Friday, September 26, 2014

TPHCM, Đồng Nai muốn sớm xây sân bay Long Thành

Thời báo Kinh tế Sài gòn, ngày 23/12/2013,   http://www.thesaigontimes.vn/Home/dothi/hatang/107663/TPHCM-Dong-Nai-muon-som-xay-san-bay-Long-Thanh.html     - Chủ tịch UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai hôm 23-12 cùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng sân bay Long Thành để giải quyết tình trạng quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế tại Đồng Nai.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về triển khai kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014 diễn ra hôm 23-12, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng theo kế hoạch trước đây, đến năm 2015 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên hiện nay sân bay này đã đón 20 triệu lượt khách mỗi năm.
Theo ông Quân, nếu không sớm triển khai xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì 2-3 năm tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, gây ách tắc cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố và cả khu vực.
Trong khi đó, theo ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới Chính phủ cần chỉ đạo sớm triển khai dự án sân bay Long Thành vì có như vậy mới hy vọng giúp Đồng Nai phát triển mạnh về kinh tế.
“Để giúp kinh tế Đồng Nai phát triển mạnh, kiến nghị Chính phủ cho triển khai sớm dự án sân bay Long Thành”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết để thực hiện được dự án sân bay Long Thành thì có hai dự án tái định cư rất lớn cần được triển khai sớm với tổng vốn cho dự án tái định cư lên đến 7.200 tỉ đồng. Nếu không sớm hoàn thành hai dự án tái định cư thì khi bắt tay xây dựng sân bay sẽ dẫn đến tình trạng kéo dài. Dự kiến sẽ có hơn 10.000 người dân bị thu hồi đất cho dự án sân bay Long Thành.
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hồi tháng 7-2013, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được mời gọi đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Ước tính giai đoạn 1 của dự án (2014 -2020) sẽ cần ít nhất 5,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó, vốn nhà nước và ODA chiếm khoảng 53%, còn lại là vốn tư nhân.
Theo ACV, từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị thiết kế, thu xếp vốn, giải tỏa, xây dựng… đến khi có được một cảng hàng không quốc tế mất khoảng 10 năm. Do vậy, lúc này việc quyết định xây sân bay Long Thành là đã muộn bởi đáng ra bây giờ là lúc đã chuẩn bị khởi công để đến năm 2020 có được một cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm để chia sẻ với sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, vị trí và quy mô sân bay Long Thành đã được Chính phủ quy hoạch từ năm 2005 - là sân bay duy nhất ở Việt Nam được chọn là cảng hàng không trung chuyển quốc tế sẽ nằm trên địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích chiếm đất 5.000 héc ta. Sân bay này cách sân bay quân sự Biên Hòa 32 km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 43 km, có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; tiếp nhận được loại máy bay A380 và tương đương. Sân bay Long Thành có công suất đủ để thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng không trong khu vực vào năm 2030.
Với phương án tư vấn Nhật Bản đưa ra thì chi phí xây dựng sân bay Long Thành vào khoảng 7,817 tỉ đô la Mỹ, chi phí thu hồi đất là 730 triệu đô la Mỹ (1.500 hộ dân tái định cư). Trong khi đó, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì cần tới 9,15 tỉ đô la Mỹ chỉ cho chi phí xây dựng.
Theo kế hoạch được công bố trước đây, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công vào năm 2015. Dự kiến, để xây dựng dự án cần khoảng 24.000 lao động thi công. Để chuẩn bị cho dự án, mới đây tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí 4.100 tỉ đồng để xây các khu tái định cư và gần 4.200 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng giai đoạn 1.
Kiến nghị xây thêm nhiều tuyến đường huyết mạch
Cũng tại phiên họp trực tuyến chiều 23-12, lãnh đạo nhiều địa phương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các tỉnh thu hút nhà đầu tư.
Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ sớm cho xây dựng tuyến đường sắt nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu (Trung Quốc) khổ 1,435 mét để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Cũng theo ông Hưởng, từ quí 1-2014 Nhà máy Thép Việt – Trung tại khu công nghiệp Tằng Loỏng đi vào hoạt động giai đoạn 1, sau đó nâng công suất cho giai đoạn 2 thêm 1 – 2 triệu tấn/năm.
Do vậy, lượng vận chuyển quặng sắt từ mỏ Quý Xa lên khu công nghiệp Tằng Loỏng có mật độ xe dày đặc nên tỉnh kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ cho Lào Cai xây dựng đường vận chuyển quặng sắt từ mỏ Qúy Xa về khu công nghiệp Tằng Loỏng theo hình thức đầu tư PPP, tức nhà nước bỏ 70% vốn (trong đó trung ương hỗ trợ 50%, địa phương 20%) và doanh nghiệp là 30%.
Cũng liên quan đến công trình giao thông, ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Lâm Đồng được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển thành phố Đà Lạt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Để hỗ trợ việc phát triển tỉnh Lâm Đồng, ông Tiến kiến nghị Chính phủ đưa đường cao tốc Liên Khương – Dầu Giây vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia cần ưu tiên đầu tư bởi hiện nay quốc lộ 20 từ Đà Lạt – TPHCM bị xuống cấp nghiêm trọng, đi mất 9 – 10 tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, ngành du lịch của Lâm Đồng.



No comments:

Post a Comment