Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ,
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính,
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON
Cáo trạng xác định theo quy định của Agribank Việt Nam thì các chi nhánh của NH này không được cho vay quá 80 tỉ đồng nhưng Agribank CN 6 đã duyệt cho công ty của sân sau vay 700 tỉ đồng. Hay trong vụ Agribank CN Nam Hà Nội phê duyệt cho Lifepro vay hơn 2.000 tỉ đồng để nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, các bị cáo lập khống hồ sơ vay vốn rồi chiếm đoạt tiền vay. Các cáo trạng cũng xác định NH không thẩm định vẫn cho vay hàng trăm triệu USD, cố tình tìm mọi cách để cho công ty thân hữu, công ty sân sau này vay được tiền của NH. Các quan chức NH hơn ai hết hiểu luật đời có vay có trả. Họ đã và sẽ nhận những bản án thích đáng.
Trong khi đó, Nghị định 55 (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành có đến 7 lĩnh vực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nông nghiệp được vay vốn ưu đãi. Như vậy, nông dân sẽ được vay vốn lãi suất thấp. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều chính sách ưu đãi vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng nông dân than phiền họ không thể chạm đến được. Đa số nông dân vẫn phải vay lãi suất cao từ tín dụng đen hay các NH thương mại. Hơn nữa, để được vay gói hỗ trợ lãi suất 7% thì hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp phải lập công ty. Lúc đó, NH “nắm đường cán”. Theo yêu cầu của NH, nông dân đem thế chấp tài sản là trang trại, đất, nhà cửa, ô tô... để định giá, sau đó NH chấp nhận cho giải ngân gói tín dụng ngắn hạn 7%/năm để mua nguyên liệu sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Hằng tháng, người vay có trách nhiệm gửi tất cả hóa đơn chứng từ đầu vào cho NH, căn cứ vào đó, NH mới rót tiền trực tiếp cho các công ty hay nhà cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi... Cách giải ngân “không trao tiền trực tiếp cho người vay” là giải pháp khôn ngoan của NH nhưng đối với nông dân thì quá rườm rà, phiền phức. Nói đúng hơn là nông dân bị NH làm khó.
Cũng như vậy, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đã triển khai nhiều năm qua nhưng hầu như chưa phát huy hiệu quả với lượng giải ngân rất hạn chế. Thủ tục vay vốn từ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cùng các yêu cầu “khó nhằn” chẳng kém gói tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân cũng là người hiểu luật đời vay thì trả. Họ biết giữ chữ tín trong vay mượn nhưng lại là người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong vay mượn hiện nay. Có ý kiến cho rằng làm tín dụng nông thôn thật khó và đầy rủi ro nhưng thực ra khó hay dễ đều do cán bộ NH. Chủ trương đã có, điều kiện cũng rõ, vấn đề là những người thực thi chính sách “muốn” gì mà thôi
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment