TCKH&CNVN: Ngay từ đầu thời kỳ Đổi Mới, câu chuyện hội nhập quốc tế của nền khoa học Việt Nam đã được đặt ra khá sôi động, nhưng trải qua gần 30 năm, câu chuyện này vẫn luôn được bàn tới. Điều này cho thấy hội nhập quốc tế về khoa học của Việt
Friday, September 19, 2014
HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ KHOA HỌC: MỌI GIẢI PHÁP NGHIỆP VỤ ĐỀU ĐƠN GIẢN, NHƯNG KHIA CẠNH XÃ HỘI CỦA BÀI TOÁN MỚI LÀ ĐIỀU KHÓ KHĂN
GS.TS. Bùi Thế Cường, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn HASCON, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Hội nhập quốc tế về khoa học có liên quan đến nhiều vấn đề như ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu, văn hóa và định chế, chủ thể của hội nhập, điều kiện, môi trường làm việc. Mọi giải pháp nghiệp vụ đối với hội nhập quốc tế về khoa học đều đơn giản, nhưng khía cạnh xã hội của bài toán mới là điều khó khăn. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (TCKH&CNVN) đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này
TCKH&CNVN: Ngay từ đầu thời kỳ Đổi Mới, câu chuyện hội nhập quốc tế của nền khoa học Việt Nam đã được đặt ra khá sôi động, nhưng trải qua gần 30 năm, câu chuyện này vẫn luôn được bàn tới. Điều này cho thấy hội nhập quốc tế về khoa học của ViệtNam vẫn chưa đạt được như mong đợi. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?BTC: Năm 2005, tôi tiếp đoàn công tác của Japan Foundation do GS. Trần Văn Thọ dẫn đầu. Nhiệm vụ của đoàn công tác là tìm hiểu nguyên nhân tại sao trong nhiều năm Japan Foundation đã tài trợ nhiều cho Việt Nam nhằm đào tạo nên một thế hệ các chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản ở Việt Nam (Japanese Studies) nhưng kết quả không được như mong đợi.Trả lời câu hỏi của đoàn, tôi nêu nhận xét của mình như sau: để đưa sang Nhật đào tạo thành nhà Nhật Bản học, người ta thường chọn người biết tiếng Nhật; người Việt biết tiếng Nhật cũng thường tìm cách vào làm ở cơ quan nghiên cứu về Nhật Bản. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng biết tiếng Nhật chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để trở thành nhà nghiên cứu về Nhật Bản. Như mọi bộ môn khác (kinh tế học, nhân học, xã hội học, văn học...), họ phải được đào tạo và tự rèn luyện về “phương pháp nghiên cứu khoa học”. Nếu giỏi tiếng Nhật nhưng chưa biết “phương pháp nghiên cứu” thì chưa thể trở thành nhà Nhật Bản học, chỉ có thể viết những bài lược thuật, tổng thuật dựa trên những bài nghiên cứu của các học giả Nhật Bản. Không rõ nhận xét của tôi có đúng không, nhưng GS. Thọ dường như chú ý đến nhận xét đó.Xin phép so sánh những bài phân tích của các học giả phương Tây, và gần đây, của các học giả Trung Quốc về quan hệ quốc tế, với những bài cùng chủ đề trong các tạp chí khoa học ở Việt Nam. Ta thấy gì? Nhiều bài của các nhà nghiên cứu trong nước về chủ đề này chỉ dừng lại ở mức lược thuật, tổng thuật sơ sài và không sắc sảo bằng những gì mà các học giả nước ngoài đã viết ra. Bởi vì để hiểu và đối thoại với cái mà một nhà nghiên cứu “có phương pháp” đã viết ra (sản xuất ra bằng “những phương pháp nghiên cứu”), thì phải có nhà nghiên cứu “có phương