“Siêu cơ quan” giải quyết được gì?
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam phức tạp hơn so với những nước chỉ sử dụng chúng để sửa chữa các khuyết tật thị trường. Bên cạnh chức năng như các nước khác, hầu hết DNNN ở Việt Nam còn phải vì mục tiêu lợi nhuận. Điều trớ trêu hay nghịch lý là hai mục tiêu nêu trên về cơ bản là mâu thuẫn với nhau.
Một trong những vấn đề lớn nhất của mô hình quản lý DNNN ở Việt Nam hiện nay là sự mù mờ giữa chức năng điều tiết, quản lý và sở hữu ở các cơ quan chủ quản.
Ví dụ, Bộ Công Thương đang đảm nhận cùng một lúc ba vai trò trong lĩnh vực xăng dầu gồm: phát triển, điều tiết và chủ sở hữu vốn nhà nước ở các doanh nghiệp.
Theo phương án đề xuất của CIEM, Chính phủ thành lập một “ủy ban” để quản lý khoảng 40 tập đoàn, tổng công ty lớn đang nắm 70-80% vốn, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN (gồm cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC). SCIC sẽ là cánh tay nối dài của ủy ban này để quản lý, bán dần các DNNN nhỏ. Hướng là sẽ thành lập 3-4 SCIC, theo vùng miền. Ngoài các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quan trọng, chỉ còn một số doanh nghiệp công ích, gắn chặt với địa phương, hoặc với các bộ thì vẫn để các bộ chuyên ngành hoặc UBND các địa phương quản lý”. |
Thứ nhất, vai trò phát triển là việc thiết kế và triển khai các chính sách có lợi cho ổn định vĩ mô cũng như sự phát triển của cả nền kinh tế. Ví dụ, các chính sách sao cho lượng cung và giá cả ổn định trước những biến động của giá xăng dầu thế giới nhằm tránh sốc cho toàn nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng đóng vai trò thiết kế các chính sách để ngành sản xuất xăng dầu phát triển và có thể trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam.
Thứ hai, vai trò của cơ quan điều tiết (regulator) là đảm bảo chất lượng xăng dầu cũng như tránh sự cạnh tranh hay kinh doanh không lành mạnh ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, gây ra những tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế.
Thứ ba, vai trò của cơ quan chủ quản hay chủ sở hữu: giúp cho các doanh nghiệp của mình, như Petrolimex chẳng hạn, kinh doanh có hiệu quả hay nói cách khác là có lợi nhuận ở mức yêu cầu.
Vấn đề ở đây là ba chức năng nêu trên mâu thuẫn với nhau và có sự khác nhau trong tác động của mỗi chức năng.
Trục trặc của các DNNN là vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa người thừa hành (những người điều hành) và chủ sở hữu (toàn dân mà thực chất không là ai cả). Những người điều hành thường có quyền rất lớn nhưng nghĩa vụ không rõ ràng nên các nguồn lực thường được sử dụng kém hiệu quả. Tuy nhiên, do được giao “nhiệm vụ chính trị” nên các doanh nghiệp này có chỗ đổ thừa khi kinh doanh kém hiệu quả.
Với cơ chế “ba trong một” nói trên, các DNNN cũng có cớ để “kêu ca” về những khó khăn, vướng mắc để cơ quan chủ quản cho các đặc ân mà chúng đi ngược với hai vai trò còn lại.
Do vậy, ưu điểm của việc tách chức năng sở hữu ra khỏi các bộ ngành, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, như ngân hàng chẳng hạn, có thể sẽ giúp các cơ quan điều tiết thực thi tốt hơn chức năng của mình. Ngoài ra, nếu có một tổ chức chịu trách nhiệm về kết quả tài chính trong hoạt động của các DNNN thì sẽ dễ dàng quy trách nhiệm hơn khi các doanh nghiệp này hoạt động kém hiệu quả. Đó có lẽ là những lý do chính đáng nhất cho việc thành lập một “siêu cơ quan”.
Những câu hỏi từ thực tế mang tên SCIC
Lập luận của những người đề xuất chính sách lập ra một “siêu cơ quan” là để quản lý các tập đoàn hay tổng công ty - những DNNN đang nắm giữ phần lớn nguồn vốn nhà nước với kỳ vọng mọi thứ có thể trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì những kỳ vọng có thể sẽ chỉ luôn là kỳ vọng.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong vai trò đại diện phần vốn nhà nước tại rất nhiều doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp lớn vẫn thuộc các bộ ngành), thực ra đang thực hiện những chức năng của “siêu cơ quan” được đề xuất. Cho tới nay, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả của đồng vốn là không rõ ràng. Những doanh nghiệp vốn dĩ đã hiệu quả, như Vinamilk chẳng hạn, có lẽ không cần đến SCIC. Những doanh nghiệp đang trục trặc, chưa thấy tác động thực sự của SCIC.
Một “siêu cơ quan” theo đề xuất hiện nay thực chất là việc nâng cao quyền lực của SCIC từ người đứng đầu với hàm thứ trưởng lên vị trí với người đứng đầu là một phó thủ tướng. Với cấu trúc thể chế cũng như cơ chế hiện tại, thì sẽ có rất nhiều dấu hỏi được đặt ra với một “siêu cơ quan” như vậy.
TS. Huỳnh Thế Du và TS. Lê Hồng Giang.
No comments:
Post a Comment