Friday, September 26, 2014

Những “điểm nghẽn” tín dụng từ... bên trong

Thesaigontime, ngày 24/08/2014,     http://www.thesaigontimes.vn/119086/Nhung-%E2%80%9Cdiem-nghen%E2%80%9D-tin-dung-tu-ben-trong.html,        Để có sự lý giải, đánh giá thấu đáo về thực trạng tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay, bên cạnh những nhân tố bên ngoài - tác động của môi trường kinh tế vĩ mô và vi mô, thiết nghĩ cần phải phân tích những nhân tố thuộc về bên trong hệ thống ngân hàng.


Nhìn về dài hạn, lãi suất vẫn chưa thực sự mang lại yên tâm cho người vay vốn. Ảnh: TUỆ DOANH
Trước hết, về lãi suất cho vay. Đây là nhân tố đầu tiên có tác động quyết định nhằm tạo ra sức cầu tín dụng. Với mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân vào khoảng 8-10%/năm, trung dài hạn 11-12%/năm, thậm chí chỉ từ 6-7%/năm đối với tài trợ xuất khẩu, có thể khẳng định lãi suất không còn là nỗi ám ảnh lớn đối với các doanh nghiệp như giai đoạn trước đây.
Hiện tại nhiều ngân hàng cũng đang tung ra những gói ưu đãi với các điều kiện hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, lãi suất vẫn chưa thực sự mang lại yên tâm cho người vay vốn. Bởi, họ vẫn phải chấp nhận “điều khoản linh hoạt” khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, mà theo đó lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định (thông thường 3-6 tháng), còn sau đó sẽ điều chỉnh tùy thuộc vào “tín hiệu thị trường”.
Mặt khác, “thòng lọng” phí trả nợ trước hạn luôn chực chờ sẵn trong trường hợp khách hàng có ý định rời bỏ sang ngân hàng khác.
Liệu rằng CIC có đủ khả năng đảm đương việc cung cấp, cập nhật thông tin về rủi ro tín dụng chính xác, kịp thời để các tổ chức tín dụng ra quyết định cho vay?
Dĩ nhiên ngân hàng luôn có lý khi áp dụng các “chiến thuật phòng hậu” nói trên, tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng khách quan, cần thiết phải xác lập hành lang pháp lý rõ ràng nhằm bảo vệ người vay vốn, tương tự Luật Bảo vệ người tiêu dùng, như đặt ra các giới hạn tối đa khi áp lãi suất hoặc phí theo cơ chế thỏa thuận.
Vấn đề tiếp theo là những vướng mắc về cơ chế cho vay và xử lý nợ xấu. Theo Thông tư 09 quy định về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải chuyển dư nợ của khách hàng thuộc diện được miễn/giảm lãi sang nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), điều này vô hình trung đẩy khách hàng vào tình trạng nợ xấu, đồng nghĩa với việc ngăn chặn mọi khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Miễn/giảm lãi về thực chất là một giải pháp để ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhằm khuyến khích, động viên nỗ lực thanh toán các khoản nợ có vấn đề, do đó, nếu muốn cảnh báo thì cũng chỉ nên dừng lại ở nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khả năng mở rộng cho vay của TCTD phụ thuộc phần lớn vào năng lực thẩm định, đánh giá đúng thực lực và uy tín của khách hàng, đặc biệt đối với các trường hợp cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm. Một trong những công cụ hỗ trợ rất quan trọng đó là sử dụng nguồn dữ liệu chính thống từ các tổ chức đánh giá tín nhiệm chuyên nghiệp.
Rất tiếc, lĩnh vực này ở Việt Nam hầu như chưa được chú trọng tương xứng với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế. Mọi thông tin rủi ro tín dụng hiện nay gần như phụ thuộc vào tổ chức “độc quyền” CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng trực thuộc NHNN). Tuy nhiên chất lượng dữ liệu thông tin tham khảo còn kém, đơn điệu, thiếu sự phân tích chiều sâu, mặc dù mức phí thu thường niên và đột xuất từ các TCTD là không nhỏ.
Kể từ ngày 1-1-2015, các TCTD sẽ phải triển khai thực hiện điều 8 Thông tư 02, phải dựa vào CIC để phân loại nợ và xếp hạng tín nhiệm khách hàng vay vốn. Liệu rằng CIC có đủ khả năng đảm đương việc cung cấp, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời? Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “tắc nghẽn” dữ liệu?
Ngoài ra, TCTD sẽ có cơ hội cho vay nhiều hơn nếu quan điểm đánh giá của NHNN về tín dụng bất động sản không quá cứng nhắc, thậm chí hiện vẫn còn “thành kiến” với lĩnh vực này như trước đây đã từng liệt loại cho vay này vào diện “không khuyến khích”. TCTD cần nâng cao năng lực sàng lọc khách hàng, không chạy theo các cơn sóng đầu cơ. NHNN cần tạo điều kiện về cơ chế để mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho những khách hàng phát sinh các nhu cầu “thực” về bất động sản, kịp thời đáp ứng vốn cho những dự án mà chủ đầu tư chứng minh được năng lực về tài chính và uy tín nghề nghiệp, đặc biệt là cần ưu tiên hỗ trợ vốn đối với những dự án dở dang, dự án treo để nhanh chóng đưa vào sử dụng, tránh tình trạng hoang phí đất đai đang diễn ra tràn lan như hiện nay.
Với gánh nặng nợ xấu, kể cả nợ tiềm ẩn rủi ro cao như hiện nay, các TCTD buộc phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý, trong đó bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là một giải pháp được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, việc hạch toán sau khi bán nợ mới chỉ giúp giải tỏa nợ xấu theo kiểu “vở sạch, chữ đẹp”. Điều quan trọng hơn là quá trình theo dõi thu hồi nợ sau đó lại vướng vào “mê cung” trung gian thủ tục hành chính rườm rà, nhất là quy trình ủy quyền tố tụng, thanh lý, chuyển nhượng tài sản bảo đảm, hạch toán thu hồi nợ...
“Đoạn trường” xử lý nợ xấu đến nay có vẻ như được khích lệ hơn khi mới đây NHNN - Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 16 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-7-2014. Theo đó, TCTD chính thức được trao quyền rộng rãi hơn so với trước đây trong quá trình xử lý tài sản của khách hàng để thu hồi nợ như được quyền bán tài sản không qua đấu giá, quyền yêu cầu UBND cấp xã hỗ trợ việc thu giữ tài sản, quyền ký trên các giấy tờ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện thi hành... Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn để ngỏ, đó là liệu các TCTD có thể tự mình hành xử theo những quy phạm pháp luật nêu trên hay vẫn phải trông chờ vào sự phối hợp của các ngành hữu quan? Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy hiệu lực pháp luật trong quá trình xử lý thu hồi nợ xấu theo các quyết định tòa tuyên án hiện vẫn còn quá nhiều tồn tại. Đó là lý do khiến dư luận hoài nghi Thông tư 16 khó có thể đi vào cuộc sống.
Tâm Dân

No comments:

Post a Comment