pháp”. Thêm nữa, phương pháp của hai bên cần tương thích với nhau bởi mọi sự muốn trao đổi với nhau phải có “nền chung”: muốn nói chuyện với nhau phải dùng chung một ngôn ngữ, muốn nối mạng máy tính phải cùng dùng những phần mềm tương thích với nhau. Tại sao tôi lại lấy ví dụ trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế? Bạn thấy đấy, đất nước ta lúc này đang cần biết bao những học giả Việt Nam am hiểu sâu sắc quan hệ quốc tế và khu vực!TCKH&CNVN: Nhưng có thể hội nhập khoa học được không nếu không biết ngoại ngữ, thưa ông?BTC: Để hội nhập khoa học quốc tế, nhà nghiên cứu phải thực là “nhà nghiên cứu” (tức là biết sử dụng “phương pháp nghiên cứu”), chứ không phải chỉ là người giỏi ngoại ngữ. Tuy vậy, hiển nhiên nhà nghiên cứu của thời kỳ hội nhập quốc tế hôm nay thì phải biết ngoại ngữ. Cụ thể ngày nay phải dùng được tiếng Anh, thứ tiếng mà cộng đồng khoa học quốc tế đã chọn (hay phải chấp nhận) làm ngôn ngữ quốc tế của giới khoa học. Tôi thẳng thắn nói như vậy, mặc dù tôi là người kém tiếng Anh, và tôi luôn bực bội với bản thân về điều này.TCKH&CNVN: Ngoài vấn đề ngoại ngữ và phương pháp như ông vừa nói, phải chăng còn có nguyên nhân từ cơ chế?BTC: Khoảng 30-40 năm qua, ta thường thấy một “công thức diễn ngôn” (discourse) được yêu thích ở nước ta là đổ lỗi cho “cơ chế”. Có bằng chứng hiển nhiên và quá rõ ràng rằng, quả thực “cơ chế” thực sự “có lỗi”. Ngay cả yếu tố “ngoại ngữ” và “phương pháp” vừa bàn ở trên đang ở trong một trạng thái như thế nào, đó thực sự cũng là sản phẩm của “cơ chế”.Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở đây nên làm chính xác hơn khái niệm “cơ chế”. Sử dụng lập luận xã hội học là ngành chuyên môn của tôi, đây là vấn đề của văn hóa và định chế. Trong nền văn hóa chủ lưu (mang tính chủ đạo) phải xuất hiện định hướng giá trị hội nhập quốc tế (nhấn mạnh, cổ vũ, hỗ trợ, biểu dương, thưởng, và cả tạo áp lực). Nhưng làm thế nào để định hướng giá trị này trở thành chủ lưu? Cũng theo lý thuyết xã hội học, nó phải được ủng hộ một cách thực sự và bền bỉ bởi tầng lớp lãnh đạo xã hội và quản lý định chế khoa học. Và để “định hướng giá trị” không chỉ tồn tại trên giấy hay trong lời nói hoa mỹ, thì nó phải thể hiện “sống động” trong chuẩn mực và định chế. Đến lượt mình, các chuẩn mực và định chế phản ánh “định hướng giá trị” ấy phải thực sự vận hành trong cuộc sống thực hàng ngày. Bạn hãy nhìn vào lịch sử 50 năm qua của Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, sẽ thấy cái “định hướng giá trị chủ lưu” của họ như thế nào.TCKH&CNVN: Vậy ai là người định hướng giá trị trong “nền văn hóa chủ lưu” mà ông vừa đề cập trong hội nhập quốc tế về khoa học, hay nói cách khác, ai đóng vai trò chủ thể của hội nhập khoa học quốc tế?BTC: Rõ ràng “cơ chế” có vai trò quan trọng, mang tính quyết định, nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho “cơ chế” thì lại hoàn toàn sai với quan điểm mác xít và với tư tưởng xã hội đương đại. Xu hướng tư tưởng xã hội hiện đại nhấn mạnh vào chủ thể; chủ nghĩa Mác cũng nhấn mạnh vai trò của chủ thể (cả quần chúng lẫn giới tinh hoa, tức là cán bộ). Bởi chỉ có “chủ thể” là kẻ duy nhất có thể vận hành hoặc không vận hành “cơ chế”. Ở đây, xin được nhắc lại quan điểm của Mác, chỉ có con người làm nên lịch sử, chẳng có ai khác, đơn giản chỉ vì lịch sử là lịch sử của con người.Vậy, ai là chủ thể của hội nhập quốc tế trong làm khoa học? Dĩ nhiên, có nhiều chủ thể khác nhau, chủ thể nào cũng có chức năng, tầm quan trọng riêng. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến chủ thể “nhà nghiên cứu”, đặc biệt “nhà nghiên cứu-quản lý”, do vị trí và vai trò của họ. Như trên đã đề cập, hội nhập quốc tế là câu chuyện của văn hóa (định hướng giá trị) và định chế. Do đó, nếu người đứng đầu một cơ quan nghiên cứu (đương nhiên vốn là và vẫn là nhà nghiên cứu) có một lập trường (văn hóa) rõ ràng về hội nhập khoa học quốc tế, định chế do anh ta/chị ta đứng đầu sẽ có thay đổi trong câu chuyện hội nhập. Dĩ nhiên, nếu không có một số lượng nhất định các nhà nghiên cứu cùng cơ quan chia sẻ lập trường này, thì người thủ trưởng sẽ vô cùng đơn thương độc mã trên con đường hội nhập. Song, nếu không có lập trường hội nhập rõ ràng nơi người đứng đầu, thì văn hóa hội nhập sẽ không thể trở thành chủ đạo (chính thống) trong đơn vị đó. Nếu ở đấy có một số nhà nghiên cứu “nỗ lực hội nhập” thì đó sẽ chỉ là những hoạt động lẻ tẻ mang tính cá nhân, có khi bị coi là phi chính thức, bên lề. Ta có thể quan sát thấy những phiên bản giữa hai cực kể trên ở mọi tổ chức nghiên cứu Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua. Như vậy, trong câu chuyện này vừa phải có “nhà lãnh đạo/quản lý” vừa phải có sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu dưới quyền. Nhưng theo quan sát và kinh nghiệm của tôi, yếu tố đầu quan trọng hơn.TCKH&CNVN: Bàn về hội nhập quốc tế về khoa học có nhiều vấn đề, một trong những vấn đề đó là chính sách hỗ trợ để các nhà khoa học (đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ) đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế về khoa học. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?BTC: Làm cách nào để một cơ quan nghiên cứu có thể tồn tại được một cách bình thường? Tôi xin lấy ví dụ về quân đội cho dễ hiểu, vì quân đội gắn với chiến tranh là môi trường rất khốc liệt nên mọi vấn đề đều có vẻ sáng tỏ, dễ hình dung (quan sát thấu đáo một Viện nghiên cứu trong môi trường “lờ mờ” vốn có của nó khó hơn nhiều, mặc dù cả hai đều như nhau thôi).Mọi quân đội nhất thiết phải lo ít nhất 4 vấn đề hiển nhiên: 1) quân lính được cung cấp một mục tiêu tinh thần; 2) quân lính được nuôi tốt (ăn no, mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ); 3) quân lính được đào tạo (dạy cách tiêu diệt kẻ thù và bảo vệ mình, đồng đội); 4) quân lính được quản lý (kỷ luật quân đội). Tương tự, mọi tổ chức, trong đó có cơ quan nghiên cứu, cũng phải đảm bảo 4 điều trên. Bỏ qua điều thứ nhất và tập trung vào nhà nghiên cứu trẻ để giảm bớt độ phức tạp của ví dụ, ta còn 3 vấn đề: 1) nhà nghiên cứu trẻ có thu nhập đủ sống, ít nhất đủ ăn và thuê nhà ở (với mức độ phù hợp với nghề nghiệp và địa vị xã hội); 2) nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo (dạy cách làm nghề); 3) nhà nghiên cứu trẻ phải được quản lý (chế độ làm việc, tiêu chuẩn nghiệp vụ, định mức, đánh giá kết quả, v.v.).