Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
|
Hơn một năm trôi qua kể từ "ngày thứ ba đen tối", khi đồng ruble mất gần 1/4 giá trị chỉ trong vòng 24 giờ, nền kinh tế Nga vẫn chưa ổn định. Trong 12 tháng qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 3,9%. Chính phủ nước này đang phải tìm cách để giữ lạm phát dưới 13%. Những nhận định cho rằng kinh tế Nga khởi sắc trong quý III năm ngoái là không chính xác. Các dự báo về việc nền kinh tế tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay cũng bị đánh giá là thiếu thực tế, theo Washington Post.
Các tổ chức tài chính quốc tế và Bộ Kinh tế Nga giờ đây đều thống nhất rằng nền kinh tế Nga sẽ không thể tăng trưởng trong năm 2016. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới hồi tháng 12 năm ngoái dự báo kinh tế Nga sẽ sụt giảm 0,6%, trong khi nhà chức trách nước này tuần trước cho biết con số có khả năng còn cao hơn thế, khoảng 0,8%.
Hiện một số người lạc quan tin rằng nền kinh tế Nga sẽ phát triển trở lại vào năm 2017. Nếu điều này trở thành hiện thực, người ta sẽ nói tất cả những gì nước Nga vừa trải qua chỉ là một giai đoạn chững lại của nền kinh tế dưới tác động của việc giá dầu giảm cũng như các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nhưng nếu đà tăng trưởng không quay về thì điều gì sẽ xảy ra?
Theo ông Vladislav Inozemtsev, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, trụ sở ở Washington, Mỹ, tình trạng kinh tế Nga hiện nay ảm đảm hơn nhiều so với năm 2009. Thu nhập khả dụng thực tế giảm đáng kể. Tiền lương danh nghĩa thậm chí còn thấp hơn năm 2005. Doanh số bán lẻ giảm một nửa so với 6 năm trước. Thu ngân sách liên bang đứng ở mức của năm 2006. Giá trung bình để mua một căn hộ mới ở thủ đô Moscow giảm 16% so với năm 2014 nếu tính bằng đồng rouble, tương đương hơn 50% nếu tính bằng USD.
Qua phân tích tình hình nước Nga từ đầu những năm 2000 đến nay, giới quan sát chỉ ra hai giai đoạn riêng biệt của nền kinh tế. Giai đoạn đầu tiên là từ năm 2000 đến 2007. Khi đó, nền kinh tế Nga tăng trưởng với tốc độ khoảng 7% một năm, thị trường chứng khoán bùng nổ và thu nhập bình quân tăng hơn ba lần.
Nhưng từ năm 2008 đến 2015, kinh tế Nga rơi vào bế tắc. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gần như bằng không. Các doanh nghiệp nước ngoài lục đục rút vốn hoặc không có ý định đầu tư. Môi trường kinh doanh xuống cấp với hàng loạt loại thuế mới được ban hành. Chi tiêu quân sự mặt khác lại tăng gấp đôi khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cường triển khai các chiến dịch ở nước ngoài như Georgia, Ukraine hay Syria.
Quãng thời gian này thường được miêu tả là giai đoạn kinh tế Nga trải qua hai đợt khủng hoảng và một lần phục hồi, song ông Inozemtsev đánh giá đây thực chất chỉ là một giai đoạn không tăng trưởng kéo dài của nền kinh tế. Như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng thừa nhận, Nga vẫn chưa thật sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng cũ thì đã lại vướng phải một cơn biến động mới.
Sức khỏe nền kinh tế Nga hiện phụ thuộc hoàn toàn vào các động thái chính trị của nước này. Và với những gì đang diễn ra thì khả năng phục hồi là tương đối mong manh, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và giá dầu quay đầu trở về mức bình thường, ông Inozemtsev nhận xét.
Moscow từng trải qua không ít cuộc khủng hoảng nhưng chưa bao giờ tình trạng các công ty nước ngoài từ bỏ những khoản đầu tư vào Nga lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Thực trạng căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ cùng các chính sách chống trừng phạt nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) mà Nga áp dụng đang khiến các nhà đầu tư cả ở trong nước lẫn nước ngoài từ chối mở rộng hoạt động.
Hơn 20 tập đoàn phương Tây năm ngoái quyết định chấm dứt kinh doanh tại Nga. Ngoài ra, khoảng 30 cơ sở sản xuất do người nước ngoài làm chủ ở Nga cũng bị đóng cửa. Lượng người di cư khỏi nước này tăng từ mức 35.000 người mỗi năm trong giai đoạn 2008 - 2010 lên mức trên 400.000 người vào năm 2015, theo ước tính sơ bộ.
Tất cả những dấu hiệu kể trên đều cho thấy đà lao dốc của nền kinh tế Nga khó có thể dừng lại chỉ trong một sớm một chiều, Inozemtsev bình luận. Theo ông, nếu trong năm nay Moscow vẫn không thay đổi, tiếp tục thể hiện như năm ngoái thì nước Nga có nguy cơ sẽ phải đối diện với một cuộc suy thoái kéo dài, giống với những gì xảy ra tại Venezuela hồi giữa những năm 2000.
Vũ Hoàng
No comments:
Post a Comment