Monday, September 19, 2016

Chương trình mục tiêu: thắt chỗ nọ, phình chỗ kia

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 19/09/2016,         http://www.thesaigontimes.vn/151337/Chuong-trinh-muc-tieu-that-cho-no-phinh-cho-kia.html,          Ngày 12-11-2015, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 16 CTMTQG giai đoạn 2011-2015 được cắt giảm còn hai CTMTQG trong giai đoạn 2016-2020, đó là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Chỉ riêng với hai Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ phải chi tối thiểu 239.317 tỉ đồng. Còn với 21 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, được thực hiện bởi các bộ, dự kiến tổng số vốn đầu tư sẽ là gần 900.000 tỉ đồng. Ảnh: MINH KHUÊ
Lý do là vì Quốc hội đánh giá mục tiêu của 16 chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện có những hạn chế, dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Việc lựa chọn hai CTMTQG này sẽ tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng theo yêu cầu của Quốc hội, đối với 16 CTMTQG của giai đoạn trước thì không loại bỏ hoàn toàn, mà rà soát, sắp xếp bố trí hợp lý ở 37 dự án thành phần vào 21 chương trình mục tiêu với quy mô hợp lý hơn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, 37 dự án thành phần này sẽ tiếp tục được Quốc hội giao Chính phủ rà soát để loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ trùng lắp với mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Về kinh phí thực hiện, trong khi nghị quyết của Quốc hội về 16 CTMTQG giai đoạn 2011-2015 quyết định tổng mức kinh phí không quá 276.372 tỉ đồng (và thực tế là 324.000 tỉ đồng), thì chỉ riêng với hai CTMTQG hiện nay, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ phải chi tối thiểu 239.317 tỉ đồng (193.155,6 tỉ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới và 46.161 tỉ đồng cho giảm nghèo bền vững). Còn với 21 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, được thực hiện bởi các bộ, dự kiến tổng số vốn đầu tư sẽ là gần 900.000 tỉ đồng.
Như vậy, trong khi chất lượng và hiệu quả triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên hiện nay và trong những năm tới vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ (xem thêm bài Xây dựng nông thôn mới cần thực chất hơn, TBKTSG số ra ngày 1-9-2016), thì 21 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được đưa ra, mặc dù đã không còn chữ “quốc gia” đính kèm, vẫn được duyệt chi một số tiền quá lớn. Và về cơ bản, 21 chương trình mục tiêu này vẫn là “cốt lõi” rút ra từ 37 dự án của 16 CTMTQG cũ, với khác biệt chính là quy mô đã lớn hơn nhiều.
Với kế hoạch chi tiêu đồ sộ cho các chương trình mục tiêu từ nay đến năm 2020, gần 900.000 tỉ đồng, hiệu quả kinh tế mang lại chưa thấy đâu nhưng điều chắc chắn là thâm hụt ngân sách sẽ càng tăng mạnh.
Điều gì đứng đằng sau quyết định đẩy mạnh chi tiêu vào các chương trình mục tiêu thường và mục tiêu quốc gia như vậy? Hẳn đó không phải là do ngân sách đã bội thu. Tuy thu ngân sách nhà nước có tăng lên hàng năm, nhưng chi ngân sách còn tăng mạnh hơn, dẫn đến thâm hụt ngân sách không ngừng tăng (mức thâm hụt trong giai đoạn 2011-2015 lần lượt là 112.000, 173.000, 237.000, 224.000 tỉ và 226.000 tỉ đồng).
Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng tăng như vậy, việc đẩy mạnh chi tiêu cho các chương trình mục tiêu nói trên đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản của chi tiêu ngân sách ở nhiều nước trên thế giới là chi phải “nhìn” thu. Với kế hoạch chi tiêu đồ sộ như trên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa thấy đâu nhưng điều chắc chắn là thâm hụt ngân sách sẽ càng tăng mạnh (cả về con số tuyệt đối lẫn tương đối, ví dụ tỷ lệ so với GDP) trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Kể cả trong trường hợp các chương trình mục tiêu trên sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, nhưng xét đến mức thâm hụt ngân sách lớn, ngày càng tăng nhanh, trong khi vay nợ đã chạm và vượt ngưỡng nguy hiểm thì sẽ đến một thời điểm trong tương lai không xa tất cả các khoản chi tiêu từ ngân sách cho đầu tư và phát triển sẽ phải bị cắt giảm mạnh hơn nữa, từ mức đã rất thấp như hiện nay (15% tổng chi ngân sách trong nửa đầu năm 2016, so với 72% chi thường xuyên và 13% là trả nợ) nếu không muốn ngân sách nhà nước bị phá sản. Lúc đó sẽ lại nảy sinh ra vấn đề về tính bền vững của các chương trình mục tiêu hiện đang được tiến hành, bởi các kết quả sẽ không thể duy trì được nếu không tiếp tục được bơm vốn (ví dụ, xây dựng nông thôn mới rộng khắp cả nước với hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng sẽ cần vốn để duy tu, bảo dưỡng, vận hành).
Nói cách khác, ở đây chúng ta sẽ chỉ có hai lựa chọn. Hoặc là đẩy mạnh đầu tư ồ ạt, quy mô lớn vào hàng loạt mục tiêu, hàng loạt lĩnh vực để đạt thành tích (báo cáo) trong ngắn hạn là đã xóa bỏ được cái này, cải thiện được cái kia... để rồi những cái bị xóa bỏ này, cái đạt được kia sẽ quay trở lại như cũ trong mấy năm sau đó. Hoặc là lựa chọn cẩn trọng và cân nhắc kỹ càng một số chương trình, một số mục tiêu và lĩnh vực, trong phạm vi giới hạn về vốn và năng lực thực thi, nhưng kết quả đạt được là thực chất, bền vững, giúp ích được những bộ phận dân chúng cần giúp đỡ nhất.
Đương nhiên là lựa chọn thứ hai tuy có tính thực thi cao hơn và đáng xem xét hơn nhưng chắc chắn sẽ có nhiều cá nhân và cơ quan có thẩm quyền không mong muốn, một phần bởi căn bệnh thành tích và phần khác bởi động cơ vụ lợi. Do đó, thách thức hiện nay với Quốc hội và Chính phủ đương nhiệm là phải nhìn ra được những giới hạn về nhân lực, vật lực trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời đủ quyết tâm để đưa ra các chương trình phát triển kinh tế xã hội phù hợp hơn, có tính khả thi hơn.

Phan Minh Ngọc

No comments:

Post a Comment