Wednesday, January 13, 2016

Việt Nam chế tạo máy bay trinh sát không người lái: 6 nghi ngại

Báo Đất Việt, Thứ Tư, 13/01/2016 07:31       http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/viet-nam-tu-san-xuat-may-bay-trinh-sat-may-nghi-ngai-3297446/    

TS Nguyễn Bách Phúc chỉ ra 6 điều còn nghi ngại về sản phẩm mới máy bay trinh sát không người lái Việt Nam tự sản xuất.

  • Chia sẻ vui mừng trước thành quả của nền khoa học nước nhà, nhưng cũng bày tỏ không ít những điều nghi ngại,  báo Đất Việt xin đăng tải bài viết của TS. Nguyễn Bách Phúc - Chủ Tịch Hội TV KHCN & QL HASCON, Viện Trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI.
TS. Nguyễn Bách Phúc
Chủ Tịch Hội TV KHCN & QL HASCON
Viện Trưởng Viện  Điện – Điện tử - Tin học EEI

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, dự án của Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an chế tạo máy bay trinh sát không người lái tầm xa, phục vụ nghiên cứu khoa học và an ninh quốc phòng, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ngành, trung ương, sản phẩm đã được bay thử nghiệm thành công tại Tây Nguyên và đã sẵn sàng ra Biển Đông. Bộ trưởng đánh giá cao thành tựu bước đầu, trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu, nâng cấp nhằm phục vụ tốt nhất công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, phục vụ an ninh quốc phòng.
PGS.TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu cho biết, sản phẩm đã được nghiên cứu chế tạo thành công và sẽ bắt đầu bay thử nghiệm ngoài Biển Đông vào mùa hè năm 2016. "Việt Nam đã có đủ khả năng chế tạo máy bay không người lái tầm xa để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc", PGS.TS Phạm Ngọc Lãng khẳng định.
TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam rất vui mừng với thông tin quan trọng liên quan tới Đề tài này, sau khi nhận tin vui ông đã chia sẻ trực tiếp với PGS.TS Phạm Ngọc Lãng và có lời chúc mừng chân thành.
Chúng tôi cho rằng sự kiện này là một niềm vui lớn cho người Việt Nam yêu nước. Chúng ta biết ơn và hãnh diện vì những người đã đổ mồ hôi và trí tuệ để làm nên sản phẩm hữu ích và cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa trong tình hình chung hiện nay.
Tuy nhiên, trước sự kiện trọng đại này, chúng tôi vẫn còn một số băn khoăn:
Thứ nhất, chuyện chế tạo và sử dụng máy bay trinh sát không người lái tầm xa của các nước trên thế giới là việc của Quân đội (Không quân). Không biết vì sao ở đây, Quân đội (Không quân) không tham gia phối hợp?, mà lại là Bộ Công An, nơi không có 1 chiếc máy bay, không có 1 sân bay, không có 1 phi công nào?
Trên thế giới không có bất cứ nước nào có Luật cấm ai đó chế tạo máy bay không người lái nói riêng, và mọi loại máy bay nói chung. Vì vậy, ở Việt Nam đã có anh Hai Lúa làm máy bay trực thăng, Viện Cơ học ứng dụng trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, làm đề tài nghiên cứu và chế tạo máy bay VAM1, VAM2, đề tài này đã được Nhà nước phê duyệt với kinh phí thực hiện cả tỷ đồng. Nhưng kết quả cuối cùng là chẳng ai dám cho phép các máy bay đó bay thử, chứ đừng nói đến cho phép bay thật.
Luật không cấm, nhưng người ta khi muốn sản xuất ra sản phẩm nào đó thì phải lượng sức mình, xem có thể làm được hay không. Lượng sức mình thể hiện ở chỗ đánh giá chính xác khả năng, trình độ, kinh nghiệm của con người và của máy móc, thiết bị, theo các lĩnh vực sau đây: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chi tiết, lắp ráp tổng thể, thử nghiệm sản phẩm. Rõ ràng, anh Hai Lúa và Viện Cơ học ứng dụng trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã không biết tự lượng sức mình.
Chúng tôi nghi ngại, đơn vị chế tạo máy bay trinh sát không người lái có đủ sức nghiên cứu và chế tạo máy bay khi chỉ có ý chí to lớn, còn tiềm lực thì không dồi dào như vậy.

