Monday, January 11, 2016

Nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” vẫn hiện hữu

Báo VnEconomy, ngày 11/01/2016,       http://vneconomy.vn/the-gioi/nguy-co-chien-tranh-tien-te-van-hien-huu-20110711075943901.htm,           "Cuộc chiến tiền tệ" những tưởng đã là bóng ma của quá khứ, song thực tế vẫn tồn tại và có thể xảy ra bất cứ lúc nào...    Tại Diễn đàn Tiền tệ do tờ The Economist tổ chức tại Paris (Pháp) cuối tuần qua, các chuyên gia kinh tế thế giới lại cảnh báo nguy cơ nổ ra cuộc chiến tiền tệ toàn cầu, tác động xấu tới đồng nội tệ của các nước mới nổi nếu sự phục hồi của nhóm quốc gia phát triển không được đẩy nhanh.
Nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” vẫn hiện hữu
Cuộc chiến tiền tệ" vẫn có nguy cơ bùng phát.

Khái niệm "chiến tranh tiền tệ" được nhắc đến lần đầu tiên trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, tại Sao Paulo hôm 27/9/2010. "Thực sự chúng ta đang rơi vào cuộc chiến tranh tiền tệ thế giới, nơi mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình. Điều này đe dọa chúng tôi, bởi nó tước đi năng lực cạnh tranh của chúng tôi", ông nói.

Về nguyên tắc, đồng tiền yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của nước đó rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác. Nhưng khi mà tất cả các nước đều chọn giải pháp này, sẽ tạo xung đột trong các diễn đàn kinh tế quốc tế và các bên khó lòng giải quyết được những vấn đề chung.

Vào thời điểm đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã ra tay can thiệp vào tỷ giá hối đoán. Trung Quốc, một cường quốc về xuất khẩu cũng không từ bỏ kế hoạch tiếp tục làm yếu đồng nhân dân tệ, bất chấp áp lực từ Mỹ. Trong khi đó, các quan chức cấp cao từ Singapore cho tới Colombia cũng bóng gió nói về nguy cơ khi mà đồng tiền của họ vẫn duy trì phong độ như hiện nay.

Tuy nhiên, "cuộc chiến tiền tệ" mà ông Mantega nói tới đã bị lãng quên, hoặc bị hạn chế nói tới, khi đầu năm nay, chính phủ các nước tập trung vào việc giải quyết bài toán lạm phát. Hàng loạt nền kinh tế mới nổi trên thế giới đang lần lượt tiếp bước nhau tăng lãi suất, từ bỏ những chính sách nhằm ngăn chặn các loại tiền tệ của họ tăng giá để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.

Không phải do họ đã giảm bớt tầm quan trọng của khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu mà bởi họ cần phải chống lại mối nguy hiểm mà cả thế giới đang lo lắng. Đó chính là lạm phát. Với tình trạng giá cả hàng hóa gia tăng, đặc biệt là lương thực và dầu mỏ, các quan chức quyết định cho phép đồng tiền quốc gia tăng giá để giảm áp lực lạm phát. Không chỉ các quốc gia mới nổi tăng lãi suất, hàng loạt các nước phát triển cũng thực hiện hành động này, điển hình là Liên minh châu Âu.

Những tưởng "cuộc chiến tiền tệ" đã trở thành bóng ma của quá khứ, song tại Diễn đàn Tiền tệ cuối tuần qua, các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ là rất cao nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng đưa ra những giải pháp cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế để ngăn chặn tình trạng một số nước thực hiện các biện pháp thao túng tiền tệ.

Các nền kinh tế mới nổi hiện phải chật vật đối phó với dòng tiền nóng đang tăng lên và ồ ạt đổ vào, do triển vọng tăng trưởng nóng và tỷ lệ lãi suất cao của các nền kinh tế này, khiến xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi bị tổn thương. Chính sách bành trướng tiền tệ của Mỹ không dựa trên các biện pháp tiêu chuẩn đã làm giảm giá đồng USD tới 20% chỉ trong hai năm qua.

Một số nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hiện nay như Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Colombia, Nga, Trung Quốc và Brazil đang đối mặt với một thực tế tiến thoái lưỡng nan: định giá cao đồng nội tệ để kiềm chế sự phát triển quá nóng của nền kinh tế nhưng nếu làm thế sẽ lại hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, khẳng định các nền kinh tế phát triển trì trệ đang gây khó khăn cho thế giới. Ông kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) nỗ lực cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế hiện hành và xác lập một khung mới để ngăn biến động tiền tệ. Trước đó, hôm 5/7, ông Mantega cũng đã cảnh báo chiến tranh tiền tệ toàn cầu “chắc chắn chưa kết thúc” khi vẫn còn đó “nhiều cuộc chiến giữa các nước” như Mỹ và Trung Quốc.

G20 đang nỗ lực xây dựng bộ luật ứng xử tiền tệ để ngăn chặn các nước đang phải đối mặt với dòng vốn nóng hành động đơn phương áp đặt những biện pháp kiểm soát vốn, đồng thời hướng các nước này hành động phối hợp hơn để không gây hậu quả bất lợi cho các nước khác. Tuy nhiên, theo bình luận của tờ Financial Times, nhóm này vẫn còn cách rất xa mục tiêu đạt được những nguyên tắc mới trong quản lý tiền tệ toàn cầu.

Hồng Ngọc

No comments:

Post a Comment