Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong năm qua toàn thành phố thu hút được 595 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,6% so với năm 2014; và 192 doanh nghiệp FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm lên đến gần 1,47 tỉ đô la Mỹ, tăng 283% so với năm trước đó.
Tính chung cả dự án cấp mới và tăng thêm, trong năm 2015 qua TPHCM thu hút được 4,511 tỉ đô la Mỹ vốn FDI đăng ký, tăng 38,28% so với năm 2014.
Như vậy so với con số 3,32 tỉ đô la Mỹ vốn FDI cam kết vào TPHCM do Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trước đó thì khoản chênh lệch lên đến gần 1,2 tỉ đô la Mỹ.
Sở dĩ có sự chênh lệch này vì FIA chỉ cập nhật báo cáo đến ngày 20-12 của năm 2015 trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thì cập nhật đến ngày cuối cùng của năm 2015, mà những ngày cuối cùng của năm qua thành phố này có hàng loạt dự án đầu tư FDI mới với quy mô lớn được cấp phép; chẳng hạn như vào ngày 29-12-2015 Tập đoàn Samsung đã nhận giấy phép điều chỉnh, rót thêm 600 triệu đô la Mỹ vào dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng tại khu công nghệ cao TPHCM. Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của các nhà cung cấp Samsung có vốn lên đến cả trăm triệu đô la Mỹ cũng được cấp phép trong những ngày cuối cùng của năm 2015.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài trước đó cho thấy tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam, đạt 3,46 tỉ đô la Mỹ, chiếm 16% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM chỉ đứng thứ 2 (chiếm 14,6%). Tuy nhiên, với kết quả cập nhật trên, TPHCM trở thành địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI, vượt tỉnh Bắc Ninh lên đến hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Những ngày cuối cùng của năm qua tỉnh Bắc Ninh không có những dự án FDI quy mô lớn nào được cấp phép.
Một điểm đáng chú ý trong kết quả thu hút nguồn vốn FDI của TPHCM là phần lớn vốn cam kết vào địa phương này là đầu tư vào bất động sản. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, hơn 49,2% tổng vốn FDI mới cam kết đầu tư trong năm qua là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và chỉ có gần 27% nguồn vốn này là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo.
Trong khi đó, tình hình chung trên cả nước thì ngược lại khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 67% tổng vốn đầu tư cam kết và lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư.
Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM có khoảng 5.790 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 38,95 tỉ đô la Mỹ. Trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm vốn đầu tư nhiều nhất, đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ (khoảng 36%).
|
Thursday, January 14, 2016
FDI vào TPHCM cao gấp rưỡi công bố của Cục Đầu tư
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 1/01/2016, http://www.thesaigontimes.vn/141080/FDI-vao-TPHCM-cao-gap-ruoi-cong-bo-cua-Cuc-Dau-tu.html, Số liệu cập nhật mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào TPHCM trong năm 2015 đạt hơn 4,5 tỉ đô la Mỹ, tức là gần gấp rưỡi mức 3,32 tỉ đô la Mỹ mà báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra trước đó.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment