Monday, September 15, 2014

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc trả lời báo Đời sống và Pháp luật – Cơ quan Hội Luật gia Việt Nam: "chẳng lẽ bó tay?"

Ngày 31 tháng 8 năm 2013, Phóng viên báo "Đời sống và Pháp luật" – Cơ quan Hội Luật gia Việt Nam đã phỏng vấn TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM HASCONchúng tôi xin đăng lại 5 câu hỏi và 5 câu trả lời

  1.  Hiện nay, TPHCM đang tiến tới xây dựng chính quyền đô thị thì kết cấu hạ tầng, giao thông… cần phải chú ý những điểm gì?
Trả lời: Theo Triết học Duy vật biện chứng thì “kết cấu hạ tầng, như giao thông, nhà ở…”  thuộc “Hạ tầng cơ sở”, còn “chính quyền đô thị” thuộc “Thường tầng kiến trúc”, mà nguyên lý cơ bản của Triết học này là: Hạ tầng cơ sở quyết định Thường tầng kiến trúc. Vì vậy, theo chúng tôi, nên đặt vấn đề: với kết cấu hạ tầng hiện hữu, thì khi xây dựng chính quyền đô thị, cần phải chú ý những điểm gì? Hơn nữa, làm như vậy sẽ tránh được những “lập luận” duy ý chí, siêu hình.
  1. 2.  Hiện nay, đô thị TPHCM còn nhiều bất cập, đặc biệt là lượng người lao động, học sinh – sinh viên từ các tỉnh thành khác đổ về rất đông, và họ đang phải sống trong những căn phòng trọ thiếu đủ thứ: diện tích, mất an toàn, trộm cướp, cháy nổ… TS nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Về ý kiến “Hiện nay, đô thị TPHCM còn nhiều bất cập, đặc biệt là lượng người lao động, học sinh – sinh viên từ các tỉnh thành khác đổ về rất đông, và họ đang phải sống trong những căn phòng trọ thiếu đủ thứ: diện tích, mất an toàn, trộm cướp, cháy nổ…”, chúng tôi cho rằng, đó là một thực tế khách quan, không thể chối cãi. Đó cũng chỉ là một trong hàng loạt vấn đề về cơ sở hạ tầng nhức nhối của chúng ta, như kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm không khí, xử lý rác, giáo dục, y tế … mà chính quyền và người dân đã nói nhiều, nhưng chưa giải quyết được bao nhiêu. Có lẽ, các nhức nhối này ràng buộc chằng chịt với nhau, muốn xử lý, phải đồng bộ, phải có vốn liếng tiền bạc, chứ không thể chỉ bằng quyết tâm hay bằng ý chí, bằng mơ ước tốt đẹp nhưng hão huyền.
  1.  3.  Phải sống trong những căn nhà trọ lụp xụp, mất an toàn (cháy nổ, chập điện), thường xuyên diễn ra tình trạng mất an ninh trật tự (trộm, cắp, nhậu nhẹt, đánh nhau…) có phải là họ đang đối mặt với những nguy hiểm rình rập?
Trả lời: Chắc chắn là họ đang đối mặt với những nguy hiểm rình rập.
  1.  4. Là một nhà khoa học giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, đồng thời là Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (cùng nhiều cương vị quan trọng khác), TS có thể chia sẻ làm thế nào để giải quyết chỗ ở đạt chuẩn tối thiểu cho họ?
Trả lời: Làm thế nào để giải quyết chỗ ở đạt chuẩn tối thiểu cho họ?
Câu hỏi này không dễ trả lời.
Thử tính gần đúng như sau; để tránh “đối mặt với những nguy hiểm rình rập”, mỗi người nhập cư cần mua một diện tích tối thiểu là 6 m2, tại những chung cư cho người thu nhập thấp. loại chung cư này đang được bán với giá bình quân 15 triệu/m2, vậy người nhập cư phải có 15 triệu/m2 x 6m2 = 90 triệu đồng! đó là điều không thể xẩy ra hiện nay vì chẳng có mấy người nhập cư có đủ khoản tiền này!
