Điều này cho thấy kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa sự lạm quyền là một trong những nội dung sẽ được bàn bạc thảo luận kỹ tại Đại hội XII sắp tới.
Có nhiều con đường để kiểm soát quyền lực. Nhìn từ cách tổ chức bộ máy nhà nước thì việc phân công thực thi quyền lực nhà nước sao cho rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được thừa nhận là con đường kiểm soát quyền lực cần phải có ở bất kỳ nhà nước pháp quyền nào. Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội cũng viết: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”.
Đây là một bước tiến lớn trong nhận thức về quyền lực, khả năng lạm quyền và làm sao để ngăn chặn. Tuy nhiên đó là nhìn từ bên trong bộ máy nhà nước trong khi con đường kiểm soát quyền lực nhìn từ bên ngoài bộ máy lúc nào cũng là sức ép buộc người nắm quyền lực phải e dè chuyện lạm quyền. Nói cách khác, không ai giám sát bộ máy để giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn sự giám sát của chính người dân.
Nhưng để người dân giám sát được bộ máy thì các tổ chức đại diện cho quyền lợi của người dân phải tách bạch hẳn khỏi bộ máy hành chính. Chứ như khi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Cần Thơ từ chối tiếp nhận một khiếu nại của người tiêu dùng thì từ đó người ta mới biết chủ tịch của hội này đồng thời là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường! Nhìn ở góc độ này thì việc hình thành các tổ chức của công nhân không nằm trong Tổng liên đoàn Lao động theo cam kết TPP là điều tốt vì tạo thêm công cụ để người dân bảo vệ lợi ích của họ nhưng đồng thời ngăn chặn sự lạm quyền của bất kỳ ai muốn “bảo kê” cho doanh nghiệp đi ngược lại lợi ích của công nhân.
Nói cách khác, làm sao để người nắm quyền lực phải có trách nhiệm giải trình trước người dân và người dân có tiếng nói quyết định trong việc có tiếp tục giao quyền lực hay lấy lại để trao cho người khác là then chốt nếu thật sự muốn kiểm soát quyền lực. Thật ra người đứng đầu bộ máy có tâm huyết lúc nào cũng mong muốn bộ máy mình trong sạch, vững vàng. Và không ai thay họ làm tốt chuyện thanh lọc các phần tử xấu của bộ máy đó hơn là người dân với đầy đủ các quyền mà Hiến pháp đã trao cho họ và các công cụ sẵn có như báo chí và các tổ chức xã hội.
Nếu như năm 2015 khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển đã bước đầu thúc đẩy những cải cách mạnh dạn để bộ máy nhà nước thật sự phục vụ cho phát triển kinh tế thì năm 2016 hy vọng “kiểm soát quyền lực” bằng sức ép của người dân thông qua công luận sẽ là lực đẩy để xóa tan các “bắt tay liên kết” giữa quyền lực và lợi ích để tham nhũng của công và bòn rút của người dân.TBKTSG
No comments:
Post a Comment