Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện Tổng cục hải quan nghe phản ánh của doanh nghiệp FDI tại tọa đàm -Ảnh: Hùng Lê
Theo ông Nguyễn Minh Sang, đại diện Công ty TNHH Timatex (VN) hoạt động sản xuất ở KCX Linh Trung II (TPHCM), Timatex đang kiện Cục Thuế TPHCM về việc cơ quan này ra quyết định áp dụng thuế nhà thầu chưa đúng với công ty, và số tiền thuế phải nộp lên đến gần 2,8 triệu đô la Mỹ từ năm 2009 đến năm 2012.
Vụ việc được Tòa hành chính TPHCM thụ lý từ ngày 2-4-2014 nhưng chưa được xét xử.
Trong thời gian này, cơ quan thuế cũng đã cưỡng chế phong tỏa tài khoản doanh nghiệp và tuyên bố hủy hóa đơn doanh nghiệp đang sử dụng.
Chưa hết, từ cuối tháng 4-2014 trên website của Cục Thuế TPHCM, hay của Tổng cục Thuế đều xuất hiện thông tin bất lợi cho Timatex là “doanh nghiệp đã không còn hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế (MST)”. Điều này khiến Timatex gặp nhiều khó khăn khi không thể nộp báo cáo qua mạng, tra cứu thông tin trên mạng, đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên…
Mặc dù vậy, theo ông Sang, doanh nghiệp ông vẫn cố gắng chịu đựng để chờ đợi kết luận xét xử của Tòa án.
Điều không may nữa cho doanh nghiệp này là từ ngày 30-6 vừa rồi, cơ quan Hải quan bắt đầu áp dụng phần mềm kê khai hải quan điện tử mới (VNACSS) của Nhật Bản. Phần mềm này lại tự động cập nhật thông tin MST của Timatex, cho nên cũng xuất hiện câu thông báo như trên “Doanh nghiệp đã không còn hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng MST”.
Sự việc này ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp vì Timatex là doanh nghiệp chế xuất nên với thông báo trên, Timatex không thể nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa. Trong khi trước đó công ty đã ký nhiều hợp đồng dẫn đến xe nguyên liệu nằm dài bên ngoài bãi (do Timatex thuê trong khi đợi nhập hàng) lên tới 20 xe loại 10-15 tấn; đồng thời hàng xuất khẩu cũng ùn ứ trong kho vì không thể xuất đi được.
Đem sự việc này phản ánh với Cục Thuế TPHCM vào ngày 1-7-2014, sau khi đi qua nhiều phòng ban thì đại diện Phòng cưỡng chế thông báo rằng sẽ mở lại MST cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Và đến 7 giờ ngày hôm sau thì MST của Công ty Timatex đã trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên phần mềm VNACSS của Hải quan vẫn không cập nhật thông tin nên Timatex vẫn không thể làm thủ tục xuất nhập khẩu ngay tại KCX Linh Trung 2. Đem sự việc lên phản ảnh với Phó Cục trưởng Hải quan TPHCM thì được hướng dẫn qua nhiều phòng ban khác và cũng chỉ nhận được sự giải thích rằng do phần mềm tự động chạy, không ai can thiệp được.
Sau đó cơ quan này thu thập thông tin và kêu doanh nghiệp quay về chờ, dự kiến chiều ngày 4-7 sẽ chạy lại bình thường, hoặc phải đợi chờ đến đầu tuần sau. "Doanh nghiệp thắc mắc rằng tại sao Cục Thuế có thể can thiệp phần mềm trên mạng được còn Hải quan thì lại không...Con người mà không thể tác động đến máy móc hệ thống là vô lý vì con người tạo ra hệ thống".
Đến sáng ngày 7-7, thì tình trạng vẫn không có gì thay đổi, các cổ đông của Timatex phải bay từ Malaysia sang để giải quyết nhưng Hải quan TPHCM chỉ yêu cầu làm công văn để chuyển đi, cho dù doanh nghiệp năn nỉ xin số điện thoại của Tổng cục Hải quan để yêu cầu mở lại MST ngay, chứ viết công văn thì ít nhất 2 tuần mới có kết quả.... Nhưng sự việc vẫn thế, ông Sang nói.
Sau đó, theo ông Sang, các cổ đông của doanh nghiệp thất vọng ra về và soạn công văn gởi cho Cục Hải Quan TPHCM, đồng thời gửi cho Tổng cục Hải quan, và sang Hải quan KCX Linh Trung II hỏi xin số điện thoại của đơn vị phụ trách MST....May thay vị cán bộ tại KCX này cho số điện thoại và doanh nghiệp phản ảnh được ngay. Tới chiều 14h30 ngày 7-7-2014 thì tình trạng MST của doanh nghiệp trên phần mềm VNACSS đã hoạt động bình thường!
Đến nửa tháng sau (tức ngày 22-7), Timatex mới nhận được thư phản hồi của Tổng cục Hải quan rằng: "Tại thời điểm 11-7-2014 Công ty TNHH Timatex VN đang hoạt động bình thường". "Sự việc đã gây tổn thất nặng nề cho dù chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần", ông Sang bức xúc nói.
Qua sự việc trên, ông Sang kiến nghị Tổng cục Hải quan cần phải công bố rộng rãi đường dây điện thoại nóng để doanh nghiệp biết và liên lạc, đồng thời phải cử người phụ trách đường dây nóng này để trả lời cho doanh nghiệp khi cần thiết.
Mặt khác, ông Sang kiến nghị các cơ quan Hải quan phải có một bộ phận đứng ra giải quyết nhanh, gọn tất cả các khó khăn chính đáng của doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, tránh câu nói: tại, bị, thì là, do hệ thống tự động nên không ai giải quyết được... "Vậy tại sao không làm thủ tục kiểu cũ hay bất cứ biện pháp nào để doanh nghiệp nhập và xuất được hàng hóa?", ông Sang đặt câu hỏi.
No comments:
Post a Comment