Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân ủng hộ, nuôi dưỡng, báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành, không ngừng lớn mạnh và phát triển. Với vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, “binh chủng” báo chí cả nước đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin sinh động về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Báo chí cách mạng còn góp phần tích cực giúp nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn và những thành tựu đổi mới to lớn của Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao vai trò của báo chí trong đời sống xã hội cũng như những đóng góp quan trọng của báo chí trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế.
Những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục
Bên cạnh ưu điểm và thành tựu, thời gian qua, hoạt động báo chí ở nước ta còn bộc lộ không ít yếu kém. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; có những thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hoá báo chí chưa được khắc phục. Ví dụ, khi phản ánh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều phóng viên báo chí chỉ “nhăm nhăm” tìm những mặt trái để thông tin và chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trong khi rất nhiều những tấm gương hy sinh “chở tri thức” lên vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì ít được xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí. Hoặc, trong lĩnh vực an ninh - trật tự, đã có cơ quan báo chí dành cả hai hoặc ba trang để miêu tả hành vi giết người man rợ, với mục đích giật gân, bán báo mà quên đi trách nhiệm xã hội của tờ báo.
Khuyết điểm thường gặp ở nhiều tờ báo ngành, hội là thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép. Trách nhiệm chính trước hết là của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự “lỏng lẻo” của chính các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Tình trạng báo của ngành này, địa phương này nhưng lại đưa thông tin nhiều về ngành khác, địa phương khác, mà lại chủ yếu là các vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng, làm cho báo chí thiếu bản sắc, trùng lặp thông tin, thiếu tính định hướng.
Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin. Đây là dạng sai phạm có tác động xấu đến dư luận xã hội, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc. Khuyết điểm này trước hết thuộc về người đứng đầu, ban biên tập và người biên tập. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kết luận các vi phạm của một số tờ báo, trang tin điện tử. Và điều dễ nhận thấy là những vi phạm trong quy trình biên tập, duyệt bài ở một số báo, tạp chí, trang tin điện tử rất nghiêm trọng, dẫn đến những sai phạm có tác động xấu đến xã hội. Một số cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương tại các địa phương hoạt động chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện, thường trú trên địa bàn.
Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; chưa quan tâm kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí; gửi báo cáo xử lý thông tin do báo chí nêu không kịp thời, không đầy đủ. Nội dung một số văn bản trả lời còn sơ sài, chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm, biện pháp giải quyết.
Vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản có lúc, có nơi còn mờ nhạt. Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí theo luật định chưa được thực hiện một cách rõ ràng, rành mạch. Nhiều trường hợp cơ quan chủ quản buông lỏng vai trò, trách nhiệm của mình. Một số tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, hoặc trùng lặp nhưng vẫn được các cơ quan chủ quản cho hoạt động, gây khó khăn cho việc quy hoạch hệ thống báo chí cả nước. Công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chủ quản còn bị buông lỏng, có nơi còn “khoán trắng” cho cơ quan báo chí toàn quyền quyết định mọi nội dung. Xử lý không nghiêm, thậm chí bao biện cho sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí còn có những hạn chế, như cán bộ, chuyên viên làm công tác này còn thiếu và yếu, nhiều nơi cán bộ làm nhiệm vụ này chưa được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ về báo chí, xuất bản nên chất lượng công tác chưa cao, không theo sát được hoạt động của các cơ quan báo chí. Quản lý nhà nước về hoạt động phát thanh, truyền hình, internet là lĩnh vực đặc thù, phải có kiến thức về công nghệ, kỹ thuật nhưng trình độ, năng lực của cán bộ quản lý nhà nước về báo chí ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng phát hiện, nắm bắt các nghiệp vụ báo chí còn chưa theo kịp yêu cầu công tác quản lý nhà nước về báo chí trong thời kỳ toàn cầu hóa thông tin hiện nay.
Tăng cường công tác quản lý báo chí
Trước thực trạng trên, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí là hết sức cần thiết. Cụ thể, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục xây dựng, bổ sung các quy định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí; tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật Báo chí, xây dựng Chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và xa hơn; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chế tài đủ mạnh để tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, vững chắc.
Thứ hai, tập trung tổ chức thực hiện xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và phát triển sự nghiệp báo chí; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí. Tăng cường phổ biến quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương; tăng cường quản lý, cung cấp thông tin, sử dụng dịch vụ internet, đặc biệt là đưa thông tin trên các trang điện tử, blog, mạng xã hội vào nề nếp. Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 06-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, đồng thời thực hiện tốt đề án: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.
Thứ ba, các cơ quan chủ quản báo chí cần đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thuộc quyền hoạt động đúng quy định, có sự phối hợp nhịp nhàng với Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý các cơ quan báo chí. Đồng thời, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan báo chí đảm bảo các tiêu chuẩn về chính trị, nghiệp vụ. Đối với những bộ, cơ quan ngang bộ có nhiều báo, tạp chí trùng lặp về tôn chỉ, mục đích, thiếu điều kiện đảm bảo cho tờ báo hoạt động bình thường thì nên kiên quyết sáp nhập hoặc đình chỉ hoạt động.
Thứ tư, đối với báo chí ở địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh… duy trì và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giao ban báo chí định kỳ hằng tháng phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý báo chí trong tình hình mới. Qua đó, kịp thời định hướng những trọng tâm tuyên truyền từng tháng, từng giai đoạn cụ thể, đồng thời chỉ ra những mặt mạnh và những hạn chế, thiếu sót để các cơ quan báo chí kịp thời sửa chữa, khắc phục. Mặt khác, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhân dân, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của đất nước và ngành, địa phương.
Thứ năm, các cấp, các ngành xây dựng quy chế hoạt động của người phát ngôn báo chí, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thông báo kịp thời cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (đối với báo chí trung ương, bộ, ngành), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông (đối với báo chí địa phương) về các bài báo phản ánh sai sự thật, thiếu khách quan, chủ ý làm sai sự thật… để có biện pháp xử lý kịp thời. Phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, UBND cấp dưới thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí; theo dõi xử lý kịp thời thông tin trên báo chí.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan báo chí, xuất bản trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, phát hiện kịp thời các vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các văn bản quy định khác về báo chí để chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan chủ quản kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh khi có sai phạm, lệch lạc.
Thứ bảy, cần có kế hoạch và sớm thực hiện việc cử cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác quản lý về báo chí ở Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Thông tin và Truyền thông đi đào tạo, đào tạo lại về nghiệp vụ báo chí, nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản tại các trung tâm đào tạo chuyên ngành, đảm bảo tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng.
Công tác quản lý báo chí đòi hỏi sự góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành, của cả cơ quan báo chí và các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý báo chí, đặc biệt là vai trò của ngành thông tin và truyền thông. Có làm tốt công tác quản lý báo chí thì các cơ quan báo chí mới phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, góp phần để báo chí cách mạng phát triển không ngừng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân ngày một tốt hơn./.
-----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2011.
(2) Nguyễn Văn Dững, Báo chí truyền thông hiện đại, NXB Đại học quốc gia, H. 2011.
(3) Nguyễn Thế Kỷ, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí trước yêu cầu mới, Báo Quân đội Nhân dân điện tử, ngày 11-6-2010.
No comments:
Post a Comment