Wednesday, September 21, 2016

Dùng ngân sách ''xóa'' nợ xấu: Câu hỏi phải trả lời dân

Báo Đất Việt, ngày 20/09/2016,          http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dung-ngan-sach-xoa-no-xau-cau-hoi-phai-tra-loi-dan-3318999/,         Nếu ngành ngân hàng không tái cơ cấu toàn diện, không ai có thể đảm bảo chắc chắn nợ xấu sẽ phát sinh trong tương lai.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng đồng tình với đề xuất của Bộ KHĐT là phải lấy tiền tươi để xử lý nợ xấu. Ông Hiếu cũng khẳng định lấy tiền tươi xóa nợ là giải pháp duy nhất hiện nay nhưng xóa nợ không có nghĩa là tha nợ. Số nợ đó sẽ được lấy lại dần dần khi doanh nghiệp được phục hồi.
PV:- Mới đây, Bộ KHĐT đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Quan điểm của ông về đề xuất trên như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên, nhưng trước hết phải làm rõ xóa nợ là thế nào?
Xóa nợ ở đây là xóa những khoản nợ trên sổ sách kế toán chứ không phải là tha nợ. Và việc xóa nợ phải dựa trên kết quả thẩm tra của Hội đồng xử lý rủi ro để chắc chắn các ngân hàng không xóa nợ nhầm.
Dung ngan sach ''xoa'' no xau: Cau hoi phai tra loi dan
TS Nguyễn Trí Hiếu
Tôi ví dụ, đối với một con nợ đã mất đi khả năng thanh toán, tài sản thế chấp trên sổ sách cũng đã bằng 0 rồi, thì cần thiết phải dùng tới một "kỹ xảo" kế toán để làm sạch số nợ đó, tài sản đó trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
Khoản nợ đó được mang ra khỏi các sổ sách kế toán của NHTM, các DNNN nhưng vẫn phải theo dõi nó, đòi dần nó.
Tuy nhiên, câu chuyện xóa nợ ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn vì nó liên quan tới vấn đề trách nhiệm, trong đó có cả việc xem xét trách nhiệm hình sự. Đó là lý do, khiến nợ xấu cứ dùng dằng mãi không thể xử lý được.
Việc giữ mãi một khoản nợ trên sổ sách ngân hàng mà biết rõ con nợ đó đã chết là rất vô lý. Nó giống như một mầm mống ung thư đang được nuôi dưỡng trên một cơ thể tưởng như cường tráng nhưng thực chất lại đang "hấp hối". Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi có cần phải xóa nợ không, tôi khẳng định việc xóa nợ để xây dựng một cơ thể khỏe mạnh thực sự là rất cần thiết.
Vậy phải xóa nợ bằng cách nào? Có hai cách để xóa nợ, một là với những con nợ là những doanh nghiệp nếu xác định doanh nghiệp thật sự không còn khả năng trả nợ thì cần phải cho phá sản hoặc buộc phải đưa ra tòa yêu cầu tuyên bố phá sản. Tài sản của con nợ sẽ được định giá, bán thanh lý để trả nợ cho ngân hàng.
Đó là với doanh nghiệp, còn thủ tục phá sản với cá nhân ở Việt Nam hiện đang rất phức tạp do quy định "cá nhân không được phép phá sản". 
Việc cá nhân không được phép phá sản khiến các ngân hàng buộc phải lưu giữ những khoản nợ dù biết chắc không thể thu hồi được trên sổ sách.
Việc này là rất vô lý, tôi cho rằng, Quốc hội phải xem xét lại và cần phải đưa quy định phá sản với cá nhân vào luật cụ thể.
Với trường hợp thứ hai là những doanh nghiệp có thể phục hồi được thì Chính phủ cần phải bơm tiềm mua lại nợ xấu, làm sạch sổ sách kế toán. Khoản tiền trên chỉ là tạm ứng và sẽ được đòi lại trong tương lai.
PV:- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, đây có phải là giải pháp tối ưu nhất hay không và vì sao?
