Ngày 13/1, phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế Gaidar thường niên lần thứ 7 với chủ đề "Nga và thế giới: Hướng tới tương lai" với sự tham gia của khoảng 5.000 đại biểu từ Nga, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác, Thủ tướng Medvedev đã có những đánh giá và nhìn nhận một cách thẳng thắn tình hình kinh tế Nga thời gian qua.
Thủ tướng Medvedev cho rằng biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã làm xói mòn uy tín của các định chế quốc tế, kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và các điều kiện kinh tế hiện bị chính sách và chiến lược địa - chính trị thao túng, cụ thể là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sửa các điều kiện cho Ukraine vay.
Nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận những thách thức đối với kinh tế Nga là nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua song nền kinh tế vẫn có thể kiểm soát được.
Theo Thủ tướng Medvedev, Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài ở mức độ nào đó, trong đó phần nào nhờ kế hoạch chống khủng hoảng. Ông cảnh báo nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nga cần điều chỉnh ngân sách và chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tình trạng giảm mức sống của người dân là hậu quả "đau đớn" nhất từ khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, ông Medvedev cho biết kinh tế Nga đã cho thấy sự vững chắc trong cơ chế thị trường, ngay cả khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Thủ tướng Medvedev thừa nhận kinh tế Nga khó khăn. |
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng trong năm 2016 này, kinh tế Nga sẽ được củng cố nhờ nợ nước ngoài ở mức thấp, dự trữ ngoại hối lớn, và ngành ngân hàng Nga vẫn hoạt động ổn định.
Trước đó hôm 11/1, trong bài phỏng vấn với tờ báo nổi tiếng của Đức “Bild”, Tổng thống Putin cũng lạc quan cho rằng kinh tế Nga đang ổn định và sẽ dần đi lên.
Người đứng đầu điện Kremlin nhắc rằng hiện nay ở Nga ghi nhận GDP giảm 3,8%, sản xuất công nghiệp - 3,3%, tỷ lệ lạm phát tăng đến 12,7%.
"Đó là rất nhiều, nhưng cán cân thương mại nước ngoài thặng dư trong khi đó vẫn được duy trì, lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng tôi tăng đáng kể khối lượng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng. Đây chắc chắn là quá trình phát triển hoàn toàn tích cực bên trong nền kinh tế",- tổng thống Nga nói.
Ông cũng nhắc về các khoản dự trữ vàng và ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương. "Ngân hàng Trung ương đang có khoảng 340 tỷ dự trữ ngoại hối",- ông Putin cho biết.
Có thể thấy rằng phát biểu giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev về tình hình kinh tế Nga hiện nay có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong khi ông chủ điện Kremlin tỏ ra lạc quan về tương lai tươi sáng của nền kinh tế nước này thì nhà lãnh đạo Medvedev cũng không hề phủ nhận điều này mà nói thêm những lý do khiến Moskva không thể phát triển mạnh mẽ như trước.
Cặp đôi hoàn hảo Medvedev- Putin của chính trường Nga?
Đây không phải là lần đầu tiên người ta nhắc đến sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa hai nhà lãnh đạo Nga.
Nhìn lại sự việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11 vừa qua, ta có thể thấy rõ điều này.
Ngay sau khi biết tin trên, Tổng thống Putin đã gay gắt lên tiếng yêu cầu giới chức Ankara giải thích rõ ngọn ngành đồng thời khẳng định việc bắn hạ máy bay Nga là hành động “đâm sau lưng” của những kẻ đồng lõa với khủng bố và việc này sẽ "gây hậu quả nghiêm trọng" đến quan hệ Nga -Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin và thủ tướng Medvedev đang trở thành bộ đôi hoàn hảo trên chính trường Nga khi thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề. |
Một ngày sau sự việc trên, khi dư luận thế giới còn đang hoang mang chưa biết ngả về phía nào thì Thủ tướng Medvedev đã tiếp lời ông chủ điện Kremlin vạch thêm bằng chứng tố cáo Ankara.
“Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này đang bảo bệ cho nhóm khủng bố Nhà nước hồi giáo tự xưng IS”, ông Medvedev nói. “Điều này không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi biết rằng nhiều quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay với IS trong thương vụ mua bán dầu lậu”.
Đồng thời ông cũng nói thêm: “Những hành động liều lĩnh và thiếu thận trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga và NATO”.
Trong suốt những động thái sau này, khi chính quyền Ankara xảo trá đưa ra nhiều tuyên bố và hành động trái ngược lẫn nhau về việc bắn hạ Su-24, cặp đôi hoàn hảo của chính trường Nga tiếp tục thay nhau lên tiếng để vạch mặt thủ đoạn của nước này.
Nhìn lại sự việc Moskva bị Mỹ và EU tiến hành cấm vận kinh tế sau khi điện Kremlin quyết định sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước này, chúng ta có thêm căn cứ để khẳng định điều này.
Với những cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine, ngày 22/6/2015, lãnh đạo EU đã ra quyết định kéo dài lệnh trừng phạt chống lại Nga thêm 6 tháng nữa (đến 31/01/2016).
Ngay sau đó, Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đã cùng nhau phản đòn bằng sắc lệnh gia hạn lệnh phản trừng phạt thêm 1 năm (tức đến 05/8/2016), và mở rộng danh mục sản phẩm cấm nhập khẩu đối với phương Tây.
Tổng thống Putin nhiều lần nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là phản tác dụng và làm tổn thương không chỉ quốc gia mục tiêu (nước Nga) mà ngay cả những nước áp dụng các đòn trừng phạt chống Nga.
Trả lời phỏng vấn trên kênh phát thanh truyền hình RTV Slovenija trước chuyến thăm Slovenia trong hai ngày 26 và 27/7 tới, Thủ tướng Medvedev khẳng định: “Điều này chẳng có gì là gây đau đớn cho người châu Âu cả. Những lý do nằm sau đó là vô cùng thực tế”.
"Như các bạn đã biết, hiện chúng tôi rất tích cực trong việc thúc đẩy thay thế nhập khẩu trong ngành công nghiệp thực phẩm và phát triển sản xuất lương thực trong nước.
Nga là một đất nước rộng lớn, và có một ngành nông nghiệp rất lớn, vì vậy chúng tôi chắc chắn có thể đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm đáp ứng nhu cầu của mình. Ngành nông nghiệp hoạt động theo chu kỳ năm một, cho phép các nhà sản xuất có thể lập kế hoạch trong một thời gian dài. Đây là lý do duy nhất đằng sau quyết định này”, Thủ tướng Medvedev nói.
Thực tế dù đang phải chịu nhiều áp lực, khó khăn khi bị Mỹ và EU bao vây, phong tỏa về kinh tế, tình hình bạo loạn tại Ukraine hay nhũng căng thẳng mới đây với Thổ Nhĩ Kỳ tuy nhiên chúng ta vẫn thấy Moskva bình tĩnh đón nhận và đưa ra những giải pháp linh hoạt.
Vai trò của các nhà lãnh đạo tại Nga đã được phát huy triệt để và đậm nét trong mọi hoàn cảnh. Sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữ Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đang là vũ khí lợi hại giúp điện Kremlin vượt qua khó khăn và phản đòn ngược lại các thế lực chống đối.
Hòa Bình
No comments:
Post a Comment