Thursday, January 14, 2016

Đề nghị cơ quan sử dụng ngân sách phải cung cấp thông tin

Báo VnExpress, ngày 14/01/2016,      http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-co-quan-su-dung-ngan-sach-phai-cung-cap-thong-tin-3342408.html,          Nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội đề nghị không chỉ cơ quan nhà nước mà các tổ chức có sử dụng ngân sách cũng phải cung cấp thông tin, kể cả thông tin thanh tra, kiểm toán.

Sáng 14/1, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật tiếp cận thông tin, một số ủy viên Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin, không chỉ cơ quan nhà nước mà bao gồm cả tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách. Vì rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành với đề nghị trên, bởi thực tế Việt Nam bên cạnh các cơ quan nhà nước thì nhiều tổ chức được giao thực hiện chính sách, dự án lớn của Nhà nước có các hoạt động liên quan đến quyền của công dân, như: dự án xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm hoặc tiếp nhận quản lý khoản viện trợ của nước ngoài.
"Những thông tin này rất cần công khai để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và lợi ích hợp pháp của nhà nước", ông Lý nói và cho rằng, việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin bao gồm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong luật này là phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trong khi đó, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường vẫn kiên trì quan điểm chỉ cơ quan nhà nước mới có trách nhiệm cung cấp thông tin và chỉ cung cấp thông tin do mình tạo ra.
Về quy định thông tin được cung cấp, theo Ủy ban Pháp luật hiện có hai luồng ý kiến. Loại thứ nhất đề nghị cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Như thế mới thực sự đảm bảo và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Nếu quy định chỉ cơ quan tạo ra thông tin mới có trách nhiệm cung cấp thì sẽ hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà, tốn kém cho người dân.
Loại ý kiến thứ hai tán thành với dự luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm tính chính xác và tính khả thi của luật. Riêng đối với UBND xã do là đơn vị cơ sở, gắn bó trực tiếp với người dân thì phải cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc do mình nắm giữ. "Dự thảo luật đang được thể hiện theo loại ý kiến này, nhưng Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến thứ nhất", ông Lý nói.
Sau khi lắng nghe báo cáo giải trình về Luật tiếp cận thông tin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần làm rõ thông tin gì công dân được tiếp cận và bị hạn chế. "Luật thông tin mà không nêu rõ thông tin gì được tiếp cận và bị hạn chế thì không có giá trị và không minh bạch", ông Hùng nói và yêu cầu đến tháng 3 (kỳ họp thứ 11 của Quốc hội) mà không làm rõ được quy định trên thì chưa thông qua luật này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự luật phải nói rõ loại nào là mật ví dụ như thư tín, thông tin tình báo và loại nào không phải là mật, bởi nhiều cơ quan không muốn cung cấp thông tin sẽ dùng dấu đóng mật là xong.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là dự luật "nhạy cảm" vì vậy cơ quan soạn thảo cần lưu ý để tránh việc không thực hiện được quyền của công dân về tiếp cận thông tin, hay nhưng đối tượng lợi dụng quyền này để gây ảnh hưởng cho người khác và cho xã hội. 
Phạm Hương

No comments:

Post a Comment