Thursday, January 21, 2016

Giải tỏa găm giữ ngoại tệ?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 20/01/2016,       http://www.thesaigontimes.vn/141056/Giai-toa-gam-giu-ngoai-te.html,            Khi đề cập đến một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là tỷ giá, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định năm 2015 có một hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trong điều hành tiền tệ trước đây. Cán cân vãng lai thặng dư, thâm hụt thương mại thấp hơn dự báo, cán cân vốn thì Việt Nam đương nhiên lâu nay lúc nào cũng thặng dư vì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhiều. Trớ trêu thay cán cân thanh toán tổng thể lại thâm hụt, điều này chính xác vì nó thể hiện trên sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng trên cán cân thanh toán quốc tế, mục lỗi và sai sót biến động, nó lớn hơn so với các năm trước.

Khách nước ngoài đổi tiền tại một quầy ngoại tệ. Ảnh minh họa: Uyên Viễn
“Sự phình ra của mục lỗi và sai sót chứng tỏ có sự găm giữ đô la. Có phần nào đó nhập vàng, có phần nào đó chi tiêu đặc biệt, nhưng chủ yếu găm giữ đô la. Găm giữ trên tài khoản trong nước và có thể cả ở nước ngoài, song phần lớn trong nước”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, muốn giải tỏa găm giữ ngoại tệ, cần biết nguyên nhân tạo nên động thái ấy. Thứ nhất các ngân hàng thương mại đã và đang tiếp tục mở rộng kinh doanh ngoại hối, đặc biệt các ngân hàng lớn. Thứ hai, cơ chế tỷ giá hối đoái cũng làm doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ. Họ biến một nhu cầu thật thành nhiều nhu cầu giả. Anh nhập khẩu một lô hàng, sáu tháng sau mới phải trả tiền, nhưng giờ anh đã nhấp nhổm đi mua ngoại tệ. Mua ngoại tệ xong, một tháng sau nghe thông tin, anh lại bán, rồi tháng sau nghe thông tin lại mua. Cứ thế chỉ có một hợp đồng mua ngoại tệ, anh biến thành 3-4 hợp đồng, mà 3-4 hợp đồng ở đây là mua bán thật, không phải ảo, nên cuối cùng chuyện này rất có lợi cho doanh nghiệp găm ngoại tệ, ngân hàng có ý định đầu cơ, buôn bán ngoại tệ. Ngân hàng lợi dụng những doanh nghiệp dạng trên, doanh nghiệp thì bị ảnh hưởng bởi cơ chế tỷ giá. Găm giữ trở thành hệ thống, thì nhà điều hành đỡ sao nổi?
Nhìn ra những kẽ hở trên, tới đây Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng những biện pháp ngăn chặn đầu cơ mang cả tính hành chính và kinh tế. Từ nay trở đi báo cáo về trạng thái ngoại hối hàng ngày của các tổ chức tín dụng phải do tổng giám đốc các ngân hàng ký, không được ủy quyền cho các trưởng phòng ký. Nếu ngân hàng nào vi phạm quy định về trạng thái ngoại hối, sẽ xem xét trách nhiệm tổng giám đốc. Nếu trạng thái ngoại hối của một ngân hàng, thí dụ, tăng 3-5 ngày liền là phạt. Phần vượt trạng thái ngoại hối sẽ quy ra tiền Việt và nộp dự trữ bắt buộc hết.
“Giả sử ngân hàng A găm giữ ngoại tệ, làm trạng thái ngoại hối dương, một vài giao dịch có thể không tính, nhưng trạng thái ngoại hối tăng liên tục ba ngày làm việc thì sẽ bị quy là cố tình găm giữ ngoại tệ đầu cơ, anh sẽ bị lấy toàn bộ phần tăng thêm của trạng thái ngoại hối, quy ra tiền đồng và bắt nộp dự trữ bắt buộc. Toàn bộ lợi nhuận của anh định đầu cơ là mất hết”, ông Nghĩa dẫn chứng cụ thể.
Những biện pháp trên không mới, ngân hàng trung ương một số nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore, đã từng áp dụng và thành công. Hiện nay dự trữ bắt buộc không còn áp dụng một mức đồng loạt cho các ngân hàng, mà các nhóm ngân hàng có mức áp dụng khác nhau và lãi suất được trả cho số vốn dự trữ bắt buộc cũng khác nhau. Nói chung là lãi suất trả cho các ngân hàng trên số dư dự trữ bắt buộc không đáng kể.
Tuy nhiên cơ chế là các ngân hàng đều phải bình đẳng về dự trữ bắt buộc. Một đồng tiền gửi của dân phải có quyền bình đẳng như nhau về dự trữ bắt buộc. Đấy là tiền gửi của dân, không phải của ngân hàng. Những ngân hàng quá khó khăn có thể cho tạm ngưng dự trữ bắt buộc một thời gian nhất định, chứ không nên có nhiều tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Những ngân hàng được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp có thể tăng lãi suất tiết kiệm để cạnh tranh trong thu hút vốn huy động, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường lãi suất.
Từ thứ hai đầu tuần này, một số ngân hàng đã nghe được một cách không chính thức thông tin liên quan đến khả năng áp dụng các biện pháp ông Nghĩa đề cập. Nhân viên kinh doanh ngoại hối một ngân hàng ở TPHCM cho biết một vài ngân hàng đã bán ra ngoại tệ để cân bằng trạng thái ngoại hối, khiến tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm bất chấp đồng đô la Mỹ đang mạnh lên trên thị trường tài chính quốc tế và lên giá so với các ngoại tệ khác, kể cả với đồng tiền của các thị trường mới nổi châu Á.
Như một phản ứng tức thời, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã xanh trở lại khi tỷ giá dịu và không còn căng thẳng. Chứng khoán được dự báo sẽ phục hồi trong thời gian từ nay đến kỳ nghỉ Tết Âm lịch trong bối cảnh cung tiền đồng vẫn được đảm bảo và tỷ giá sẽ không “nhấp nhổm” nhiều.

Hải lý

No comments:

Post a Comment