Hiểu đúng về phản biện xã hội. Phản biện xã hội không đơn thuần chỉ là góp ý hoặc hành động giám sát mà cao hơn thế đó là một hành động bình luận, nhận xét, đánh giá, thẩm định của xã hội đối với chính sách, đường lối, sự lãnh đạo và điều hành đất nước.
Có ý kiến cho rằng, Phản biện là hoạt động thân thiện, là hoạt động có trách nhiệm, là sự kết hợp giữa trí tuệ xã hội với trí tuệ của hệ thống chính trị để tạo ra tính chính xác, tính đúng đắn của các quyết định chính trị. Nó khác với phản đối, phản đối là các phản ứng cực đoan ở những cấp độ khác nhau, cùng phát triển với sự sai lầm của các quyết định chính trị. Nếu không tổ chức phản biện xã hội một cách chuyên nghiệp, một cách đúng đắn và một cách thân thiện thì chắc chắn chúng ta sẽ hướng dẫn xã hội biến hoạt động phản biện trở thành hoạt động phản đối.
Đánh giá cao vai trò của phản biện xã hội, văn kiện đại hội lần thứ XI của Đảng ghi rõ: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ hoạt động tự nguyện, tích cực sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến của mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” . Đây là một minh chứng thể hiện tính dân chủ, tính khoa học trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Về phía Nhà nước, để phát huy quyền phản biện xã hội của các tầng lớp nhân dân, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp sừa đổi, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận tổ quốc, Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn thi hành luật…trong đó quy định quyền tự do ngôn luận của nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quyền tham gia góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
Phải thật sự lắng nghe tránh chụp mũ. Sự phản biện thường đưa ra những ý kiến trái chiều, lật lại vấn đề nên nhiều khi cũng “nghịch nhĩ” khó nghe. Thông thường, người được góp ý, nghe phản biện là nhà quản lý, cấp lãnh đạo và không phải ai cũng dễ chịu khi nghe những điều trái ý mình. Có người vừa nghe cấp dưới nói khác liền gạt phắt đi, “cả vú lấp miệng em”, thậm chí chụp mũ này mũ kia, lập trường quan điểm có vấn đề..Không nên quy chụp, ghét bỏ những ý kiến “trung ngôn nghịch nhĩ” mà tiếp tục lắng nghe ... tránh quy kết, chụp mũ.
Thông thường, chủ trì một đề án , một chủ trương, chính sách là nhà chức trách,một tập thể hoặc một số người có địa vị xã hội cao, cho nên thái độ kẻ cả cũng thường chen vào các cuộc thảo luận phản biện. Họ cần hiểu và cần thiết lắng nghe những ý kiến phản biện trái chiều để hoàn chỉnh một chủ trương, chính sách vì nhân dân, vì đất nước, nhưng đã cố chấp, mời tham gia phản biện như một hình thức, còn mọi lời góp ý đều bỏ ngoài tai, khăng khăng giữ ý kiến của mình, thậm chí còn dùng uy quyền để lấn át, trù dập những người có ý kiến trái chiều với ý kiến của mình, cho ai có ý kiến trái chiều với ý của mình là chống lại mình rồi chụp mũ cho họ là người “chống lãnh đạo,chống lại đường lối”, làm cho những cuộc thảo luận dân chủ không còn ý nghĩa. Đó là thái độ cửa quyền làm cho cuộc thảo luận ,phản biện chỉ còn là cảnh “trang trí dân chủ” cho một cuộc thảo luận góp ý vô bổ, cũng là thái độ thiếu văn hoá của hoạt động phản biện góp ý về phía nhà chức trách.
Một chính quyền của dân, do dân và vì dân thì không thể không lắng nghe dân nói, dù người dân đó thuộc tầng lớp nào, thành phần nào. Ngoài những lối minh hoạ, tán dương, khen thưởng, còn cần có góc nhìn trực diện vào những mặt khác nhau của vấn đề, góc nhìn qua lăng kính phản biện xã hội .