Thứ hai, chuyện nghiên cứu, thiết kế máy bay trinh sát không người lái tầm xa của các nước trên thế giới là việc của những Viện nghiên cứu tầm cao, hiện đại của Không quân, của các Hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới. Còn ở đây, Viện Công nghệ Không gian thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam thuộc tầm cỡ nào? Thực ra, Viện Công nghệ Không gian không trực thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, mà chỉ là 1 Thành phần trong năm Thành phần của LIÊN HIỆP KHOA HỌC SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO VIỄN THÔNG TIN HỌC (HTI) (Trung tâm nghiên cứu phát triển: 24 người, Trung tâm Hệ thống thông tin: 12 người, Trung tâm Chuyển giao công nghệ: 16 người, Trung tâm Tự động hóa và Công nghệ: 18 người, Viện Công nghệ Không gian: 45 người), còn LIÊN HIỆP KHOA HỌC SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO VIỄN THÔNG TIN HỌC (HTI) mới là Đơn vị trực thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Lực lượng cán bộ của Viện như sau: Cán bộ trong biên chế: 02 người, Cán bộ hợp đồng: 45 người, Cộng tác viên/ chuyên gia, các nhà khoa học: 24 người, Chủ yếu là các cán bộ có trình độ kỹ sư, đại học, trên đại học.
5 mau may bayThứ ba, năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy bay không người lái của Viện Công nghệ Không gian đến đâu? Theo công bố của Viện thì Thành tựu nổi bật của Viện là đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công 05 mẫu máy bay không người lái mang ký hiệu AV.UAV.Ms1, AV.UAV.s1, AV.UAV.s2, AV.UAV.s3, AV.UAV.s4. Đây là nhóm đầu tiên nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy bay không người lái mang thương hiệu Việt Nam, hoàn toàn bằng sự sáng tạo của người Việt Nam dựa trên vật liệu cơ bản, không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Các mẫu máy bay này đã được thử nghiệm bay thành công tại bãi thử nghiệm Hòa Lạc và bay thử nghiệm phục vụ chương trình khoa học cấp Nhà nước “Tây Nguyên 3” tại Đà Lạt, Lâm Đồng và ven biển Nha Trang vào tháng 5/2013. Các mẫu máy bay trên đều được thiết kế chế độ điều khiển bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp trong cả ban ngày và ban đêm cùng các trang bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác. Kết quả bay thử nghiệm thành công giúp nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các máy bay để có thể sớm đưa vào sản xuất hàng loạt, dự kiến trong năm 2013.
5 mau may bayViện không công bố chỉ tiêu kỷ thuật của các loại máy này. Nhưng theo một trang Web thì: “Báo Diplomat viết rằng Việt Nam đã thực hiện một bước đột phá khi chế tạo được máy bay không người lái (UAV), nhỏ nhất có tốc độ 70 km/giờ, bán kính bay 2 km và chiều cao tối đa 200 mét, và máy bay không người lái lớn nhất với tốc độ 180 km/giờ, bán kính bay 100 km và chiều cao tối đa 3.000 m”. Trọng lượng, kích thước của các UAV này cũng không được công bố nhưng nhìn vào tấm ảnh do Viện Công nghệ Không gian đăng tải, thì có thể ước lượng máy bay nhỏ nhất có sải cánh khoảng 1 mét, trọng lượng khoảng 15 đến 20 KG, máy bay lớn nhất có sải cánh khoảng 3 đến 5 mét, trọng lượng khoảng 150 đến 200 KG. Các con số này cho thấy UAV nhỏ nhất thuộc loại UAV trò chơi thể thao, còn cái lớn nhất có thể tham gia các nhiệm vụ khảo sát đo đạc, thu thập thông tin Khoa học ở mức độ đơn giản, hạn chế, và không thể tham gia nhiệm vụ trinh sát hàng không trong chiến đấu, bởi bán kính hoạt động chỉ có 100 km..