Đối chiếu 3 điều thiết yếu này với thực tế ở một số cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội, ta thấy gì? Ta thấy nhà nghiên cứu trẻ lương không đủ cho việc ăn và thuê nhà (chỉ cho cá nhân, chưa nói đến cho gia đình), mức lương thấp hơn cả những nghề không cần hoặc ít quá trình đào tạo hơn. Ta cũng thấy khá phổ biến tình trạng nhiều viện trưởng và trưởng phòng nghiên cứu không dạy họ làm nghề một cách bài bản và toàn diện. Nếu có chỉ là một vài công đoạn đơn giản nhất. Mà nhiều nhà nghiên cứu trẻ cũng chỉ thích làm như vậy. Họ chỉ thích làm vài công đoạn dễ nhất, có tiền ngay. Điều họ ngại nhất là đọc và viết một báo cáo nghiên cứu để công bố trên tạp chí khoa học. Đó là tình trạng trong những ngành nghiên cứu thực nghiệm như xã hội học. Ngược lại, trong một số ngành khác, thay vì tiến hành đầy đủ một quy trình nghiên cứu trực tiếp, thì họ lại chỉ thích ngồi “xào qua xào lại” bài của người khác, mà lắm khi những bài này vốn đã là kết quả “xào qua xào lại” của người khác nữa rồi. Cuối cùng, ta cũng thấy khá phổ biến tình trạng nhiều viện trưởng và trưởng phòng nghiên cứu không quản lý họ: không kiểm soát thời gian làm việc, tiêu chuẩn nghiệp vụ, định mức lao động. Cứ như thế thời gian thấm thoắt trôi vài thập niên, ta thấy đây đó những nhà nghiên cứu trẻ ngày nào đã trở nên già, dáng vẻ thiếu thốn (nếu không thế mà bộ dạng khá giả, nhà cao cửa rộng, đi làm bằng xe máy xịn, thậm chí ô tô, thì đó là vì trong thực tế họ đã làm việc khác để kiếm sống: môi giới nhà đất, xây dựng, buôn bán, mở công ty, hay ít nhất cũng làm dịch vụ khoa học, dịch vụ đào tạo...); ngoại ngữ hạn chế; ít hoặc không đọc sách; hỏi đến câu chuyện tác giả tác phẩm thì chả có bài tạp chí nào hoặc cả mươi năm mà chỉ đôi ba bài nhạt nhòa không hẳn là “bài tạp chí nghiên cứu khoa học” đúng nghĩa, và rất tự do (họ làm gì, ở đâu trong giờ làm việc, không ai biết).Một đội quân mà lính ăn không đủ no, thiếu kỹ năng bảo vệ mình và vô hiệu hóa kẻ thù, thường xuyên vắng mặt trong doanh trại, đội quân ấy diện mạo thế nào, đánh trận ra sao?TCKH&CNVN: Vậy còn môi trường làm việc trong nước có ý nghĩa như thế nào đối với hội nhập quốc tế về khoa học, thưa ông?Hội nhập khoa học quốc tế trước hay quốc tế hóa môi trường làm khoa học trong nước trước? Đây là câu hỏi dạng “con gà hay quả trứng có trước”. Nhưng thực tế cho thấy, vào thời kỳ đầu Đổi Mới, quả thật phải mở cửa ra thế giới trước. Kết quả là môi trường làm khoa học trong nước dần dần thay đổi theo.Tuy nhiên, Đổi Mới đã gần 30 năm rồi, một nhà nghiên cứu trẻ ngày ấy nay đang xế chiều, vào tuổi U60. Hôm nay, để tiếp tục hội nhập khoa học quốc tế, cần quốc tế hóa dứt điểm môi trường làm khoa học trong nước. Tôi chọn từ “dứt điểm” để thay thế cho từ “hơn nữa” vốn rất được yêu thích ở nước ta, vì nếu cứ tiếp tục “hơn nữa” thì sẽ lại trôi qua một chặng đường 30 năm nữa, sẽ lại nữa một thế hệ nhà nghiên cứu trẻ hôm nay trôi vào tuổi xế chiều mà hội nhập vẫn dang dở.Bạn có thể hỏi tôi: vậy thì thế nào là một “môi trường làm khoa học đã quốc tế hóa”? Theo tôi, có một phương pháp tuy đơn giản mà hiệu nghiệm. Tôi gọi là phương pháp “liệt kê thực chứng”: cứ liệt kê những đặc trưng bề ngoài (có thể nhìn thấy hiển nhiên, cân đo đong đếm được) của “một tổ chức nghiên cứu thông thường ở nước ngoài” và của “một nhà nghiên cứu nước ngoài thông thường” (họ đang làm những việc gì, làm như thế nào); rồi gắng làm “y chang”, và chỉ cần ở mức “thông thường” thôi, không cần “xuất sắc” (với thời gian rồi ta sẽ trưởng thành từ “thông thường” thành “xuất sắc”, mà nếu không xuất sắc được thì ở mức thông thường cũng tốt rồi). Vậy, một “nhà khoa học xã hội thông thường” làm việc ở một “viện nghiên cứu thông thường” ở nước ngoài làm gì? Anh ta/ chị ta phải: tự động tìm kiếm vấn đề nghiên cứu của mình; tự động tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự định nghiên cứu của mình; đọc theo kiểu nghiên cứu tài liệu của đồng nghiệp; có “thực địa” nghiên cứu của mình, dành thời gian thích đáng ở thực địa và am hiểu nó, như nhà khoa học tự nhiên có “phòng thí nghiệm”; thường kỳ công bố kết quả nghiên cứu của mình trong các sinh hoạt học thuật và trên tạp chí chuyên ngành. Làm những điều trên được xem là “hoàn thành ở mức tối thiểu (hay cơ bản)” chức năng, nhiệm vụ công việc thông thường của một nhà khoa học. Ở đây tôi nhấn mạnh từ “tự động”. Thế nhưng, ở một số cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam hiện nay lại không hoàn toàn như vậy: có nhà nghiên cứu nhiều năm chả có “vấn đề nghiên cứu” gì, “cấp trên” đưa cho “nhiệm vụ nghiên cứu” (kèm theo kinh phí) thì làm không thì thôi, chỉ chờ ai đó đề nghị xuống thực địa làm “thợ dữ liệu có trả công” thì đi; không chịu tìm cách viết và gửi các đề cương nghiên cứu để xin tài trợ hoặc đấu thầu, và do đó chả bao giờ đem lại đồng tiền nào cho cơ quan mình; không đọc hoặc rất ít đọc tài liệu của đồng nghiệp; không bao giờ “đi thực địa” theo đúng nghĩa của nhà nghiên cứu, chưa từng bao giờ ý thức được về “thực địa” (phòng thí nghiệm) riêng của mình, dành rất ít thời gian ở “thực địa”; nhiều năm chả có bài nghiên cứu nào trên tạp chí chuyên môn. Bạn hãy hình dung thế này, bác sĩ A trong một bệnh viện phẫu thuật, suốt ngày mặc đồng phục trắng đi ra đi vào. Cả năm chả mổ ca nào, song lại lớn tiếng phê bình đồng nghiệp B năm vừa rồi làm chết mấy bệnh nhân. Vấn đề là ở chỗ, bác sĩ B năm vừa qua đã tiến hành 100 ca mổ, trong đó một số bệnh nhân không qua khỏi. Còn bản thân bác sĩ A suốt mấy năm qua có mổ ca nào đâu mà có bệnh nhân bị chết? Ấy thế mà lãnh đạo và tập thể bệnh viện ấy cuối năm vẫn công nhận bác sĩ A đạt danh hiệu thi đua, còn bác sĩ B thì không, vì “trong năm làm chết một số bệnh nhân”. Đưa ra ví dụ hiển nhiên như thế thì ai cũng thấy là phi lý đến nực cười, nhưng bạn thử nhìn kỹ mà xem, sẽ thấy trong các cơ quan Nhà nước hiện nay hiện tượng này phổ biến đến mức nào.TCKH&CNVN: Với thực trạng đó, ông có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về khoa học?BTC: Thực ra, những điều nói ở trên đã hàm ý khá nhiều giải pháp cụ thể rồi, mà toàn những giải pháp ai cũng biết. Chẳng hạn, chúng ta đã nói đến chuyện tiếng Anh, phương pháp nghiên cứu, văn hóa hội nhập quốc tế, định chế phù hợp với hội nhập