Cũng có thể tính thử: người nhập cư không mua, mà chỉ thuê 6m2 loại nhà nói trên, tiền thuê nhà sẽ là bao nhiêu? Nếu nhà đầu tư (là nhà nước hoặc tư nhân) bỏ ra 90 triệu để mua nhà, rồi cho thuê, mỗi năm họ phải thu về ít nhất là 20% số tiền đầu tư (thì mới đủ tiền chi phí quản lý, khấu hao, sửa chữa, nộp thuế, tiền lời…), tức là phải thu về 20% x 90 triệu = 18 triệu, cũng có nghĩa người nhập cư phải đóng tiền thuê nhà mỗi tháng 18 triệu / 12 tháng = 1,5 triệu! đó cũng là điều không thể xẩy ra!
Có nhiều người nghĩ rằng Chính quyền Thành phố có thể lấy tiền ngân sách đầu tư xây dựng nhà ở cho người nhập cư. Lại tính thử xem: giả thiết có 1 triệu người nhập cư, thì tổng số tiền đầu tư sẽ là 1 triệu người x 90 triệu đồng/người = 90.000 tỷ đồng! Ngân sách lấy đâu ra số tiền này?
Hơn nữa, nếu ngân sách “tìm được đâu đó” số tiền này, và ngân sách giúp đỡ người nhập cư bằng cách cho thuê giá rẻ, (ở mức mà người nhập cư đang đóng tiền thuê nhà hiện nay, khoảng 400.000 đồng / tháng),  thì ngân sách sẽ lỗ mỗi năm bao nhiêu tiền? Mỗi năm: 1 người nhập cư đóng 400 ngàn/ tháng x 12 tháng = 4,8 triệu đồng, ngân sách lỗ từ 1 người nhập cư 18 triệu – 4,8 triệu = 13,2 triệu, lỗ từ 1 triệu nười nhập cư là 13,2 triệu x 1 triệu = 13.200 tỷ đồng! Lấy đâu ra tiền để bù khoản lỗ này hàng năm?
Như vậy, chẳng lẽ bó tay?
Theo chúng tôi, vấn đề sẽ được giải quyết dần dần bằng sự cố gắng và kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 phía: người nhập cư, các doanh nghiệp sử dụng lao động nhập cư, các trường học, và chính quyền thành phố.
Người nhập cư: kiên nhẫn chịu đựng, tạm thời yên tâm sống trong những chỗ trọ chật chội, kém tiện nghi, kém an toàn, tương ứng với tiền thuê nhà mỗi  tháng 400 ngàn đồng, nỗ  lực làm việc, đóng góp sức lực và trí tuệ cho doanh nghiệp và trường học phát triển mạnh mẽ, chờ đợi kinh tế phát triển, lương dần nâng cao, tới mức có thể chi 1,5 triệu đồng mỗi tháng để thuê chỗ ở đạt tiêu chuẩn tối thiểu.
Các doanh nghiệp sử dụng lao động nhập cư, các trường học: Cố gắng sản xuất tốt, quản lý tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự cống hiến của người lao động, của học sinh, nâng dần mức lương, nâng dần học bổng, giảm dần học phí.
Chính  quyền thành phố: tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, nâng dần mức sống của nhân dân, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của an sinh xã hội.
  1. 5.  Ngoài ra, về vấn đề mất an toàn trong các khu nhà ổ chuột (khu nhà trọ) như hiện nay, TS Nguyễn Bách Phúc còn có ý kiến phân tích, chia sẻ gì thêm?

Trả lời: Mất an toàn trong các khu nhà ổ chuột (khu nhà trọ) như hiện nay, là phụ thuộc vào 2 phía: thái độ chấp hành pháp luật và ý thức cộng đồng của phía người ở trọ, và trách nhiệm của phía cơ quan công quyền. Tình hình sẽ được cải thiện nếu cả 2 phía đều đồng thời cố gắng.

No comments:

Post a Comment