Theo Thông tư 219, kể từ ngày 1-1-2014 doanh nghiệp mới thành lập phải có mua sắm tài sản cố định có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên mới được chấp thuận cho tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Ảnh: Uyên Viễn
Thống kê nêu trên không đề cập lý do các doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 1-1-2014 phải ngưng hoạt động là gì, nhưng theo phản ảnh của nhiều người thì chắc chắn có sự góp phần của Thông tư 219/2013/TT-BTC ban hành ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính, có hiệu lực ngay ngày hôm sau là ngày 1-1-2014. Quy định ấy là: doanh nghiệp mới thành lập phải có mua sắm mới tài sản cố định (TSCĐ) có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên thì mới được chấp thuận cho tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tại sao?
Thuế GTGT là loại thuế gián thu, “đánh” trên người tiêu dùng cuối cùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp chỉ đóng vai trò trung gian kê khai và nộp thay vào ngân sách. Trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp với nhau, thuế GTGT được đánh theo đúng nghĩa là chỉ trên phần giá trị tăng thêm từ các hoạt động kinh tế, khi doanh nghiệp khấu trừ phần thuế GTGT đầu ra (output) với đầu vào (input). Việc không được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, mà phải áp dụng phương pháp gián tiếp tức là toàn bộ phần thuế GTGT đầu vào trở thành chi phí, làm tăng giá thành của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Đây là điều bất lợi cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường trong khi Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009.
Hơn nữa, quy định này còn khởi tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới. Bởi với giá thành cao, doanh nghiệp mới không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ đã tham gia thị trường, và cũng không một doanh nghiệp nào đang áp dụng phương pháp khấu trừ thuế lại muốn nhận một hóa đơn theo phương pháp trực tiếp không khấu trừ được khoản thuế GTGT đầu vào mà họ đã phải chi trả.
Ngoài ra, doanh nghiệp lại còn phải nộp thêm thuế GTGT với tỷ lệ phần trăm trên doanh thu (từ 1-5% tùy theo ngành nghề kinh doanh). Thực chất phương pháp gián tiếp này không khác gì thuế doanh thu đã bộc lộ nhiều hạn chế và đã được thay thế từ năm 1999 bởi chính Luật thuế GTGT!
Vô lý và thiếu thực tế
Điều đáng nói là Nghị định 209/2013 của Chính phủ ban hành ngày 18-12-2013 chỉ quy định doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm TSCĐ được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế và thủ tục được thực hiện theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6-11-2013 của Bộ Tài Chính. Thế nhưng tại Thông tư 219, Bộ Tài chính đã thêm vào quy định “TSCĐ có giá trị 1 tỉ đồng trở lên” thì doanh nghiệp thành lập kể từ ngày 1-1-2014 mới được đăng ký “tự nguyện”!
Hơn nữa, mãi đến ngày 17-3-2014, Tổng cục Thuế mới ban hành Công văn 858/TCT-KK, trong đó có căn cứ vào Thông tư 219! Trong khi từ ngày 18-12-2013 đến ngày 28-2-2014, Bộ Tài Chính và Tổng Cục thuế bằng các công văn số 17557/BTC-TCT, 18128/BTC-TCT, 624/TCT-CS hướng dẫn triển khai thực hiện một số quy định có hiệu lực từ 1-1-2014 tại Luật thuế GTGT đều không có quy định và căn cứ này.
Trước đó, ngày 16-1-2014, Cục Thuế TPHCM đã có Công văn 471/CT-TTHT “trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị Định 209”, đã hướng dẫn doanh nghiệp mới thành lập chỉ cần thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế theo mẫu số 06/GTGT và văn bản doanh nghiệp cam kết có thực hiện đầu tư, mua sắm TSCĐ. Tuy nhiên, ngày 4-3-2014, Cục Thuế TPHCM có công văn số 1336/CT-TTHT về việc triển khai thực hiện văn bản số 624/TCT-CS ngày 28-2-2014 của Tổng cục Thuế thì Công văn số 471/CT-TTHT đã “không còn hiệu lực kể từ khi Thông tư 219 có hiệu lực thi hành”, trong khi ngày ban hành TT 219 là ngày 31-12-2013!?
Sau khi có nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành các công văn 3795/BTC-TCT ngày 26-3-2014 và công văn 5485/BTC-TCT ngày 26-4-2014, nhưng không những không giải quyết triệt để nút thắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mới so với doanh nghiệp cũ, mà còn đào sâu thêm khoảng cách bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp mới với nhau.
Cho đến thời điểm này thì hiện trạng vẫn chưa có gì thay đổi và vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho sự thêm thắt “quy định vô lý và thiếu thực tế” - như lời của ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, ngoài lập luận cho rằng quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp thành lập với mục đích mua bán hóa đơn như Bộ Tài chính, cơ quan thuế từng phát hiện!
Kết luận
Các chính sách thuế được ban hành đều có tác dụng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Thông thường, trước khi ban hành, cơ quan soạn thảo phải công khai bản dự thảo và kế hoạch cụ thể để lấy ý kiến phản biện từ cộng đồng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà chuyên môn. Thế nhưng, chuyện Bộ Tài chính thêm vào quy định nêu trên cho thấy sự rối rắm, thiếu thực tế và không chuyên nghiệp của cơ quan làm chính sách trong khi Luật thuế GTGT và Nghị định 209 không quy định điều khoản này.
Hơn nữa, Nghị định 56/2009/NĐ-CP về việc trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi phân loại doanh nghiệp trong từng ngành nghề thành siêu nhỏ, nhỏ, và vừa, ngoài tiêu chí về vốn còn là số lao động bình quân năm của doanh nghiệp. Than ôi, ngành thuế muốn nuôi dưỡng nguồn thu mà thực hiện thế này thì trở thành kết liễu nguồn thu mất rồi!
Đức Trí
No comments:
Post a Comment