hinh11
Thứ tư, Máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm xa của Việt Nam HS-6L của Viện Công nghệ Không gian vừa được công bố thuộc tầm cỡ nào so với thế giới?
Máy bay này có các chỉ tiêu kỹ thuật như sau:  tên hiệu: HS-6L, sải cánh 22m, tải trọng 1.350 KG, cự ly bay trên 4.000km, thời gian bay liên tục 35 giờ, có sử dụng vệ tinh dẫn đường, tích hợp các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và thiết bị trinh sát điện tử phục vụ mục đích An ninh Quốc gia. Chỉ tiêu kỹ thuật cho thấy UAV này thuộc loại tiên tiến, hiện đại của thế giới.
Nếu hỏi "Viện Công nghệ Không gian đã làm được những gì trong chiếc máy bay đó?". Không ai trả lời được câu hỏi này, vì chỉ có Viện mới biết. Hơn nữa, Viện trưởng PGS.TS Phạm Ngọc Lãng, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu cho biết, “sản phẩm đã được nghiên cứu chế tạo thành công”, nhưng Ông lại bảo “sẽ bắt đầu bay thử nghiệm ngoài Biển Đông vào mùa hè năm 2016”. Máy bay chưa bay thử nghiệm, sao lại công bố là đã chế tạo thành công?
Thứ năm, chúng tôi hết sức băn khoăn về thông tin Viện Công nghệ Không gian đã chế tạo thành công máy bay này.
Để có thể chế tạo thành công một sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm công nghệ cao và siêu cao như máy bay không người lái UAV, ít nhất cũng phải thực hiện các bước: nghiên cứu, thiết kế chi tiết và thiết kế tổng thể, chế tạo chi tiết và kiểm nghiệm chất lượng chi tiết, lắp ráp tổng thể, thử nghiệm tổng thể, nghiệm thu tổng thể, xin phép bay thử. Nếu thành công trên tất cả các bước tối thiểu nói trên thì mới có thể khẳng định rằng chế tạo đã thành công và có thể đưa vào sử dụng.
Chúng tôi vẫn còn một số nghi ngại sau đây:
Nghi ngại 1: nghiên cứu công nghệ, có nghĩa là học tập những công nghệ đã có và nghiên cứu tìm kiếm để nâng cấp, phát triển những công nghệ đã có. Những công nghệ đã có hầu hết đều là của các nước tiên tiến. Công nghệ của họ hết sức tiên tiến, hiện đại nhưng tất cả đều là bí mật, đặc biệt công nghệ máy bay không người lái luôn luôn là bí mật quân sự. Chúng ta không dễ gì học tập được công nghệ của họ. Còn Việt Nam chúng ta xuất phát từ con số 0, vì chúng ta chưa hề có một sản phẩm hàng không nào, có nghĩa chúng ta phải nghiên cứu từ đầu, liệu chúng ta có đủ sức trong một thời gian ngắn đạt được công nghệ tiên tiến của thế giới?  
Nghi ngại 2: công việc thiết kế đòi hỏi phải có tiêu chuẩn của sản phẩm. Theo chúng tôi biết Hệ thống Tiêu chuẩn của Việt Nam chưa có Tiêu chuẩn cho các sản phẩm hàng không. Hệ lụy của nó là nhà thiết kế sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn nào. Chẳng lẽ lấy tiêu chuẩn của Mỹ, của Nga? Nhưng khó khăn hơn là ở chổ: công việc thiết kế đòi hỏi sử dụng một khối lượng vô cùng lớn các dữ liệu khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Chắc chắn chúng ta không có kho dữ liệu này.
Chính vì những lí do đó, người Trung Quốc thường nổi tiếng về việc ăn cắp mẫu mã nước ngoài để chế tạo sản phẩm của mình. Họ không thể thiết kế được, họ mua một sản phẩm có sẵn của nước ngoài, đem về tháo tung ra, vẽ lại chính xác kích thước của từng chi tiết, kiểm nghiệm từng chi tiết theo các yếu tố: thành phần hóa học của hợp kim, các tính chất vật lý và các chỉ tiêu kỹ thuật chế tạo gia công cơ khí, rồi chế tạo lại các chi tiết đó, cuối cùng đem lắp ráp lại, thành sản phẩm mới mang danh của Trung Quốc.
