Sunday, January 24, 2016

Đánh giá công chức: Nên thay “kiểm điểm” bằng “sát hạch”

Ông Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ. Chi hội trưởng Chi hội quản lý hành chính, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM HASCON, xin giới thiệu bài viết được đăng tải. 

Báo Tuổi trẻ, ngày 21/01/2016,           http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/ban-doc-va-ttct/20160121/danh-gia-cong-chuc-nen-thay-kiem-diem-bang-sat-hach/1041457.html

Tỉnh Đồng Tháp tổ chức sát hạch 1.200 công chức cấp xã. Tính chung toàn tỉnh có khoảng 20% công chức cấp xã không đạt yêu cầu (Tuổi Trẻ ngày 4-1-2016). Thế là cứ 5 công chức cấp xã thì có 1 người ngồi lĩnh lương mà chẳng làm được việc gì.


Bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 5-1-2016
Bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 5-1-2016
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên thí điểm tổ chức sát hạch công chức trên quy mô toàn tỉnh nhưng chỉ mới ở cấp xã, chưa phải cả bốn cấp hành chính. Nếu tiến hành ở cả bốn cấp một cách nghiêm túc, tình hình chắc không khả quan gì hơn. Nếu thực hiện trên bình diện cả nước, tình hình có khá gì hơn vẫn là dấu hỏi.
Lấy sát hạch 
làm cốt lõi
Công chức tham gia bộ máy công quyền lâu nay theo hai con đường: thi tuyển và xét tuyển. Công chức trong bộ máy công quyền được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Qua một thời gian thực thi công vụ, công chức phần lớn tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ... Chế độ tiền lương, thưởng phạt, đề bạt, bổ nhiệm... hiện hành tỏ ra khó cải thiện não trạng trên.
Không phải chỉ ở nước ta, nhiều nước tiên tiến cũng từng xuất hiện não trạng này và họ đã đưa thêm vào luật công chức công vụ chế định sát hạch công chức. Cũng cần nhấn mạnh rằng chế định sát hạch khác xa công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng.
Sát hạch là công tác cơ bản của việc quản lý công chức, đóng vai trò quan trọng, làm cơ chế động viên để việc quản lý nhân sự ngày một vững chắc, đưa ra những căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức có tài ra làm việc, nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước.
Nhiều nước và vùng lãnh thổ có nền công vụ tiên tiến, tiêu biểu như Hong Kong, đã xây dựng một cơ chế tương đối hoàn thiện về việc sát hạch công chức, trong đó không ít biện pháp đã được thi hành hữu hiệu.
Công tác sát hạch là một khâu quan trọng, có tính nền tảng trong toàn bộ công tác quản lý công chức, có thể được coi là cốt lõi của toàn bộ công tác quản lý công chức. Sát hạch công chức là chỉ công việc mà các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc không theo định kỳ về hiệu quả thành tích làm việc và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác... của các công chức trực thuộc, để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc và điều chỉnh hợp lý, công bằng đối với công chức.
Sát hạch giúp bộ máy 
mạnh lên
Việc sát hạch sẽ phát huy được tác dụng trên nhiều mặt trong công tác quản lý công chức. Thứ nhất, mục đích của việc sát hạch là để đưa ra được một tiêu chuẩn bình quân khách quan cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm, thưởng phạt, đề bạt... công chức.
Phải thông qua sát hạch mới có thể có được sự đánh giá chính xác và tìm hiểu toàn diện về tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và thành tích thực tế trong công tác của các công chức. Như vậy mới có thể sử dụng người theo tài năng, trả lương bổng hợp lý, đề bạt những công chức xuất sắc trong công tác vào các cương vị quan trọng hơn, loại ra khỏi bộ máy công chức tỏ ra kém cỏi.
Thứ hai, sát hạch là biện pháp hữu hiệu để khích lệ các công chức hăng hái phấn đấu vươn lên. Tiến hành sát hạch công chức nghĩa là đánh giá việc thi hành chức trách trên cương vị công tác của họ.
Nó mang tính khách quan rõ rệt, giúp chống lại tính tùy tiện chủ quan khi nhận xét, đánh giá công chức, khắc phục tệ nạn ô dù thân quen, “sống lâu lên lão làng”, “bình quân chủ nghĩa”. Thứ ba, sát hạch là con đường quan trọng để phát hiện và tuyển chọn những người tài giỏi. Do quán triệt nguyên tắc chú trọng thành tích thực tế, cạnh tranh bình đẳng nên có thể phân biệt được chất lượng tốt - xấu của đội ngũ công chức.
Thứ tư, sát hạch là đòn bẩy nâng cao hiệu suất công tác trong các cơ quan nhà nước. Thông qua việc sát hạch công chức, một mặt sẽ giúp thủ trưởng hành chính qua sự sát hạch của cấp trên và những lời nhận xét dân chủ của cấp dưới mà tiếp nhận tốt hơn nữa sự giám sát trong công tác, kịp thời tìm biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu suất hành chính.
Ở nước ta đã có Luật cán bộ, công chức và các văn bản điều chỉnh hành vi công chức từ nghị định của Chính phủ đến những thông tư. Tuy nhiên, các văn bản này chưa đề cập đến chế định sát hạch công chức. Ở mỗi cơ quan hằng năm cũng có kiểm điểm đánh giá vào dịp cuối năm nhưng vẫn sơ sài, thiếu khoa học và có tính chất chiếu lệ theo tư duy quản lý lỗi thời.
Cần thay thế chế độ “biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ quá nhiều trì trệ, bất cập hiện nay. ■
Diệp Văn Sơn

No comments:

Post a Comment