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Tôi nghĩ rằng đó là giải pháp duy nhất cho tới thời điểm này. Nếu tiếp tục nuôi nợ xấu bằng cách gom lại nợ tại VAMC thì nhiều năm nữa cũng chưa chắc đã giải quyết được nợ.
Tuy nhiên, việc mua bán bắt buộc phải theo cơ chế thị trường, không thể mua theo giá trị trên sổ sách. Thậm chí các NHTM phải chấp nhận triết khấu rất sâu lên đến 50%. Khi bán với giá đó ngân hàng cũng đã chịu thiệt nhưng phải chấp nhận để có được bảng cân đối tài chính sẽ sạch nợ xấu. VAMC cũng cần mua nợ bằng “tiền tươi thóc thật”, trả bằng trái phiếu có bảo lãnh của NHNN. Đặc biệt, tổ chức xử lý nợ này có thể triển khai hình thức “mua đứt bán đoạn”, có toàn quyền quyết định đối với tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu.
Để làm được như vậy, cơ chế luật pháp về mua bán nợ cũng phải thay đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đó là cách xử lý với những khoản nợ của DNNN, còn nợ không thuộc về DNNN thì xử lý thế nào? Trong trường hợp này, VAMC có thể tạm ứng tiền từ ngân sách nhà nước mua lại khoản nợ của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác ngoài nhà nước. Khoản nợ này sau khi được mua về sẽ được mua bán lại theo cơ chế thị trường và số tiền thu được VAMC sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách. Hiện có rất nhiều các tổ chức, nhà đầu tư tài chính nước ngoài muốn mua lại các khoản nợ này của các doanh nghiệp Việt Nam, cái họ muốn không phải là doanh nghiệp đó mà chính là những tài sản thế chấp của những doanh nghiệp này.
Như vậy, tiền Chính phủ bỏ ra tưởng là đã mất song chưa chắc đã mất. Nó chỉ là khoản tiền VAMC tạm ứng từ ngân sách và sẽ phải hoàn trả sau đó. Trong trường hợp không bán được nợ, VAMC vẫn có thể thanh lý các tài sản bảo đảm lấy tiền nộp về cho ngân sách.
Vì vậy, nếu chỉ nghĩ đơn giản là dùng tiền ngân sách để giải cứu DNNN là hiểu chưa hết. Chỉ nên hiểu đây là khoản tạm ứng để xử lý nợ xấu, chứ không phải khoản đầu tư vĩnh viễn.
PV:- Còn nhớ, cách đây 2 năm, từng có ý kiến dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nhưng đã bị Chính phủ bác bỏ. Theo ông, lý do vì sao mà đề xuất này một lần nữa lại được đưa ra?
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Đúng vậy, vào thời điểm VAMC ra đời, khi đó chưa ai hiểu VAMC hoạt động thế nào, và hiệu quả xử lý nợ xấu sẽ đi đến đâu.
Cho tới khi VAMC đi vào hoạt động, nhiều người đều mang kỳ vọng rất lớn VAMC có thể sẽ xử lý hiệu quả nợ xấu. Có lẽ vì vậy mà khi đưa ra đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu đã không nhận được sự đồng thuận từ Chính phủ.
Tuy nhiên, ngay lúc đó, tôi đã nhận định ngay kỳ vọng VAMC xử lý được nợ xấu là chuyện không tưởng. Vì khi đó, VAMC không có người, không có cơ chế pháp luật để xử lý nợ xấu.
VAMC đã được xây dựng với mục đích xử lý tạm thời đống nợ khổng lồ là đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng và đem vào bảng cân đối kế toán của VAMC, tức là tìm một bãi đậu cho một số nợ xấu chứ không phải là để giải quyết vấn đề nợ xấu một cách triệt để. Vì thế sau hơn một năm đi vào hoạt động VAMC đang ôm một đống nợ khổng lồ mà không biết giải quyết thế nào.
