Các đại biểu HĐND TPHCM họp trong sáng nay - Ảnh: Văn Nam
Nói về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính tại thành phố hiện nay, ông Hà thừa nhận: "Một tin vui là TPHCM có hệ thống công nghệ thông tin mạnh nhất cả nước, nhưng tin buồn là hiểu biết, nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của lãnh đạo các sở ngành, quận huyện thuộc loại kém trong cả nước, tôi khẳng định điều này".
Ông Hà lấy ví dụ, cung cấp hộp thư điện tử cho tất cả các lãnh đạo sở ngành, quận huyện nhưng số người sử dụng dưới 40%, trong đó rất ít người sử dụng thường xuyên. "Cái đơn giản nhất trong công nghệ thông tin là hộp thư điện tử mà cũng không sử dụng”, ông Hà than phiền.
Cũng theo ông Hà, qua kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin UBND TPHCM đã phát hiện ra thời gian trễ hạn trong cấp phép đầu tư nước ngoài trung bình là 22 ngày và lâu nhất là 222 ngày, nghĩa làm gần một năm, nhiều hồ sơ trễ hẹn trên một năm.
Một tuần hơn 28.000 lượt tấn công mạng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà cho biết tại phiên họp sáng nay rằng: trong tuần vừa rồi, số lượng đợt tấn công nhằm vào các lỗ hổng mạng tại TPHCM là 28.000 lượt, tăng hơn 2.000 lượt so với tuần trước đó và nguồn tấn công mạng nhiều nhất là từ Trung Quốc.
|
Nguyên nhân trễ hẹn chủ yếu là do các bộ ngành chậm trả lời ý kiến của thành phố, trung bình mỗi bộ ngành trên một tháng mới trả lời, thậm chí không trả lời, nhiều khi UBND thành phố quyết định không hỏi bộ ngành nữa để rút ngắn thời gian. Tuy không hỏi các bộ ngành thì có nhiều hồ sơ UBND TPHCM vẫn phải hỏi ý kiến các sở, nhưng thậm chí các sở còn trễ hơn các bộ ngành, "lỗi này hoàn toàn do chính chúng ta", Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà khẳng định.
Về hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, ông Hà nói thêm rằng, nếu như trước đây các doanh nghiệp công ích ứng dụng công nghệ thông tin tốt, kết nối với UBND thành phố, kết nối với các sở ngành thì đã không xảy ra vụ “lương khủng” vừa rồi bởi nếu kết nối sẽ biết được những bất thường trong chi lương, những bất thường trong sử dụng lao động không bị báo cáo bóp méo.
Cán bộ ngành thuế vẫn còn “vòi vĩnh”
Liên quan đến cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục thuế TPHCM cho biết từ năm 2011 đến nay ngành thuế đã kỷ luật 37 công chức, buộc thôi việc 7 công chức, cách chức 1 công chức, khiển trách 23 công chức, cảnh cáo 4 công chức. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 này, ngành thuế đã kỷ luật 7 công chức, khiển trách 4 công chức, cảnh cáo 2 công chức và buộc thôi việc 1 công chức.
“Đến tại thời điểm này, trong hội nghị hôm nay, tôi cũng nhận thấy cán bộ công chức ngành thuế vẫn còn nhũng nhiễu người dân, thậm chí có việc vòi vĩnh nữa. Những nơi xảy ra tiêu cực là nơi công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế tại các bộ phận thu thuế trước bạ … Giải pháp mà chúng tôi làm là thường xuyên luân phiên, luân chuyển cán bộ và số lượng luân phiên luân chuyển hàng năm rất lớn cũng có tác dụng ngăn ngừa nhũng nhiễu”, ông Dương nói.
Theo lãnh đạo Cục thuế thành phố, hiện nay thành phố có khoảng 140.000 doanh nghiệp và 255.000 hộ cá thể đang hoạt động và sự liên hệ giữa người dân và cơ quan thuế mỗi năm lên đến 100 triệu lần.
Giải pháp cải thiện thủ tục ngành thuế được lãnh đạo Cục Thuế đưa ra là trong năm 2013 đã giảm tần suất kê khai của doanh nghiệp từ 12 lần xuống còn 4 lần trong một năm, rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày, hoàn thuế từ 15 ngày xuống còn 6 ngày, nếu hồ sơ nào kiểm tra trước hoàn sau thì cũng giảm từ 60 ngày xuống còn 40 ngày …
Ngoài ra, hiện nay đã có 132.000 doanh nghiệp tại thành phố đăng ký và kê khai thuế qua mạng, đạt trên 95% số doanh nghiệp, phần nào giúp giảm thời gian rất nhiều cho doanh nghiệp không phải xếp hàng cả buổi chờ đăng ký kê khai thuế.
Văn Nam
No comments:
Post a Comment