Friday, January 8, 2016

Kê khai tài sản, thu nhập vẫn đang là một biện pháp hình thức

Báo Vietnamplus, ngày 08/01/2016,          http://www.vietnamplus.vn/ke-khai-tai-san-thu-nhap-van-dang-la-mot-bien-phap-hinh-thuc/365286.vnp,         Ngày 8/1, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, ông Phí Ngọc Tuyển đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những kết quả công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; những khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập và phương hướng để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. 

- Một trong những giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng là kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ông có thể đánh giá về công tác này trong thời gian qua? 
Ông Phí Ngọc Tuyển: Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Một trong các khâu của biện pháp đó là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. 

Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong những năm qua đã dần đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, nhất là từ khi có Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. 

Hiện có khoảng 5 triệu bản kê khai đang được quản lý tại các cơ quan, đơn vị, trong đó 2,2 triệu bản đã được công khai. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ được xác minh. Số liệu đó dường như cho thấy chúng ta đang thực hiện một biện pháp rất hình thức.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận kê khai tài sản, thu nhập là một khâu trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập. Khâu này mới thực hiện từ năm 2007 đến nay, trong thời gian đó có nhiều thay đổi, bổ sung, điều chỉnh về các quy định của pháp luật liên quan, khiến việc triển khai thực hiện gặp nhiều hạn chế, vướng mắc. 

Trước mắt, tỷ lệ xác minh, xử lý vi phạm về kê khai không đúng tài sản, thu nhập còn thấp nhưng sẽ được tăng lên trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường việc tổ chức thực hiện việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập. 

Việc kiểm kê tài sản thu nhập ở nước ta trong thời gian qua cũng đã tạo được nhận thức chung về minh bạch tài sản thu nhập, tạo lập cơ sở dữ liệu ban đầu về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, giúp cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong những năm tiếp theo. 

Vấn đề còn lại là xác định tính chính xác, trung thực của bản kê khai tài sản thông qua các biện pháp xác minh, yêu cầu giải trình về tài sản tăng thêm. Trong thời gian tới khi sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng năm 2015, chế định kiểm soát tài sản, thu nhập được hoàn thiện sẽ phát huy hơn hiệu quả, giúp ngăn ngừa, phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng. 

- Những tồn tại, vướng mắc trong việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập sẽ có phương hướng hoàn thiện ra sao thưa ông? 
Ông Phí Ngọc Tuyển: Hiện nay, chúng ta có 2 chế định là kê khai tài sản, thu nhập và công khai tài sản, thu nhập trong cơ quan, đơn vị để xác minh. 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người có nghĩa vụ kê khai là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ hoặc vị trí công tác có nguy cơ tham nhũng cao; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của bản thân, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên để cơ quan, tổ chức quản lý người đó biết. 

Thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình đang công tác. 

Hiện nay việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được giao cho cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, số lượng phát hiện kê khai không đúng còn ít cho thấy hiệu quả của việc xác minh chưa cao. 

Nguyên nhân của thực trạng này cũng một phần do người có trách nhiệm xác minh ở các cơ quan, đơn vị chưa có nghiệp vụ xác minh. Do đó, giải pháp quan trọng là phải tăng cường tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiệu quả trong việc xác minh tính chính xác của bản kê khai tài sản, thu nhập. 

Hiện nay, chế định về công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức ở nơi cư trú đang nghiên cứu, xây dựng. Biện pháp này nhằm tạo ra áp lực cho cán bộ, công chức kê khai tài sản trung thực, chính xác, vì sẽ có nhiều "con mắt" hơn xác minh tính minh bạch của bản kê khai. 

- Được biết Đề án cơ sở dữ liệu minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đang được Cục Chống tham nhũng triển khai xây dựng, hoàn thiện. Ông có thể đánh giá tác động của Đề án khi hoàn thành và đưa vào thực thi? 

Ông Phí Ngọc Tuyển: Hiện Thanh tra Chính phủ giao Cục Chống tham nhũng xây dựng, hoàn thiện Đề án Cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. 

Đây là đề án nhằm triển khai Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lạnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Đề án sẽ hướng tới tổ chức quản lý, tập trung thông tin kê khai tài sản, thu nhập một cách đồng bộ, hiệu quả và sẽ kê khai hàng năm. 

Việc lưu trữ, xử lý, khai thác thông tin về tài sản, thu nhập với sự hỗ trợ của công nghệ tin học, kết nối với các cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập khác như đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch, thuế thu nhập, thông tin từ nơi cư trú... nhằm tăng cường tính trung thực, minh bạch của việc kê khai tài sản, thu nhập. 

Đề án này hoàn thành và đi vào triển khai sẽ giúp việc kê khai tài sản, thu nhập chính xác hơn, việc xác minh chủ động hơn và tạo điều kiện tốt cho việc công khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức được thuận lợi hơn./. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Xuân Tùng

No comments:

Post a Comment