Vào thời điểm này, có thể Chính phủ đã nhận thấy chỉ dựa vào VAMC sẽ không thể xử lý được nợ xấu và việc dùng tiền tươi để xử lý nợ xấu là giải pháp bắt buộc.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tiền tươi đó có từ đâu? Theo tôi, chỉ có thể có từ hai nguồn, một là từ nguồn tư nhân, hai là từ nhà nước. Với nguồn tiền từ tư nhân, đây là nguồn không thể tiếp cận được do các con nợ vẫn đang trong cảnh nợ nần và không ai dám mạo hiểm cho họ vay nữa. Như vậy, cách duy nhất chỉ còn có thể dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách.
Dùng ngân sách xử lý nợ xấu là giải pháp duy nhất nếu không muốn cục máu đông nợ xấu trở thành cục máu khô và trở thành nguồn thiệt hại vĩnh viễn cho nền kinh tế.
PV:- Những vướng mắc về việc dùng ngân sách giải cứu nợ xấu doanh nghiệp nhà nước, tiền thuế của người dân phải bù vào khoản làm ăn thua lỗ của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản phải được giải đáp như thế nào trong đề xuất mới nói trên?
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Trong tổng số nợ sấu hiện nay thì có 3 cấu phần chiếm tỷ lệ lớn nhất đó là nợ của các DNNN (60-70%); thứ hai là nợ của các doanh nghiệp BĐS; thứ ba là nợ từ các nhóm lợi ích chéo ở các ngân hàng. Những món nợ từ các ngân hàng cho các công ty con, công ty mẹ, những cá nhân liên quan tới mình vay.
Cả 3 cấu phần này không có nghĩa là cộng lại sẽ là 100% tổng số nợ xấu, mà nó có thể là những món nợ độc lập với nhau.
Khi nhìn như vậy, rõ ràng nợ DNNN chiếm tỷ lệ rất lớn khiến nhiều người bức xúc vì DNNN gây lên tội rồi lại được cứu, quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ, để lại nợ rồi lại lấy tiền ngân sách trả nợ thay. Việc DNNN làm sai nhưng vẫn không bị trừng phạt mà còn được sống khỏe là điều khiến dư luận rất bức xúc, bất bình.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Trong số những DNNN đang mắc nợ cần phân tách làm 2 nhóm, một nhóm là doanh nghiệp không thể phục hồi và một nhóm là có thể phục hồi nhưng thiếu vốn.
Với nhóm doanh nghiệp thứ nhất, khi đã xác định doanh nghiệp không có khả năng phục hồi được ngay cả khi bơm tiền vào thì phải kiên quyết cho nó chết hẳn, không cần phải cứu.
Với nhóm thứ hai, với những doanh nghiệp có thể phục hồi được thì nhà nước cần phải cứu bằng cách dùng tiền ngân sách mua lại nợ xấu của doanh nghiệp đó. Thậm chí, phải bơm thêm vốn hỗ trợ   doanh nghiệp hồi phục. Về lâu dài, khi doanh nghiệp sống được sẽ có khả năng tiếp tục đóng góp cho ngân sách.
Khi đó ngân sách vừa có khả năng thu hồi được nợ, vừa có thể thu cả khoản đóng góp bằng thuế.
Nhưng đây là khoản tiền được lấy từ ngân sách nhà nước và cũng là tiền thuế của dân, do đó, việc xử lý nợ xấu bằng ngân sách nhà nước rất cần có được sự đồng thuận của người dân.
PV:- Trong trường hợp dùng ngân sách xử lý nợ xấu, thưa ông, cách thức tiến hành phải như thế nào để giải quyết dứt điểm nợ xấu nhưng lại không xảy ra tình trạng nhập nhèm, lợi dụng ngân sách nhà nước?
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Theo tôi, trước tiên, cần phải đặt vấn đề này ở tầm chính sách quốc gia và phải được sự đồng thuận, thống nhất từ cả hệ thống Chính trị bao gồm cả cơ quan hành pháp và lập pháp.
Sau khi được thông qua, các cơ quan chức năng phải tổng hợp lại nợ, phân tách từng cấu phần nợ rõ ràng. Trên cơ sở đó, Hội đồng xử lý nợ sẽ đánh giá khoản nợ nào là nợ có khả năng phục hồi, nợ nào cần phải cứu và nợ nào không cần cứu từ đó sẽ có những giải pháp phù hợp.
