Thursday, January 14, 2016

Cổ phần hóa: khó thật hay lợi ích nhóm?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 1/01/2016,        http://www.thesaigontimes.vn/140794/Co-phan-hoa-kho-that-hay-loi-ich-nhom.html,          Mục tiêu lớn nhất của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Chính phủ đặt ra là nhằm thay đổi hình thức quản trị doanh nghiệp, phân loại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, nhằm minh bạch hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhưng việc thực hiện cổ phần hóa tại nhiều bộ, ngành lại không quyết liệt như chỉ đạo của Chính phủ.

Một cuộc IPO thành công năm 2014: Vietnam Airlines đã bán hết số cổ phần chào bán và đang tìm nhà đầu tư chiến lược - Ảnh:TL
Nhiều lý do để trì hoãn
Cuối tuần trước, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020. Đây là bộ đang quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty, DNNN lớn, hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh độc quyền, hoặc sinh lợi rất lớn. Năm vừa qua, Bộ Công Thương nằm trong số các đơn vị bị Chính phủ phê bình vì tiến độ cổ phần hóa quá chậm. Cả năm 2015, bộ chỉ cổ phần hóa được 2/12 doanh nghiệp và đều là các công ty nhỏ. Kế hoạch IPO Tổng công ty Giấy Việt Nam hay Tổng công ty Thuốc lá, tập đoàn Hóa chất... đang diễn ra hết sức chậm chạp. Vì sao?
Đây là lý do mà tập đoàn Hóa chất đưa ra trong văn bản báo cáo bộ về khó khăn: “Tập đoàn chịu sức ép phải đảm bảo tiến độ cổ phần hóa. Do vậy nếu thực hiện theo tiến độ thì tập đoàn phải chịu lỗ, có thể bị các nhà đầu tư “dìm giá” cổ phiếu”.
Hoặc như Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội, doanh nghiệp đã cổ phần hóa rồi nhưng nay vẫn xin Nhà nước cho giữ lại khoản đầu tư tương đương 40% vốn điều lệ (trị giá hơn 27 tỉ đồng) tại Công ty Đầu tư và Thương mại Harec với lý do công ty đang làm ăn hiệu quả. Nói khác đi là công ty không muốn thoái vốn và xin ý kiến chủ sở hữu vốn nhà nước, cho dù đã là công ty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì phàn nàn rằng, cổ phần hóa như trường hợp của Công ty cổ phần Thủy điện Hàm Thuận Đa Nhim thuộc EVN là doanh nghiệp tốt nhưng chỉ bán được 0,07% số cổ phần. Việc phát hành cổ phiếu không thành công khiến lãnh đạo doanh nghiệp và thậm chí lãnh đạo EVN chán nản. Lãnh đạo EVN còn đề nghị để EVN mua lại và đánh giá lại giá trị tài sản doanh nghiệp của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim.
Nhiều doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương cũng e ngại rằng, việc Nhà nước chỉ bán ra dưới 50% số cổ phần sẽ không giúp cho các đợt IPO, cổ phần hóa thành công vì bản chất việc cổ phần hóa không làm thay đổi nhiều về phương diện quản lý điều hành doanh nghiệp.
Tóm lại, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đều đưa ra nhiều lý do khác nhau để trì hoãn cổ phần hóa.
Khó thật hay lợi ích nhóm?
Còn nhớ hôm 12-11, tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp với các bộ, ngành, khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng giải thích nguyên nhân đến tháng 11-2015, bộ mới cổ phần hóa được 2/12 doanh nghiệp là vì quá trình thực hiện gặp khó khăn về xử lý tài chính, công nợ của doanh nghiệp...
Ý kiến của ông Hưng và lãnh đạo một số bộ có chung tình trạng chậm trễ đã vấp phải sự phản đối của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ông Ninh cho rằng không có gì vướng mà cơ bản là các bộ không tích cực. Những lý do mà Bộ Công Thương nêu ra thì Chính phủ đã xử lý rất nhiều, rất sớm và đã có hướng dẫn. Phó thủ tướng còn nhấn mạnh: “Ai không tích cực, đứng qua một bên”.
Những gì mà Bộ Công Thương nêu trên thực tế đã được giải quyết. Ví dụ: lúc trước, Nghị định 59/CP quy định phải đối chiếu công nợ toàn bộ mới được xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Nhưng cách đây hơn hai tháng, Nghị định 189/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã cho phép trường hợp đối chiếu, xác định toàn bộ công nợ lâu năm của DNNN mà không khả thi thì có thể đối chiếu 80% tổng giá trị công nợ là xác định giá trị. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm cách đối chiếu.
Quy định đã có, vậy mà Bộ Công Thương vẫn đề xuất cơ chế đặc thù về xử lý công nợ không khác gì đứng “bên lề” dòng chảy cổ phần hóa. Trong khi bộ khác, như Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị và được áp dụng cơ chế đối chiếu công nợ này từ lâu.
Không loại trừ có những nhóm lợi ích làm chậm quá trình cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương - nơi nắm giữ các doanh nghiệp hiện đang độc quyền nhà nước, kinh doanh nhiều ngành mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối...
Chính phủ dự kiến sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa hay tái cơ cấu mà không có lý do hoặc lý do không được Thủ tướng chấp thuận bằng cách không tái bổ nhiệm, không quy hoạch lên những chức vụ cao hơn. Có lẽ cũng đến lúc biện pháp đó cần được áp dụng với những ví dụ rõ ràng.

Ngọc Lan

No comments:

Post a Comment