Báo Kinh tế Sài Gòn, Thứ Sáu, 23/5/2014, 16:39 (GMT+7), http://www.thesaigontimes.vn/115337/Them-luat-de-han-che-that-thoat-von-nha-nuoc.html Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tại kỳ họp Quốc hội tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Nguyên tắc của dự án luật này là đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát, phải bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến thời điểm hiện nay, pháp luật về quản lý hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng vẫn chưa có một cơ sở luật để điều chỉnh.
DNNN đã tạo việc làm cho khoảng 1,25 triệu người lao động, có mức thu nhập tương đối ổn định, phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng liệt kê một số hạn chế trong hoạt động của DNNN như việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm.
Nhiều DNNN có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, chậm đổi mới, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu phát triển thị trường, chưa thích ứng với xu thế hội nhập, năng lực quản trị của doanh nghiệp, hệ thống quản trị nội bộ không đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát các nguồn lực được giao.
Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước đang được sửa đổi bổ sung thì một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sử dụng tài sản và vốn nhà nước không hiệu quả, không chú trọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, sử dụng vốn để đầu tư vào lĩnh vực có rủi ro cao như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, đặc biệt một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý yếu kém, thua lỗ làm thất thoát vốn, tài sản của doanh nghiệp.
Do vậy, để bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò của kinh tế Nhà nước, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là cần thiết.
Mục tiêu của luật này là khắc phục việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải, đồng thời đề cao việc tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp.
* Cũng trong chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Giàu, qua thẩm tra có một số nhóm ý kiến như sau. Một loại ý kiến là dự án luật sẽ điều chỉnh đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đối với các dự án có vốn đầu tư nhà nước thì sẽ điều chỉnh thông qua cơ chế người đại diện; phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc thị trường khi nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp với tư cách là cổ đông.
Nhóm ý kiến khác cho rằng việc quản lý các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ cũng thông qua cơ chế người đại diện như đối với việc quản lý doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ là chưa phù hợp, cần có thêm các cơ chế khác để quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp.
Về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, theo ông Giàu, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cần hạn chế tối đa việc Nhà nước thành lập doanh nghiệp mới, cũng như làm rõ những ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp và quy định cụ thể hơn vai trò, mô hình hoạt động doanh nghiệp nhà nước có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; đề nghị xem xét lại thẩm quyền của hội đồng thành viên và chủ tịch HĐTV trong việc huy động vốn, quyết định dự án đầu tư xây dựng, mua bán tài sản cố định của công ty và quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp đối với các dự án có giá trị không vượt quá 50% vốn sở hữu của doanh nghiệp.
Văn Nam
No comments:
Post a Comment