Friday, September 26, 2014

“Made in Việt Nam”vào chuỗi toàn cầu

Báo Tuổi trẻ, ngày 06/01/2014,   http://tuoitre.vn/Kinh-te/588751/made-in-viet-nam-vao-chuoi-toan-cau.html     - Thông tin 70% smartphone của Samsung trên thế giới đã được sản xuất tại VN mà đại diện công ty này công bố gần đây cho thấy cái tên VN trên bản đồ công xưởng sản xuất quốc tế đang được để ý nhiều hơn.

Điều này càng rõ ràng hơn khi mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây liên tục công bố tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, nhà xưởng tại VN. Tập đoàn Bosh quyết định xây dựng thêm nhà máy phục vụ sản xuất các thiết bị phụ tùng xe hơi với số vốn tăng thêm gần 240 triệu USD, hay Hãng sản xuất lốp xe Bridgestone VN cũng vừa điều chỉnh để nâng vốn đầu tư nhà máy sản xuất tại Hải Phòng lên 1,224 tỉ USD. Những tên tuổi lớn như Samsung, Canon, Bosch, Fuji Xerox... đem lại giá trị xuất khẩu hàng chục tỉ USD mỗi năm đã và đang chọn VN để trở thành cứ điểm sản xuất không ngần ngại bày tỏ thiện chí muốn phát triển cơ sở sản xuất lâu dài ở đây.
Ông Hong Suk Kyoon, phó giám đốc Thương vụ Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM (Kotra), nói doanh nghiệp Hàn Quốc từng đầu tư vào VN vì yếu tố giá nhân công rẻ, môi trường đầu tư thuận lợi. Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước. Bây giờ với đội ngũ lao động lành nghề, tiếp thu kỹ thuật cao và VN đang chuyển qua quá trình công nghiệp hóa thì mục tiêu chọn VN hiện nay là trở thành cứ điểm sản xuất, chuyển giao công nghệ. Đi cùng với đó không chỉ tập trung các khoản đầu tư vào nhà xưởng, cơ sở sản xuất mà còn vào đầu tư đào tạo nhân sự, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Những bất ổn chính trị hay nhiều bất trắc ở các nước trong khu vực đã tạo cho VN một cơ hội chín muồi để đưa cái tên “Made in VN” vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Nhưng làm sao để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu, làm sao để VN có thể hưởng lợi hơn từ dòng vốn FDI vẫn là câu chuyện dài.
Tiến sĩ Phạm Văn Thuyết, chuyên viên Ngân hàng Thế giới, nói một thời gian dài chúng ta ưu tiên phát triển ngành công nghiệp xe hơi, nhiều ưu tiên đã được đưa ra nhưng đến nay VN vẫn là thị trường lắp ráp. Kinh nghiệm cho thấy VN muốn thành công thì cần phải củng cố nền tảng công nghiệp, xây dựng công nghiệp hỗ trợ. “Muốn phát triển ngành sản xuất, VN phải lập được một nền tảng công nghiệp căn bản, từ đó đi đến ngành công nghiệp phụ trợ. Nói cách khác, VN cần xây dựng chắc chắn các ngành kỹ thuật như: cơ khí, thiết kế, chế tạo mẫu... chứ không nên chỉ chăm chăm vào công nghệ cao, điều mà Nhật Bản đã làm rất tốt” - ông Thuyết nói.

N.BÌNH

No comments:

Post a Comment