Sớm quy hoạch lưới và thực hiện tự chủ đại học để giải quyết những vướng mắc, tồn tại của giáo dục đại học là những ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị về giáo dục đại học diễn ra sáng nay, 11/8.
Trong phát biểu đề dẫn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất, đại diện các trường thảo luận những vấn đề chung đang được đặt ra như là trọng tâm của giáo dục đại học trong năm tới.
"Tới đây, Bộ GD-ĐT tập trung quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, trường sư phạm thì nên thế nào? Chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh, tránh tình trạng nhìn điểm mà không nhìn diện. Từ đó phân biệt rõ, đâu là trách nhiệm của bộ, Bộ trưởng trưởng, địa phương, đâu là trách nhiệm của cơ sở đào tạo".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị sáng 11/8. Ảnh: Thanh Hùng. |
Ông Nhạ cũng khẳng định, mỗi trường có sứ mạng riêng và tham gia hệ thống giáo dục ĐH, cung cấp nguồn nhân lực theo các phân khúc khác nhau của thị trường. Vì vậy, Bộ không phân biệt giữa trường lớn, trường bé, trường công và trường tư.
Quy hoạch mạng lưới không phải cứng nhắc
Là người đầu tiên phát biểu, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội khẳng định cần đẩy nhanh việc rà soát quy hoạch mạng lưới các trường đại học: "Như vậy mới có một bức tranh toàn cảnh và chiều sâu về giáo dục đại học Việt Nam. Qua đó mới có thể gắn giáo dục đại học đúng với nhu cầu thực tiễn".
Ông Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải Việt Nam mạnh mẽ:"Cần quy hoạch lại các trường đại học bởi thực tế một số trường đã chết lâm sàng. "Có thể nhập các trường không tuyển được người học vào các cơ sở đủ mạnh để có thể hỗ trợ được" - ông Nhớ đề xuất.
Tuy nhiên, ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng lại cho rằng, không nên có quy hoạch mạng lưới thật "cứng": Trường do Nhà nước đầu tư thì phải có quy hoạch; còn các trường ngoài công lập thì việc đầu tư phải để cho nhà đầu tư lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Không đồng tình với ông Cần, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói việc quy hoạch mạng lưới rất quan trọng, đặc biệt là các trường sư phạm.
"Việc chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế mở như hiện tại thì tính kế hoạch rất quan trọng. Điều này ở nước nào cũng quan tâm. Vì vậy, cần sớm có đề xuất mô hình trường, số lượng, chức năng cơ chế chính sách và tuyển dụng để xác định trường nào là trọng tâm, trường nào vệ tinh. Nơi nào đáp ứng đào tạo chất lượng cao, nơi nào chỉ đào tạo để đáp ứng yêu cầu".
"Hiện nay, việc quản lý chỉ tiêu các trường sư phạm không thống nhất. Tồn tại nhiều trình độ đào tạo, nguồn lực tài chính đầu tư, phân bổ đội ngũ khác nhau dẫn đến tình trạng thiếu thừa đang diễn ra".
Theo ông Minh, việc tuyển sinh của các trường sư phạm địa phương cũng như tuyển dụng giáo viên ở các cơ sở đang vượt khỏi tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Do đó, dù Bộ GD-ĐT có nhận ra nhưng khi với tay vào những việc cụ thể mà không có sự chung tay của các địa phương thì khó thực hiện.
"Tôi đề nghị hãy trả công tác giáo dục về cho ngành giáo dục" - ông Minh nhấn mạnh.
Tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo
Ông Nguyễn Quang Linh, Hiệu trưởng của Trường ĐH Huế cho rằng, về đầu vào bổ sung cho đội ngũ giảng viên, hiện nay các trường không được làm việc là giữ nguồn và tạo nguồn. "Nếu không có kế hoạch giữ nguồn thì các em sinh viên thực sự có năng lực sau khi tốt nghiệp sẽ ra các cơ sở nước ngoài, hoặc có yếu tố nước ngoài bởi thu nhập cao hơn".
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. |
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, tự chủ là giải pháp để nâng cao chất lượng giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. "Từ khi thực hiện tự chủ trường đã có thay đổi lớn về mặt nhân sự. Cụ thể, trong 186 tiến sĩ hiện tại của trường thì có tới 50 tiến sĩ là mới được tuyển dụng".
Trường áp dụng chính sách thu hút cho bậc tiến sĩ là 100 triệu/ người. Đối với các đối tượng nghiên cứu sinh được cử đi học trong nước hoặc nước ngoài được trường hỗ trợ giữ nguyên lương cơ bản. Sau khi về làm việc ngoài lương thì hồ trợ thêm cho mỗi tiễn sĩ 1 tháng 2 triệu, PGS là 3 triệu, GS là 5 triệu.
Ông Minh cho biết, bình quân thu nhập của cán bộ giảng viên năm 2016 của trường là 106% tăng 6%, Năm 2017 bình quân là 109%, tăng hơn 3% so với năm 2016.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói các trường phải coi tự chủ là đích đến, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.
Bộ đang tiến hành xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn chủ tịch hội đồng trường, từ đó sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn gọn để hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường có thể tự học đáp ứng yêu cầu quản trị.
Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, ông Nhạ cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần "hiệp đồng trách nhiệm".
Báo cáo tỉ lệ việc làm trung thực thì mới thuyết phục
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, báo cáo con số sinh viên có việc làm hằng năm sẽ mang lại hiệu quả. Trường nào công bố báo cáo sinh viên có việc làm cao (phải đảm bảo đúng và thực chất) thì việc tuyển sinh chắc chắn sẽ không gặp vấn đề gì.
Ông Trần Văn Nam nói, nếu các trường có số liệu sinh viên ra trường có việc làm một cách trung thực thì sẽ thuyết phục hơn.
Ông Nam đề xuất cần yêu cầu các trường báo cáo tỷ lệ này đồng thời có biện pháp để kiểm tra giám sát.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt kiến nghị nên nghiêm túc xác định số sinh viên có việc làm và thất nghiệp. Mà cụ thể là Bộ GD-ĐT nên làm việc với Tổng cục Thống kê thống kê.
|
Đã đến lúc bàn lại phương thức tuyển sinh
Ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng cho rằng cần phải thay đổi phương thức tuyển sinh hiện nay.
Nhìn lại mấy chục năm nay, công tác tuyển sinh vẫn nằm lại ở chỗ tìm em nào có điểm thi cao nhất thì tuyển vào ĐH. Đã đến lúc phải nghĩ đến cách tuyển sinh cải tiến hơn.
|
Lê Văn - Thanh Hùng - Lê Huyền
No comments:
Post a Comment