“Không còn nhiều thời gian nữa”
Gần đây, một việc chưa từng có tiền lệ đã diễn ra ở một doanh nghiệp dệt may tại Hà Nội. Công nhân với sự ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp đã đứng ra thành lập tổ chức công đoàn với cơ cấu tổ chức khác với truyền thống. Ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam hé lộ câu chuyện trên, và nhận xét: “Người ta thành lập tổ chức cho người lao động như thế theo tinh thần TPP vì mong chờ TPP”.
Trường hợp của doanh nghiệp trên là bước đi dò dẫm đầu tiên của người Việt Nam nhằm hiện thực hóa chương lao động và công đoàn trong TPP, nội dung được coi là nhạy cảm và ít được đề cập. Sau khi TPP được ký kết, người ta ước tính hiệp định này sẽ có hiệu lực vào tháng 4/2018.
Trong quá trình từ nay đến trước lúc đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện cải cách về pháp luật lao động và bộ máy tổ chức về lao động, theo cam kết song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong TPP. “Việc sửa đổi pháp luật lao động cần phải được thực hiện trước khi TPP có hiệu lực”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Phạm Minh Huân khẳng định.
Tiến trình chuẩn bị về mặt thể chế đã được đẩy nhanh đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Hà Nội cuối tháng 5 rồi. Đầu tháng 6, Bộ Lao động đã liên tục gửi các tờ trình tới Chính phủ và Bộ Tư pháp đề nghị trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi vào tháng 10/2017, sớm hơn một kỳ họp so với kế hoạch cũ để đáp ứng cam kết trong thỏa thuận song phương.
Tương tự, Luật Công đoàn dự kiến cũng được chỉnh sửa với lộ trình trên. Đây là giai đoạn rất thách thức với nhiều bên, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách.
Ảnh minh họa: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh |
Theo bản Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động, Việt Nam đảm bảo rằng luật và quy định của mình cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức công đoàn ở cấp cơ sở theo lựa chọn của họ mà không cần phải xin phép trước. Người lao động được tự do thành lập và tham gia tổ chức này theo lựa chọn của mình ở cấp doanh nghiệp.
Sau 5 năm khi thực hiện TPP, người lao động có quyền liên kết ở cấp ngành, cấp khu vực và cấp quốc gia. Họ được tự chủ trong việc quản lý các vấn đề của tổ chức đó, bầu ra cán bộ công đoàn, và cấm người sử dụng lao động can thiệp vào tổ chức của người lao động.
Đây là những điều Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, tiến sỹ Chang Hee Lee trình bày với cả Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI trong các cuộc gặp riêng rẽ gần đây, nhằm thuyết phục ba bên sớm bắt tay chỉnh sửa Luật Lao động và Công đoàn.
“Theo khung thời gian trong TPP, thì Việt Nam không còn nhiều thời gian nữa”, ông nói trong một cuộc gặp với VCCI đầu tuần này.
Theo ông Lee, bắt đầu từ 1/1/2018, Luật Lao động sửa đổi phải có hiệu lực và tương thích với TPP. Đây là thời điểm các sở lao động thì có thể tiếp nhận đơn của người lao động xin thành lập công đoàn. Giả sử đầu năm 2018 có đăng ký thành lập thì sau 2,5 năm, ILO sẽ có báo cáo về Việt Nam. “Vào tháng 8/2020 chúng tôi phải có báo cáo rà soát về việc Việt Nam đã thực sự tuân thủ luật lao động mới hay chưa”, ông nói.
Không chuẩn bị tốt sẽ thành rào cản
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tổ chức công đoàn sẽ trở thành vấn đề “nóng nhất” tới đây. Trong một bài trình bày tại Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Lộc nhận định, thời gian 2-5 năm ngay sau khi TPP có hiệu lực, người lao động sẽ có tâm lý ủng hộ nhiều hơn vì họ cho rằng tổ chức này sẽ mang lại lợi ích trước mắt và nhanh chóng. Tương tự, dư luận xã hội ban đầu có thể cũng theo xu hướng này.
Vì vậy, theo ông, Nhà nước cần nhanh chóng cải thiện hệ thống luật pháp, tăng cường đào tạo nhiều hòa giải viên lao động, tạo cơ chế hòa giải hiệu quả, nhanh chóng và hỗ trợ cho Tổng LĐLĐVN đổi mới để làm tốt hơn việc đại diện cho người lao động. Bằng cách đó, sau khi làn sóng đình công ban đầu qua đi, người lao động sẽ cảm nhận được lợi ích của việc hợp tác và hòa giai trong quan hệ lao động cũng như mặt tiêu cực của sự đối đầu và tranh chấp.
Ông Lộc cảnh báo, bài học kinh nghiệm của Indonesia và Campuchia cho thấy, nếu không có khung pháp lý phù hợp và sự chuẩn bị kỹ càng của cả nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, có thể sẽ dẫn tới sự xuất hiện của quá nhiều tổ chức công đoàn. Điều này không chỉ làm phân tán sức mạnh tập thể của người lao động mà ảnh hưởng rất tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. “Đây là điều không quốc gia nào mong muốn, cho dù họ có ủng hộ tự do hiệp hội hay không”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng cảnh báo, vấn đề lao động và tự do thành lập tổ chức công đoàn, nếu không có sự chuẩn bị tốt có thể trở thành rào cản lớn đối với khả năng tiếp cận các cơ hội mà TPP mang lại.
Trong khi đó, đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bà Virginia Foote cũng khuyến cáo, Việt Nam nên chuẩn bị cẩn thận để đón nhận cơ hội lớn từ TPP.
“Việt Nam và các quốc gia phải đảm bảo các cam kết trong TPP phải được thực hiện trong thực tế, nếu không sẽ không được hưởng lợi trong TPP. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần nghiêm túc trong thực hiện bản Kế hoạch, từ việc sửa đổi pháp luật lao động, công đoàn đến việc tuân thủ trong thực tế”, bà nói.
No comments:
Post a Comment