Nghi ngại 3: chế tạo các chi tiết là công việc đòi hỏi phải có ngành cơ khí chính xác, nhất là đối với những sản phẩm hàng không, tốc độ cao thì đòi hỏi đó càng khắt khe hơn. Chúng ta chưa có ngành công nghiệp cơ khí chính xác, làm sao có thể chế tạo được. Với ngành cơ khí Việt Nam hiện nay, các sản phẩm chính xác chắc phải đặt hàng ở nước ngoài. Lưu ý rằng, ngành cơ khí chính xác của Trung Quốc phát triển ở trình độ rất cao.
Nghi ngại 4: kiểm nghiệm các chi tiết sau khi chế tạo phải được thực hiện trong các phòng thí nghiệm, để loại bỏ những sản phẩm không đạt yêu cầu. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những sản phẩm hàng không. Các phòng thí nghiệm kiểm tra sản phẩm hàng không rất đa dạng, trong đó quan trọng nhất là phòng thí nghiệm Động lực học chất khí. Theo một số chuyên gia thì chúng ta chưa có phòng thí nghiệm này với quy mô và kích thước đủ lớn để có thể kiểm nghiệm các chi tiết của máy bay.
Nghi ngại 5: việc xin phép bay thử. Máy bay được chế tạo hoàn chỉnh, đã tuân thủ và được xác minh là đạt yêu cầu theo các bước nói trên, thì vẫn buộc phải xin phép bay thử. Ở Việt Nam, hiện nay, cơ quan quản lý Hàng không Không gian là Quân đội Nhân dân Việt Nam, là nơi cấp phép cho máy bay bay thử. Để được cấp phép bay thử phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh máy bay thỏa mãn các điều kiện kỹ thuật để có thể bay thử.
Việc cho phép bay thử xem ra cũng không đơn giản. Còn nhớ mấy năm qua công luận lùm xùm về chuyện Bộ Quốc phòng không cho máy bay trực thăng của anh Hai Lúa bay thử, và nghiêm trọng hơn là không cho bay thử máy bay VAM1, VAM2, sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Cơ học ứng dụng thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và của Hội Cơ học Việt Nam, mặc dù đề tài này đã được Nhà nước phê duyệt với kinh phí thực hiện cả tỷ đồng. Dư luận nói chung ủng hộ anh Hai Lúa và các nhà khoa học VAM1, VAM2, cổ vũ họ và phê phán Bộ Quốc phòng, nhưng dư luận không hiểu rằng chính các tác giả của các máy bay đó đã không chứng minh được, không thỏa mãn được các điều kiện của Giấy phép cho bay thử. Kết quả là chẳng có ông Tướng nào của Bộ Quốc phòng dám ký cho phép bay thử. Có thể giải thích dễ hiểu điều này rằng, ai dám ký cho phép bay khi không có căn cứ chứng minh được nó sẽ không lỡ rơi vào phiên chợ đông người, chết hàng trăm người?
Đó là câu chuyện máy bay VAM1, VAM2 của Viện Cơ học ứng dụng trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam khoảng 10 năm trước, liệu năm nay, 2016, Viện nghiên cứu Không gian, là 1 Thành phần của LIÊN HIỆP KHOA HỌC SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO VIỄN THÔNG TIN HỌC (HTI), có tránh được vết xe đổ ấy không?
Nghi ngại 6: từ năm nghi ngại nói trên, theo chúng tôi, nếu Viện Công nghệ Không gian có làm ra được 1 chiếc máy bay HS-6L như họ nói, chiếc máy bay đó chắc chắn giống như VAM1, VAM2, sẽ không được phép bay thử, mà chỉ có thể làm vật trưng bày triển lãm.


Nhân đây, lại nhớ tới năm 1957, cả nước vui mừng vì Quân đội Nhân dân Việt Nam chế tạo được một chiếc xe ô tô du lịch rất đẹp, sơn màu trắng, được đặt tên là Chiến Thắng, mọi người hi vọng chiếc xe ô tô đầu tiên của nền công nghiệp Quốc phòng Việt Nam, sẽ mở đầu cho một dòng xe lớn mang thương hiệu Việt Nam, có thể chen vai thích cánh với các hãng xe hơi thế giới. Nhưng rốt cuộc, xe không chạy được km nào, chỉ đem triển lãm khắp nơi, còn được chưng ở trước Quảng trường Ba Đình một thời gian dài cho đồng bào ngắm nghía. 

No comments:

Post a Comment