PV:- Vấn đề trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân gây ra vấn đề nợ xấu ngày càng xấu (bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng lơ là các điều kiện cho vay) phải được xem xét và xử lý như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Việt Nam hiện đang bị vướng rất nhiều trong việc truy cứu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm hình sự với những cá nhân gây sai phạm.
Vì vậy, việc phân tách nhóm nợ cũng là cơ sở để xác định được trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đơn vị gây ra nợ xấu.
Mặc dù vậy, tôi vẫn lưu ý, chúng ta không nên quá xa đà vào việc đi tìm trách nhiệm của ai, người nào gây ra mà vấn đề cần được nhìn ở bình diện rộng hơn, việc nào cấp bách hơn. Việc xử lý nợ xấu là rất quan trọng, nó tác động rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai.  
PV:- Trong khi đó, chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đưa ra cảnh báo nợ công Việt Nam vượt trần (65% GDP) đang dần hiện hữu. Nếu đề xuất trên được thông qua thì sẽ gây áp lực thế nào tới nợ công hiện nay?
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Chắc chắn nó sẽ gây áp lực cho nợ công, vì ngân sách đang bội chi mà lại chi nữa thì chỉ còn cách đi vay thêm. Vay thêm thì nợ sẽ tăng lên.
Nhưng như tôi đã nói, trong trường hợp ngân sách khó khăn như hiện nay chúng ta có thể đặt vấn đề xử lý nợ xấu theo từng lộ trình mà không bắt buộc phải xử lý ngay một lúc.
Cũng có thể xử lý theo hình thức cuốn chiếu, mua theo từng giai đoạn và ngân sách ứng một nửa, một nửa NHTM phải chịu. Tôi lấy ví dụ, số nợ là 500.000 tỷ, ngân sách sẽ ứng ra 250.000 tỷ, còn 250.000 tỷ NHTM sẽ phải chịu. 
Quan trọng là khi sử dụng khoản tiền 250.000 tỷ đó, Bộ KHĐTcũng phải có một kế hoạch cụ thể, chi tiết để người dân cùng hiểu rằng: 250.000 tỷ đó bỏ ra trong khoản thời gian bao lâu sẽ phải thu hồi được.
Bộ KHĐT sẽ không thể thuyết phục được ai nếu chỉ nói rằng ngân sách bỏ ra 250.000 tỷ để mua nợ xấu mà không có một lời giải thích.
PV:- Một câu hỏi cuối cùng, theo ông, giả sử có đồng tình với phương án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, ông có tin rằng, chúng ta sẽ làm sạch được nợ xấu và không để tiếp diễn nợ xấu nữa hay không? Xin ông phân tích cụ thể.
TS Nguyễn Trí Hiếu:- Quan điểm của tôi rất rõ ràng, xử lý nợ xấu ở đây là xử lý khoản nợ đã nằm trong quá khứ. Không ai có thể đảm bảo chắc chắn mọi việc có thể xảy ra trong tương lai.
Nợ xấu cũng vậy, làm kinh doanh ngân hàng bao giờ nợ xấu cũng sẽ phát sinh. Tuy nhiên, để giảm thiểu những rủi ro trong tương lai thì ngành ngân hàng cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, công tác quản lý rủi ro phải được cải tổ toàn diện, các ngân hàng phải thay đổi tư duy kinh doanh, tuân thủ pháp luật chặt chẽ.
Nếu vấn đề quản lý hệ thống ngân hàng được cải tổ sẽ là giải pháp giảm thiểu nợ xấu, giữ nợ xấu ở mức hợp lý trong tương lai.
Tuy nhiên, nếu không thay đổi, chắc chắn sẽ lại có thêm 500.000 tỷ nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Vì vậy, xử lý nợ xấu trong quá khứ chỉ là tiền đề cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh trong tương lai. Vấn đề mấu chốt vẫn phải là cải tổ toàn diện ngành ngân hàng.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Hoài An

No comments:

Post a Comment