CPI thấp kỷ lục
Về diễn biến CPI tháng 12, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 12 năm 2015 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng 12. Đây là mức tăng thấp nhất trong 9 năm gần đây.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tháng 12/2015, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá tăng; song mức tăng không đáng kể.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; nhóm may mặc mũ nón giầy dép tăng 0,32%; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,5%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%...
Ở chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức giảm 1,57%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%; nhóm văn hóa và du lịch giảm 0,05%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%.
Tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay, nguyên nhân chính khiến CPI năm nay thấp là chi phí đẩy giảm. Cụ thể, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, cùng với sự cạnh tranh với các nước đã khiến chỉ số giá nhóm lương thực năm 2015 giảm 1,24% so với cuối năm trước. Giá nhiên liệu trên thị trường thếgiới gần đây giảm mạnh, đặc biệt là giá dầu cũng khiến nhóm hàng "nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92%, so với năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu giảm gần 25% góp phần giảm CPI chung 0,9%.
Giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, bình quân năm nay giảm 18,6% so với năm trước, cùng với đó là việc điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.
Ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, bà Thủy cho rằng người dân hiện đã tính toán chi tiêu kỹ hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.
Nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt
Mặc dù CPI tương đối đối thấp so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 5%, nhưng điều thành công là kinh tế vẫn tăng trưởng tốt. Báo cáo 6 tháng năm 2015 cho thấy GDP nước ta đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua (6,58%).
Nhận định tại buổi họp báo, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê - Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân khiến lạm phát giảm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt là do mức giá trong nước mặt bằng thấp hơn giá thế giới, giá xăng dầu được điều chỉnh theo giá thế giới. Doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn đến tăng trưởng khi xuất khẩu khối này chiếm 70% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu không tạo áp lực lên giá cả trong nước.
Bà Ngọc khẳng định, yếu tố khiến lạm phát thấp nhưng tăng trưởng cao còn do chi phí đầu vào giảm do xăng giảm góp phần hạ giá thành sản phẩm, theo đó thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành giá cả của Chính phủ tốt, có chỉ đạo ổn định giá cả trên từng địa bàn, dịp giáp Tết có chương trình bình ổn giá cả. Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh lạm phát thấp là yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng bền vững.
CPI thấp nhưng sức mua vẫn tăng và CPI thấp lâu dài không ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế, việc quan trọng là trong điều hành kinh tế phải kiểm soát lạm phát để tăng trưởng bền vững thay vì kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: "Không phải cứ lạm phát cao là có tăng trưởng".
“Lạm phát thấp mà tăng trường cho thấy chất lượng tăng trưởng năm 2015 đã được khẳng định qua các yếu tố vĩ mô, không liên quan nhiều đến yếu tố giá. Yếu tố giá kích thích các nhà sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và sức mua của nền kinh tế. CPI thấp cho thấy thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, dành nhiều cho chi tiêu làm tăng tổng cầu, tăng trưởng kinh tế", người đứng đầu ngành Thống kê nói./.
Lê Vân
No comments:
Post a Comment