Phản biện xã hội giúp điều tiết xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội để tạo ra đồng thuận xã hội
Xã hội là một tập hợp của nhiều nhóm lợi ích. Trong quá trình phát triển, các nhóm có nguy cơ mâu thuẫn về quyền lợi, dẫn đến những ẩn ức, ức chế xã hội (trong trường hợp không được giải tỏa); cao hơn, có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng xã hội thường trực, thậm chí là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng chính trị – xã hội trên diện rộng. Khi một xã hội trở nên đồng thuận, bản thân nó đã tự tạo cho mình những tiền đề phát triển mới. Phản biện xã hội góp phần khắc phục những khiếm khuyết của các kiến tạo chính sách – thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước
Khi hoạt động phản biện diễn ra, người ta hiểu rằng, trước đó, đã tồn tại một số vấn đề nhất định trong sự kiến tạo chính sách của cơ quan nhà nước chuyên trách công việc này và khiếm khuyết ấy có thể làm cho bản thân chính sách, quyết định đó trở nên bất khả thi khi áp dụng vào điều kiện thực tế. Cho nên, phản biện xã hội thực chất là đưa ra một cách nhìn khác của cộng đồng đối với chất lượng và triển vọng của chính sách vừa được ban hành – một cách nhìn mang tính khách quan so với cách nhìn mang tính chủ quan của người trong cuộc.
Rõ ràng, việc bổ sung cách nhìn khách quan đưa đến một tác động kép: một mặt, nó trực tiếp nâng cao tính hiệu quả của quá trình lập định chính sách; mặt khác, từng bước thay đổi tư duy kiến tạo chính sách, kể cả tư duy quản lí của giới kĩ trị theo hướng bám sát thực tiễn hơn.
Phản biện xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của người công dân, qua đó từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ.
Do bản chất xã hội của nó, các hoạt động phản biện thường gây ảnh hưởng đáng kể lên đời sống cộng đồng. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông càng giúp đẩy mạnh quá trình xã hội hóa các hoạt động phản biện. Quá trình tương tác ấy phá vỡ ốc đảo khép kín của đời sống cá thể, nối kết cá thể với cộng đồng rộng lớn bên ngoài, từ đó giúp họ hình thành nên tính năng động xã hội – một phẩm chất không thể thiếu của người công dân hiện đại.
Làm gì để phản biện xã hội đi vào cuộc sống đúng hướng. Để phát huy vai trò to lớn và ý nghĩa sâu sắc của phản biện xã hội trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về phản biện xã hội, để phản biện xã hội được thực hiện rộng rãi, có chất lượng, có hiệu quả cao. Hiện nay, quyền tham gia phản biện xã hội của quần chúng nhân dân đã được quy định trong một số văn bản pháp luật. Tuy nhiên ở các văn bản đó quyền phản biện của các chủ thể đang quy định chung chung, thiếu tính cụ thể, nên khi thực hiện đã không tránh khỏi sự lúng túng, vì vậy trong thời gian tới Nhà nước cần đẩy mạnh ban hành văn bản pháp luật để quy định cụ thể hình thức, đối tượng, phương thức thực hiện quyền phản biện xã hội của nhân dân.
Xã hội phải có khả năng nói tiếng nói của mình nhưng nhà nước với chức năng chủ yếu của nó là đảm bảo an ninh xã hội vẫn cần có những hoạt động quản lý. Cho nên, vấn đề cần nghiên cứu là làm thế nào để hoạt động quản lý của nhà nước không lấn át xã hội đến mức tạo ra nguy cơ đẩy xã hội vào tình trạng bất hợp pháp hoặc mất năng lực phản biện.
Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, tại phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể nhân dân (ĐTND) có viết: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để MTTQVN và các ĐTND thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
Nếu không có sự giám sát, quyền lực có xu hướng được sử dụng để trở thành lợi ích. Đặc biệt trong điều kiện một Đảng cầm quyền như ở nước ta hiện nay, nhu cầu xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành người đại diện thật sự và có thẩm quyền của các tầng lớp nhân dân, có tiếng nói đối với Đảng, với mọi công việc của đất nước là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết
Phản biện là sự đòi hỏi của cuộc sống của xã hội văn minh, để cuộc sống đi lên. Nó là điều tự nhiên. Đó không phải là vấn đề muốn hay không muốn. Nếu thật sự coi trọng phản biện, sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát .Phản biện xã hội có tổ chức dù “ khó nghe” đến đâu cũng góp phần tạo đồng thuận xã hội tránh tạo ra nguy cơ phản kháng xã hội.
