Wednesday, September 24, 2014

Không giải quyết được gì cả!

Saigontimes, Chủ Nhật,  7/9/2014, 09:59 (GMT+7)      http://www.thesaigontimes.vn/119593/Khong-giai-quyet-duoc-gi-ca!.html     TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, chung quanh những nội dung mấu chốt của dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính soạn thảo.


TBKTSG: Thưa ông, dự luật này quy định, mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là để thực hiện “vai trò nòng cốt”, “lực lượng vật chất quan trọng” để Nhà nước định hướng, “điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô” mang tính chiến lược trong từng giai đoạn. Ông nhận xét gì về điểm mấu chốt này?
- Ông Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu không rõ ràng, không chính xác và có phần sai lệch. Vì đã từ lâu chúng ta không xác định được chỉ tiêu đo lường “vai trò nòng cốt”, hay “lực lượng vật chất quan trọng”. Điều nói thêm là xác định không đúng vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chúng không thể là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu sử dụng công cụ này chỉ tạo thêm bất ổn về trung và dài hạn; giá phải trả cho ngắn hạn cũng không nhỏ.
Theo tôi, mục tiêu đầu tiên là sử dụng nguồn lực hiệu quả và nó chỉ làm những việc tư nhân không làm hoặc chưa làm được. Chúng cũng có thể hoạt động trong các ngành độc quyền tự nhiên.
Theo tôi, dự luật chưa định hình được vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ mà chúng ta đang hướng đến là gì. Còn sử dụng những từ ngữ như “vai trò nòng cốt”, “lực lượng vật chất quan trọng” để Nhà nước điều tiết nền kinh tế thì chúng ta còn sai về nguyên lý.
Thực tế đã chứng minh, DNNN không thể là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô được. Chúng ta muốn chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại thì DNNN không thể có mục tiêu như vậy.
TBKTSG: Phân định được quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước là vấn đề bế tắc lâu nay, song dự luật vẫn để nguyên mô hình quản lý như hiện nay. Ông bình luận như thế nào?
- Việc thực hiện quyền chủ sở hữu của nhà nước như một nhà đầu tư phải tách biệt được chức năng quản lý nhà nước và các chức năng khác như hoạch định chính sách, điều tiết thị trường, cung ứng dịch vụ công. Nếu không tách bạch được thì vẫn còn mâu thuẫn về chức năng, lợi ích, gây lẫn lộn, không minh bạch, không rõ ràng về vai trò, vị trí, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn ở DNNN.
Mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện quyền chủ sở hữu đã được cả thế giới làm rồi, chứ không phải chúng ta nghĩ ra. Song, liệu chúng ta có muốn như thế giới không? Nếu không thì thôi, không bàn; còn nếu muốn như thế giới, chuyển sang kinh tế thị trường, thì ta phải như thế. Nếu không có cơ quan chuyên trách, như thế giới họ làm, thì rõ ràng cải cách của ta không tiến triển được. Những nút thắt về kinh tế nhà nước và DNNN không sửa được.
TBKTSG: Vậy theo ông thì nên làm gì trong vấn đề này?
- Có cơ quan chuyên trách để thực hiện quyền chủ sở hữu mới bàn đến việc thực hiện quyền chủ sở hữu như thế nào, Nhà nước đầu tư vốn nhằm mục tiêu gì. Theo tôi, những mục tiêu đó có hai cấp bậc là quốc gia và doanh nghiệp. Ở cấp bậc quốc gia là toàn bộ DNNN trong nền kinh tế được đặt mục tiêu gì, còn ở cấp độ doanh nghiệp thì từng doanh nghiệp phải có mục tiêu cụ thể, chứ không thể xác định chung chung, doanh nghiệp nào cũng như nhau.
Cấp độ quốc gia thì Quốc hội phải xác định mục tiêu, sau đó Chính phủ cụ thể thêm. Nếu Quốc hội không xác định mục tiêu trong luật để giám sát, chỉ nói Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thì rất khó giải trình. Chính phủ chịu trách nhiệm cái gì, như thế nào, thế nào là hoàn thành nhiệm vụ và thế nào là không?
Ở cấp độ doanh nghiệp cũng thế. Với từng doanh nghiệp thì để cho cơ quan chịu trách nhiệm này quy định, báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội. Sau đó chỉ là những nghiệp vụ để thực hiện mục tiêu đó.
Còn với quy định như trong dự thảo thì không phân biệt được thế nào là chủ sở hữu, thế nào là quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp sẽ rất khổ sở và gò bó.
TBKTSG: Mục 2, điều 19 quy định việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, bình luận của ông ra sao?
- Thiết kế như mục này có nguy cơ bị hiểu là Nhà nước sẽ quốc hữu hóa, hoặc trưng mua, rất không tốt cho việc khuyến khích đầu tư trong bối cảnh hiện nay. Tôi đề nghị bỏ mục này, hoặc thiết kế lại theo hướng chỉ trong trường hợp khủng hoảng, bắt buộc mua vì an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế.
Điều kiện hay bối cảnh mua lại chỉ khi xảy ra khủng hoảng và nếu Nhà nước không mua lại, thì tình hình còn tồi tệ hơn, bất ổn kinh tế - xã hội lớn hơn. Cách viết thế này không khác gì Nhà nước quốc hữu hóa.
TBKTSG: Mục 1, điều 20 quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác theo đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp”. Ông hiểu điều này như thế nào?
- Viết như vậy nghĩa là Thủ tướng bắt người ta bán à? Nhà nước mua với giá nào? Việc mua lại này không đơn giản để Thủ tướng quyết là được? Ngoài ra, điều nguy hại khác là, người  ta sẽ mua lại cổ phần, doanh nghiệp của các công ty sân sau, công ty sân trước phục vụ cho lợi ích cá nhân. Điều này rất dễ xảy ra vì phạm vi mua lại quá rộng, điều kiện mua lại không cụ thể, thậm chí không có, thẩm quyền mua lại không bị kiểm soát... cũng có khả năng người ta lấy cớ mua lại để triệt tiêu, hoặc làm suy yếu đối thủ cạnh tranh.
TBKTSG: Dự luật được thiết kế như hiện nay, nếu như được Quốc hội thông qua, có giải quyết được vấn đề mà người ta kỳ vọng hay không?

- Tôi cho là dự luật này không giải quyết được vấn đề gì cả. Vấn đề đáng lo là chúng ta muốn cải cách thể chế để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, nhưng vẫn quy định DNNN như thế này thì không thể đạt được kỳ vọng này.

No comments:

Post a Comment