Thiết nghĩ , Trong thời điểm ông Hải giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương có một số vụ “bê bối” về công tác nhân sự.
Giữa tháng 8 vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra công tác nhân sự, bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công Thương. Trong số các trường hợp gây xôn xao dư luận, đáng nói nhất là vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Thanh từng lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam gây thua lỗ 3300 tỉ. Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy nhưng vào tháng 9.2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng. Sau đó không lâu, ông Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Rồi thêm vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm ăn thua lỗ tại công ty tài chính dầu khí, nhưng được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn (Sabeco)… Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ”.
Lẽ nào trong những vụ sai phạm như vậy, ông Hải giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trong thời điểm đó lại không có sai phạm? Phải làm rõ ông Hải sai phạm tới đâu? Có bị xử lý kỷ luật gì không, nếu có thì mức độ thế nào? Chứ mù mờ trấn an dư luận như “sẽ tiếp tục giữ vị trí Vụ trưởng, tuy nhiên, ông Hải sẽ không tham gia các công việc chỉ đạo, điều hành về nhân sự mà sẽ được bố trí công việc phù hợp hơn”.
Nếu không làm rõ sai phạm có hình thức và mức độ xử lý thì chỉ sau một thời gian với “hàm vụ trưởng” sẽ đến làm vụ trưởng một vụ “phù hợp” coi như một sự luân chuyển cán bộ!
Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác nhân sự. Qua cách luân chuyển này, người có năng lực thực sự, có khát vọng cống hiến sẽ có dịp được tiếp cận cơ sở, hiểu hơn đời sống từ cơ sở và qua đó thử thách phẩm chất và năng lực điều hành của người lãnh đạo. Tuy nhiên nếu làm không chuẩn sẽ bị lợi dụng “chạy” luân chuyển để "xóa dấu vết".
Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng tại sao để “con voi chui qua lỗ kim”? Hay là có trục trặc ở khâu nào? Quy trình có nặng tính hình thức không? Có thiếu tính khoa học và dân chủ? Sao mà luôn luôn được trả lời là "đúng quy trình"?
Người dân cũng được nghe quá nhiều điệp khúc "đúng quy trình" như vụ đề bạt Dương Chí Dũng từ giám đốc Vinalines thành cục trưởng cục Hàng hải khi đang thanh tra, hay việc bổ nhiệm 60 cán bộ của Thanh tra Nhà nước và 19 cán bộ của Sở VH-TDTT Tp HCM ở phút 89 trước khi lãnh đạo nghỉ hưu lúc đầu cũng được báo cáo là "đúng quy trình" (!?)
Quá nhiều câu hỏi, câu hỏi nào cũng có lý đáng suy nghĩ. Trả lời những câu hỏi này dù nhức nhối, đau lòng nhưng không thể tránh né, đấy thuộc bản lĩnh chính trị và trách nhiệm của hệ thống tổ chức.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến đề ra biện pháp khắc phục tình trạng trên “...Quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ”.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment