Tuesday, September 20, 2016

Muốn thành mũi nhọn thì phải tự mài

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 19/09/2016,     http://www.thesaigontimes.vn/151363/Muon-thanh-mui-nhon-thi-phai-tu-mai.html,         Tuần rồi, tại TPHCM đã diễn ra một cuộc tọa đàm, với sự tham dự của những người có chức vụ cao từ Ban Kinh tế Trung ương, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch để bàn giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Có nhiều tiềm năng, nhưng Việt Nam vẫn mãi đứng sau các nước trong khu vực về phát triển du lịch. Ảnh: ĐÀO LOAN

Mở đầu buổi tọa đàm, người đứng đầu Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, nêu những con số rất khả quan, cho biết ngành du lịch đang đứng trước sự phát triển mạnh mẽ. Vào năm ngoái, xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 8,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 65% trong tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ, chỉ đứng sau xuất khẩu điện thoại và các loại kinh kiện điện tử, máy tính. Dự báo trong năm nay, doanh thu của dịch vụ du lịch sẽ còn tăng hơn nữa. Con số 9,5 triệu lượt khách, tăng hơn một triệu rưỡi lượt khách so với năm ngoái, là trong tầm tay. Còn đến năm 2020, lượng khách quốc tế sẽ tăng gấp đôi, đạt 15 triệu lượt (nhưng chỉ bằng khoảng một nửa lượng khách quốc tế mà Thái Lan đón vào năm ngoái).
Lý giải tại sao có nhiều tiềm năng mà Việt Nam vẫn mãi đứng sau các nước trong khu vực về phát triển du lịch, người đứng đầu ngành du lịch cho rằng, ngoài những hạn chế nội tại về quản lý, xúc tiến... thì điểm nghẽn lớn nhất là thiếu liên kết.
Du lịch liên quan đến nhiều ngành nhưng khi xây dựng chính sách, liên quan đến bộ nào là bộ đó lại đưa ra những chính sách khác, chủ yếu là rào cản, nên không thể có một chính sách đồng bộ cho du lịch phát triển. “Các bộ, ngành luôn đưa ra những bộ luật hiện hành để nói không và chúng tôi cũng không biết trước những quy định mới, có thể gây tác động đến ngành để có ý kiến”, ông Tuấn nói và đưa ra một số ví dụ cho sự thiếu liên kết.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì trước hết tự thân ngành phải tự liên kết, phải chủ động để bén, để nhạy trước đã.
Chẳng hạn, hồi cuối tháng rồi, cơ quan xuất nhập cảnh áp dụng visa dài dạn một năm, đi lại nhiều lần với lệ phí 135 đô la Mỹ cho tất cả du khách Mỹ đến Việt Nam thay vì để khách có thể chọn visa ngắn hạn, đi một lần với lệ phí 25 đô la Mỹ như trước đây nhưng ngành du lịch không hề biết trước. Ngành du lịch luôn đề nghị mở văn phòng đại diện ở nước ngoài nhưng lần nào cũng bị bác. “Mọi người luôn đòi du lịch Việt Nam phải bằng Thái Lan, Singapore nhưng lại không cho thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá thì làm sao có thể hoạt động hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ý kiến của ông Tuấn đúng. Thực tế ngành du lịch chưa được coi trọng đúng mức để có những chính sách ưu đãi hợp lý. Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý du lịch cũng đã có những đổi mới trong quản lý, đã mạnh dạn lên tiếng để gỡ bỏ những chính sách bất cập. Trong đó, có việc kiến nghị xóa bỏ chính sách áp dụng visa cho khách quốc tế đến bằng tàu biển hay miễn visa cho du khách từ năm nước Tây Âu vào năm ngoái.
Tuy nhiên, những hạn chế nội tại về hiệu quả của các hoạt động quản lý, xúc tiến và những hoạt động để ủng hộ, kích thích doanh nghiệp làm ăn thì vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.
Một doanh nghiệp chuyên về thị trường Nga cho rằng cơ quan xúc tiến du lịch luôn kêu chỉ có 2 triệu đô la Mỹ/năm cho quảng bá du lịch, bao gồm cả đi hội chợ, trong khi các nước trong khu vực có đến 80 thậm chí 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, thì hiệu quả không thể bằng. Doanh nghiệp này cho rằng chưa hẳn là như vậy. “Có hội chợ ở nước ngoài, trước khi sự kiện dành cho doanh nghiệp nước ngoài không bao lâu tôi mới nhận được thư từ cơ quan xúc tiến du lịch đề nghị tôi mời đối tác tham gia. Gấp quá, kết quả là họ không đi được. Nếu chúng ta cứ làm như vậy thì có bỏ bao nhiêu tiền cũng không hiệu quả”, doanh nghiệp này nói.
Tuần rồi, một hội chợ du lịch quốc tế lớn đã diễn ra tại TPHCM. Để quảng bá cho sự kiện này, ban tổ chức đã mời rất nhiều cơ quan truyền thông trong và ngoài nước. Bên lề của sự kiện, một thành viên của công ty tổ chức triển lãm than thở với TBKTSG rằng, quá đau đầu khi phải giải thích với sếp là người nước ngoài về việc phải thay đổi danh sách khách mời, phải thêm vào những cơ quan không phải là kênh mà họ muốn nhắm đến để gia tăng mức độ quảng bá sự kiện đến doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà chỉ có giá trị báo cáo với cấp trên.
Cũng nhân kỳ hội chợ lần này, Cơ quan xúc tiến du lịch Hàn Quốc đã đưa ra một chương trình khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam bán tour du lịch Hàn Quốc. Cơ quan này cho doanh nghiệp đăng ký từng tour cụ thể để bán, quy định tối thiểu trong ba tháng mỗi công ty phải bán tour này cho tối thiểu 2.000 người. Đến hạn, năm công ty bán giỏi nhất sẽ được trao thưởng với giải nhất là 10.000 đô la Mỹ (trên 200 triệu đồng) cùng một số giải thấp hơn. Đã có nhiều công ty Việt Nam đăng ký. Câu hỏi đặt ra là nếu không được sự liên kết, hỗ trợ từ các ngành khác, liệu du lịch Việt Nam có làm được những chương trình có hiệu quả bán hàng tương tự như thế này không?
Doanh nghiệp cho rằng, hoàn toàn có thể làm được nếu như có người đứng cầm chịch, kêu gọi các công ty có dịch vụ liên quan đến thị trường muốn phát triển cùng tham gia.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì trước hết tự thân ngành phải tự liên kết, phải chủ động để bén, để nhạy trước đã.

Đào Loan

No comments:

Post a Comment