quốc tế. Cả những thứ “xưa như Trái Đất”: tiêu chuẩn nghiệp vụ, định mức, bảng đánh giá kết quả công tác. Mọi giải pháp nghiệp vụ đều đơn giản, nhưng khía cạnh xã hội của bài toán mới là điều khó khăn. Xin lấy một ví dụ minh họa.Trong câu chuyện hội nhập, ta đã đồng ý rằng ngoại ngữ, cụ thể tiếng Anh, là quan trọng. Để minh họa, tạm lấy số người sử dụng tiếng Anh trong một đơn vị nghiên cứu là một chỉ báo về mức độ hội nhập khoa học quốc tế. Và lấy con số nhỏ và làm tròn để dễ hình dung. Đơn vị dưới quyền bạn có 10 người, trong đó 5 người sử dụng được tiếng Anh. Như vậy, chỉ số trình độ hội nhập khoa học quốc tế của đơn vị bạn là 50% (5/10 người). Về mặt nghiệp vụ tổ chức cán bộ, bạn có nhiều giải pháp (lựa chọn). Một lần nữa đơn giản hóa vấn đề để dễ hình dung, ít nhất bạn có mấy giải pháp (chọn lựa) sau đây.Một, bạn tuyển thêm 2 người biết tiếng Anh, chỉ số trình độ hội nhập quốc tế của đơn vị bạn sẽ nâng từ 50% lên 58,33% (7/12 người). Nếu bạn tuyển thêm 3 người biết tiếng Anh, chỉ số này là 61,54% (8/13). Nếu tuyển thêm 5 người biết tiếng Anh, bạn vươn lên chỉ số 66,67% (10/15).Hai, nếu bạn tuyển thêm 1 người biết tiếng Anh và 1 người không biết tiếng Anh, chỉ số này của đơn vị bạn là 50% như cũ (thay vì 5/10 thì nay bạn có 6/12 người biết tiếng Anh). Nếu bạn tuyển thêm 2 người không biết tiếng Anh, chỉ số này giảm xuống còn 41,67% (5/12). Bạn có thể tiếp tục tự đưa ra những giả thiết toán học khác. Ngược với giả thiết tối đa ở trên, thay vì tuyển thêm 5 người biết tiếng Anh, bạn tuyển thêm 5 người không biết tiếng Anh, chỉ số phát triển hội nhập khoa học quốc tế của đơn vị bạn từ 50% tụt xuống 33,33% (5/15).Ba, nếu bạn không được tuyển thêm, nhưng có thể giảm biên chế. Chỉ số hội nhập quốc tế của đơn vị bạn cũng sẽ biến thiên như trên, tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn (tức là tùy thuộc vào lập trường văn hóa hội nhập của bạn, lập trường thực, chứ không phải điều bạn – với tư cách thủ trưởng cơ quan – hay tuyên bố suông trong các cuộc họp). Ở một đầu của sự biến thiên, chỉ số này của đơn vị bạn sẽ là 100% (5/5 người, rất tuyệt vời). Ở đầu ngược lại, khi bạn chuyển cả 5 người biết tiếng Anh sang chỗ khác, chỉ số này dĩ nhiên là ze-ro (0/5). Mọi phương án khác sẽ nằm ở đâu đó giữa hai cực ze-ro và 100%.Bốn, trong trường hợp án binh bất động, không tăng không giảm về lượng, thì sao? Bạn còn, chẳng hạn, giải pháp định tính: thay đổi cấu trúc bên trong. Bạn chia đơn vị thành 3 nhóm hành động (task-force), và cho 3 người biết tiếng Anh làm trưởng nhóm, chỉ số hội nhập quốc tế của đơn vị bạn cũng sẽ có sự thay đổi, vì đã xuất hiện những đại lượng mới mang tính cấu trúc-văn hóa. Đơn vị của bạn có 3 nhà quản lý mới và họ đều biết tiếng Anh mà tác động của họ khác hẳn với khi họ chỉ là nhà nghiên cứu. Bạn cũng có 2 nhóm task-force có chỉ số hội nhập quốc tế 66,67% (2/3 người biết Anh). Nên nhớ rằng toàn bộ đơn vị thì chỉ số này chỉ là 50%. Chỉ có 1 nhóm với chỉ số thấp (33,33%), nhưng người đứng đầu của nó lại biết tiếng Anh.Có thể bạn sẽ nói, minh họa trên xa rời thực tế quá, chỉ là những phép tính số học. Nhưng nếu bạn thử nhìn vào bất kỳ điều