP SÂU RỘNG VÀ CẠNH TRANH MẠNH :
Qua khảo sát khoảng 1.000 CEO Việt Nam có quan tâm vấn đề này, có thể liệt kê những giá trị cốt lõi được quan tâm nhiều nhất sau đây :
1. Tư duy sáng tạo :
Đổi mới và Đột phá. Sự sáng tạo là giải pháp để thích nghi với môi trường liên tục biến đổi. Đỉnh cao của sự sáng tạo sẽ tạo ra được những giá trị sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Trong 6 năm gần đây, số lượng đề tài tham gia cấp Thành phố tại TPHCM chỉ có 1.087 giải pháp dự thi, trong đó số lượng có giải thưởng cấp Thành phố và quốc gia đạt 1/3, Giải thưởng Sáng chế Thành phố chỉ có 222 đơn đăng ký dự thi. Dự kiến đến cuối năm 2015 có tối thiểu 200 đơn đăng ký sáng chế, cuối 2020 là 400 đơn.
Eric Schmidt, CEO tập đoàn Google cho biết: “Tại Google, chúng tôi luôn ưu tiên khuyến khích sự sáng tạo của từng cá nhân. Mỗi kỹ sư làm việc tại Google đều được đề nghị và khuyến khích dành 20% thời gian làm việc của mình để nghĩ về những thứ mà họ cho là thú vị chứ không phải những thứ mà chúng tôi cho là thú vị”.
2. Tư duy tổ chức khoa học :
Tổ chức và kết nối tốt : Quản trị nội bộ công bằng và thân thiện, Quản trị đối ngoại minh bạch và cùng chia sẻ. Thực hiện mọi nhiệm vụ một cách khoa học là một đẳng cấp của một CEO trong thời kỳ hội nhập.
3. Tư duy quyết đoán :
Bản lĩnh lãnh đạo và chịu mọi trách nhiệm khi ra quyết định.
4. Tính nhân ái :
Chân thành với khách hàng. Chia sẻ với đội ngũ.
5. Tinh thần trách nhiệm cộng đồng :
Luôn nghĩ đến những ảnh hưởng, thiệt hại của những người khác và có giải pháp xử lý triệt để.
IV.3/. ĐIỀU KIỆN ĐỂ MỘT CEO THỰC HIỆN TỐT NHẤT NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI NÓI TRÊN (5T) :
1. Trình độ :
Chuyên môn và Lãnh đạo.
2. Tâm đức :
Ý thức và lý tưởng.
3. Tỉnh táo :
Trong suy nghĩ và ra quyết định.
4. Thông quan :
Quan hệ tốt cả bộ máy nội bộ và mọi tác nhân bên ngoài.
5. Thời gian :
Luôn dành nhiều thời gian cho công tác quản trị.
Theo CEO Đặng Đức Thành, việc bổ nhiệm một “CEO” không có năng lực, không có tầm nhìn chiến lược (hoặc nhìn phiến diện, không bao quát), một “CEO” không có nhiệt tình (không có “lửa”), làm “cầm chừng”… chỉ nhìn góc cạnh làm lợi cho riêng mình, không quan tâm chăm sóc quyền lợi cổ đông, quyền lợi doanh nghiệp… thì doanh nghiệp có thể sẽ phát sinh vô số rủi ro không ngăn chặn được, đây là đầu mối của nhiều vấn đề bất cập phát sinh.
Do đó, để công tác quản trị doanh nghiêp tốt nhất, Hội đồng quản trị hoặc chủ doanh nghiệp phải lựa chọn một “CEO” phù hợp nhất cho doanh nghiệp, kể cả sau một thời gian (từ 1 năm trở lên) cần thiết phải tính đến thay đổi “CEO” nếu thực tế chứng minh không phù hợp với doanh nghiệp.