Để nhân dân thực hiện được chức năng giám sát và phản biện xã hội cần phải:
Kinh nghiệm quốc tế và trong nước ngày càng cho thấy rằng, hệ thống thể chế có vai trò đòn bẩy đối với tốc độ và chất lượng phát triển của toàn xã hội. Thể chế không chỉ tạo cơ sở pháp lý mà còn kích thích và định hình chiều hướng vận động của các nguồn lực xã hội.
Giữa xã hội dân sự và phản biện xã hội tồn tại một mối quan hệ mang tính nhân quả. Nói cách khác, sự hiện diện của xã hội dân sự là một đảm bảo tiên quyết để hoạt động phản biện xã hội được diễn ra.Không có lý do chính đáng gì phải sợ xã hội dân sự.Ở đâu có kinh tế thị trường thì ở đó phải có Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Ba bộ phận đó cấu thành hệ thống của một thể chế kinh tế chính trị, mà sự hoàn thiện của hệ thống thể chế hoàn toàn chỉ dựa vào sự liên hệ tương tác với nhau giữa ba bộ phận. Đó chính là quá trình phát triển chế độ dân chủ. Không hình thành hệ thống với ba bộ phận và không có quy chế liên hệ tương tác thì thể chế kinh tế chính trị chỉ dừng lại ở mong muốn chủ quan, kinh tế thị trường sẽ trở nên hoang dại. Thể chế Nhà nước sẽ sa vào quan liêu, tham nhũng nặng nề.
Phát huy năng lực và trách nhiệm xã hội của giới trí thức.Karl Marx từng nhấn mạnh đến một chức năng rất cơ bản của người trí thức: chức năng phê phán hay phản biện xã hội . Thực ra, công tác phản biện xã hội thuộc về trách nhiệm của toàn cộng đồng. Tuy nhiên, với ưu thế đặc biệt về năng lực và do sự thôi thúc lương tâm, người trí thức luôn nhận lãnh trách nhiệm của người tiền phong. Họ thường nhạy cảm phát hiện ra các vấn đề mới của cuộc sống, đặt chúng trong một hệ qui chiếu rộng lớn của đời sống cộng đồng, từ đó đánh giá những tác động lợi – hại của chúng đối với lợi ích trước mắt và lâu dài của xã hội.
Tác động của trình độ dân trí đối với phản biện xã hội được biểu hiện dưới hai khía cạnh cụ thể sau đây:Thứ nhất, trong một xã hội có nền dân trí cao, người dân nhận thức rất rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân của họ.Thứ hai, nền dân trí cao là điều kiện nền tảng để hình thành nên một đội ngũ trí thức cho cộng đồng – đội ngũ mà về sau sẽ đảm nhận sứ mệnh tiền phong trong công tác phản biện xã hội.
Muốn có phản biện xã hội thì trước hết xã hội phải có thói quen thảo luận, mà muốn tạo thói quen thảo luận cho xã hội thì nhất thiết phải trả lại cho xã hội cảm hứng nói, tức là trả lại cho xã hội quyền tự do ngôn luận để khích lệ xã hội tham gia vào những cuộc thảo luận hoặc tranh luận trên quy mô xã hội về tất cả các vấn đề. Khi xã hội được huấn luyện thông qua những cuộc thảo luận như vậy thì xã hội mới có đủ năng lực để phản biện những vấn đề hệ trọng khác, vì khi nói đến phản biện xã hội tức là phản biện những vấn đề hệ trọng của đời sống chính trị. Dân chủ trong thảo luận, tranh luận khoa học sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra. Nếu không có dân chủ trong thảo luận, tranh luận thì khoa học không thể phát triển./.
No comments:
Post a Comment