gì trong thực tế, bạn luôn thấy sự tương quan giữa các trường hợp cụ thể trong hiện thực với những tỷ lệ toán học. Theo quan điểm của nhà toán học, mọi thứ trong thế giới này đều bao hàm khía cạnh toán học, do đó đều có thể diễn giải bằng ngôn ngữ toán. Tôi là người kém toán, nhưng làm thử chỉ bằng số học ABC thôi mà thấy quả đúng thế thật. Không tin, bạn hãy thử một lần mà xem.Nhưng xin bạn hãy bỏ qua phương pháp “toán học hóa thô thiển hiện thực xã hội” của tôi, mà chú ý hơn đến hàm ý khung phân tích ở đây: hiện trạng hội nhập khoa học quốc tế Việt Nam là kết quả của vô số quyết định (lựa chọn) cụ thể (chứ không phải lời nói) trong gần 30 năm qua theo những kiểu nói trên ở mọi cấp độ (Nhà nước, Bộ và Viện nghiên cứu ngang Bộ, Viện cơ sở, phòng nghiên cứu, cá nhân nhà nghiên cứu). Do đó, ta có một hiện trạng tổng thể như vậy. Ta có những Viện và phòng nghiên cứu gần khớp hoặc chệch nhiều với tổng thể chung (theo nghĩa hội nhập ít hơn hay nhiều hơn), do chính những lựa chọn đã diễn ra ở nơi đó bởi những con người cụ thể nơi đó trong những dàn xếp cụ thể hàng ngày với nhau.Có thể bạn sẽ nói, hội nhập khoa học quốc tế là cái gì đó rộng hơn, phức tạp hơn nhiều chuyện biết tiếng Anh, tỷ lệ người biết tiếng Anh trong đơn vị làm sao phản ánh được mức độ hội nhập khoa học quốc tế. Tôi quá đồng ý. Như bạn thấy ở trên tôi nhấn mạnh đến “phương pháp khoa học” chứ không phải ngoại ngữ ở nơi nhà nghiên cứu. Lấy số người sử dụng tiếng Anh trong đơn vị làm chỉ số phản ánh mức độ hội nhập khoa học quốc tế của đơn vị đó chỉ là một ví dụ minh họa để dễ hình dung thôi. Bạn có thể tự do chọn bất kỳ đặc điểm nào mà bạn cho rằng nó phản ánh tính chất hội nhập quốc tế của khoa học để bạn xây dựng chỉ số. Như vừa nói, về lý thuyết, ta có thể xây dựng được vô số chỉ số toán học cho mọi hiện tượng và quá trình của đời sống thực.Trở lại với “bếp núc nền khoa học” Việt Nam . Bộ Khoa học và công nghệ đã dày công chuẩn bị nhiều năm để Thủ tướng ban hành Nghị Định 115 vào năm 2005. Từ đó đến nay, Bộ đã có nhiều nỗ lực để “hiện thực hóa” Nghị Định này. Trôi qua 8 năm rồi, kết quả ra sao? Tôi không rõ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ như thế nào (vì tôi không có hiểu biết thực tế), nhưng trong khu vực khoa học xã hội (là nơi tôi có hiểu biết hơn), việc thực hiện Nghị Định này khá phổ biến là nửa vời, hình thức, ít có chuyển biến. Vì sao? Vì, như tôi đã cố gắng sử dụng một số thuật ngữ và lập luận khoa học xã hội ở trên để giải thích, phần lớn các “chủ thể” của câu chuyện này (thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu và nhà nghiên cứu) đã thể hiện “lập trường lựa chọn” của họ như thế.TC KH&CN VN: Xin cảm ơn ông.Thực hiện: VH.Chú thích: Một phiên bản bài này đăng trong Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). ISN 1859-4794. Số 17(660)/2013. Trang 30-33.
TCKH&CNVN: Ngay từ đầu thời kỳ Đổi Mới, câu chuyện hội nhập quốc tế của nền khoa học Việt Nam đã được đặt ra khá sôi động, nhưng trải qua gần 30 năm, câu chuyện này vẫn luôn được bàn tới. Điều này cho thấy hội nhập quốc tế về khoa học của Việt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment