Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1725 (thay thế Quyết định 952/2012) sửa đổi một số cơ chế tài chính của Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho phép doanh nghiệp được tự chủ về tài chính từ ngày 1/1/2017.
Theo đó, quyết định này quy định một số cơ chế tài chính, gồm: thu điều tiết đối với sản phẩm xăng xuất khẩu, chế biến tiêu thụ trong nước, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trích khấu hao tài sản cố định và vốn điều lệ của BSR.
Lọc dầu Dung Quất |
Cụ thể, về thu điều tiết đối với sản phẩm xăng tiêu thụ trong nước, đối tượng thu, nộp là sản phẩm xăng do BSR sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước (bao gồm cả tiêu dùng nội bộ).
BRS có trách nhiệm kê khai, nộp khoản thu điều tiết hàng tháng vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Hàng năm, quyết toán thu, nộp ngân sách khoản thu điều tiết với cơ quan Thuế, thời hạn quyết toán thực hiện theo quy định về thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khoản thu điều tiết đối với sản phẩm xăng tiêu thụ trong nước của BSR là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước và được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương.
Thời gian áp dụng thu điều tiết đối với sản phẩm xăng của BSR thực hiện từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2016.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đổi lại, Chính phủ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hoá dầu; bãi bỏ các mức giá trị ưu đãi và bãi bỏ quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cấp bù phần chênh lệch giữa mức giá trị ưu đãi với mức thuế nhập khẩu cho BSR và được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Kể từ ngày 1/1/2017, bãi bỏ quy định thu điều tiết đối với sản phẩm xăng sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước (bao gồm cả tiêu dùng nội bộ) của BSR.
Trong khi đó, các quyết định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho BSR (nộp 10% trong vòng 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ năm phát sinh thu nhập chịu thuế) ở quyết định ban hành năm 2012 vẫn được giữ nguyên.
Trước đó, BSR đã nhiều lần gửi văn bản lên Chính phủ đề nghị có những thay đổi đối với chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu và giảm tỷ lệ thu thuế điều tiết xăng dầu của doanh nghiệp này vào ngân sách. Nếu không xăng dầu do Dung Quất sản xuất ra sau khi cộng thêm thuế nhập khẩu theo cơ chế tài chính được Chính phủ cho phép thực hiện sẽ cao hơn giá xăng dầu nhập khẩu, dẫn đến việc các nhà phân phối giảm đáng kể việc mua xăng dầu từ Dung Quất. Việc xăng dầu khó bán ra cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Việc Lọc dầu Dung Quất được giải cứu làm dấy lên hy vọng cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Được khởi công xây dựng năm 2013 tại khu kinh tế Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ đi vào vận hành chạy thử từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Dự kiến, đến năm 2020, nhà máy sẽ vận hành 100% công suất.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, tổng thu ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm. Về tác động với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, do bao tiêu sản phẩm từ lọc dầu Nghi Sơn, với phương án giá dầu 45 USD/thùng, tập đoàn này sẽ phải bù lỗ 1,54 tỷ USD/10 năm (tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng/năm).
Giá dầu càng tăng thì khoản bù lỗ của PVN càng lớn. Trong khi đó, về lợi nhuận thu được của PVN với tư cách cổ đông tương ứng với tỷ lệ vốn góp khoảng 716 triệu USD/10 năm, tương đương 1.600 tỷ đồng/năm nếu giá dầu 45 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, lợi nhuận chỉ còn 641 triệu USD/10 năm, tương đương 1.400 tỷ đồng/năm.
Dù xác định phải bù lỗ nhiều năm cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng chính dự án này cũng được hưởng rất nhiều ưu đãi. Chẳng hạn, Chính phủ đã cam kết dự án được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Có chuyên gia nhận định, Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng cơ chế ưu đãi tương tự như Lọc dầu Dung Quất, thậm chí có những thứ còn hơn cả Dung Quất khi được ưu đãi cả đầu ra và đầu vào về mặt thuế suất. Ngoài ra, Nghi Sơn còn được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi liên quan đến đầu tư, giải phóng mặt mặt bằng...
Minh Thái
No comments:
Post a Comment