V/. BỘ CÔNG CỤ CỦA CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA DOANH NGHIỆP VÀ CEO (tâm điểm là CHẤT LƯỢNG) :
Xin đề xuất một bộ công cụ được gợi ý từ các giá trị cốt lõi của sự thành công trong hoạt động kinh doanh của bất cứ một doanh nghiệp chân chính nào như sau :
C : chất lượng, chuẩn mực, chiến lược, cam kết, chân thành, chu đáo, chu toàn, chung tay, chung lòng, chung hướng, chung sức, cốt lõi, cởi mở, công bằng, chân lý, cải tiến.
H : hết lòng, hoàn thiện, hoàn hảo, hoàn mỹ, hoàn thành, hệ thống, hài hước.
A : an toàn, an ninh, an tâm, an bình, anh minh, ấn tượng.
T : trình độ, tâm đức, tâm nguyện, theo đuổi, thương hiệu, trách nhiệm, trung thành, trung chính, thấu hiểu, thiện chí, thành thật, tín nghĩa, trung thực, thần kỳ, táo bạo, tiên phong.
L : lòng tin, lắng nghe, lắng đọng, làm việc chung, lợi ích chung, liêm chính.
U : uy tín, uy danh, uy lực, ứng biến.
O : óc tổ chức, óc sáng tạo, óc phán đoán, óc quyết đoán, ôn hòa.
N : nhân văn, nhân hậu, nhân đức, nhân ái, năng động, nhiệt tình, nhiệt thành, nhiệt tâm.
G : giá trị sử dụng, giá trị gia tăng, giao tiếp, giao thiệp, giao thương, giám đốc, gương mẫu.
Kết luận :
Cốt lõi của mọi cốt lõi là C-H-Ấ-T-L-Ư-Ợ-N-G !
VI/. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ :
A/. Giải pháp :
1/. Đào tạo.
Nên đào tạo và cập nhật tất cả những kiến thức, kỹ năng, thông tin hữu ích đến doanh nghiệp nói chung và CEO nói riêng.
2/. Kết nối.
Mỗi doanh nghiệp, mỗi CEO phải có chiến lược kết nối được những các thành tố trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Bao gồm tất cả những nhân tố liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp và CEO hiện tại và lâu dài.
3/. Thể chế hóa :
Các doanh nghiệp và CEO nên liên tục thể chế hóa các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tất cả các khâu hữu cơ trong suốt chu trình tái sản xuất.
B. Kiến nghị :
1/. Với Nhà nước :
- Luật pháp : Nên chăng có một chương trong Luật Doanh nghiệp Việt Nam quy định về CEO : Tiêu chuẩn hóa và Kiểm tra (tạo hành lang pháp lý chính thức cho CEO của doanh nghiệp trong bối cảnh mới).
- Tiêu chuẩn hóa chức danh CEO của doanh nghiệp giống như một chức danh quản lý chính thống của bộ máy nhà nước (nhằm giảm thiểu rủi ro).
- Thành lập một Trường công lập chuyên về đào tạo Doanh nghiệp và CEO. Trường này có thể trực thuộc VCCI hoặc Hội Doanh nghiệp VN, hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc cũng có thể một Trường ĐH nào đó, một tổ chức nào đảm bảo đủ năng lực triển khai thực hiện được Chương trình đào tạo chuẩn Doanh nghiệp và tiêu chuẩn CEO theo quy định nói trên. Hiện nay mới chỉ có Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM mở ngành đào tạo Thạc sỹ “Khoa học Lãnh đạo”, khóa đầu tiên khai giảng tháng 10/2013, nhưng chỉ mới có 13 học viên đăng ký học.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Chương trình thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho Doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển lành mạnh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, bảo vệ doanh nghiệp, đào tạo CEO.
2/. VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp :
- Phát triển và nâng cấp các sân chơi cho doanh nghiệp và CEO trong điều kiện mới.
- Làm cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và CEO với thế giới còn lại.
- Tăng cường tổ chức các Khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt cho doanh nghiệp và CEO.
- Tổ chức các cuộc thi danh giá hai năm một lần cho doanh nghiệp và CEO mang Thương hiệu của chính VCCI hoặc Hiệp hội Doanh nghiệp VN.
3/. Hội bảo vệ người tiêu dùng và Khách hàng :
Nghiên cứu có những hoạt động tích cực hơn cho sự phát triển doanh nghiệp từ góc độ người chủ sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp.
VII/. LỜI KẾT :
Một quốc gia muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thế giới phẳng ngày nay phải có tầm nhìn chiến lược đúng đắn và luôn giữ cho được những giá trị cốt lõi của quốc gia đó. Đối với Việt Nam,“dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” chính là một trong những trụ cột cốt lõi xuyên suốt làm kim chỉ nam cho mọi sự ổn định, phát triển kinh tế, và ứng biến với mọi thay đổi chính trị phức tạp.
Một doanh nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thế giới hội nhập và cạnh tranh quốc tế khốc liệt ngày nay cũng phải có tầm nhìn chiến lược đúng đắn vừa sức mình và luôn giữ cho được những giá trị cốt lõi phù hợp với thể trạng hiện tại và tương lai của doanh nghiệp đó. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, phải chăng một hệ thống yếu tố 8C bao gồm “chuẩn mực, chất lượng, chiến lược, chủ động, chung sức, chia sẻ, cam kết, chấp nhận” chính là những gợi ý cơ bản nhất trong lúc này về một trụ cột cốt lõi xuyên suốt dẫn dường cho mọi sự ổn định, phát triển, và thích nghi được với mọi tác động phức tạp từ đối nội cho đến đối ngoại của bất cứ một doanh nghiệp nào muốn có vị trí ảnh hưởng trên bản đồ kinh tế thế giới.
Còn với một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các CEO, không còn cách nào khác, muốn chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vững vàng và đúng định hướng giữa sóng to biển lớn, hơn lúc nào hết cũng cần trang bị vũ khí 5T để thực hiện các giá trị cốt lõi mình cần lựa chọn : “trình độ, tâm đức, tỉnh táo, thông quan, thời gian”.
Trong thế giới biến đổi liên tục này, biết chắc rằng chỉ có sự thay đổi mới không bao giờ thay đổi, nhưng nếu chuẩn bị thất bại sẽ là chuẩn bị thất bại ! Mọi việc đều cần có sự chuẩn bị chu đáo, và phải chuẩn bị ngay từ khi đã nhận thức đúng vấn đề !
Cùng với sóng gió thị trường và bão táp thời gian, khi tất cả những cái khác không còn nữa, cái mất đi cuối cùng, chính là giá trị cốt lõi !
NHD.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO :
- Các Chương trình kinh tế, đối thoại doanh nghiệp trên các Đài truyền hình : VTV, HTV, ANTV, TTXVN, FBNC.
- Các website : vcci.com.vn, dost.hochiminhcity.gov.vn, fbnc.com.vn, thesaigontimes.vn, laodong.com.vn, sucmanhtrithuc.vn, dangkykinhdoanh.gov.vn, vietsourcing.edu.vn, qa.kinhtevadubao.com.vn.
- Các Tạp chí và Thời báo : Kinh tế Việt Nam, Kinh tế và Dự báo, Kinh tế Sài gòn, Tài chính, Ngân hàng, Địa ốc, Doanh nhân.
- Sách : Nghệ thuật làm lãnh đạo (nhiều tác giả), Những tố chất làm nên nhà lãnh đạo (nhiều tác giả), 11 bí quyết thành công của CEO, Lối mòn của Tư duy cảm tính (Ori Brafman/Rom Brafman), Người giỏi không phải là người làm tất cả (Donna M. Genett), “Khóa” (CEO Đặng Đức Thành), Tư duy thông minh (John G. Miller), Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào (Ken Watanabe), Tạo dựng sự khác biệt (John C. Maxwell).
- Các tham luận, trao đổi tại các Hội thảo do Công ty Tri thức Doanh nghiệp Quốc tế phối hợp với các Trường Đại học, các doanh nghiệp đồng tổ chức.
- Khảo sát từ hơn 1.000 CEO, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao và cấp trung trong các Khóa đào tạo về Kỹ năng Lãnh đạo do bản thân tác giả có cơ hội được trực tiếp giảng dạy./.
HẾT
No comments:
Post a Comment