Wednesday, September 17, 2014

Vì sao Mỹ mời Trung Quốc tham gia liên minh chống IS?

Baodatviet.vn, Ngày 11/9/2014, http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-my-moi-trung-quoc-tham-gia-lien-minh-chong-is-3057395/,           Nước Mỹ vừa phát đi thông điệp mong muốn Trung Quốc tham gia cuộc chiến chống Hồi giáo IS. Mỹ toan tính điều gì khi đưa ra lời đề nghị này?


Lời mời của nước Mỹ
Hôm 9/9/2014, bà Susan Rice, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã kết thúc chuyến làm việc ba ngày ở Trung Quốc. Đây được cho là chuyến đi tiền trạm trước khi Tổng thống B.Obama lên đường thăm chính thức Trung Quốc.
Trong những ngày làm việc này, có rất nhiều công việc đã được hai bên trao đổi, đáng chú ý trong đó, Mỹ đã tặng Trung Quốc một lời mời mà khiến họ thực sự tiến thoái lưỡng nan.
Theo truyền thông nước ngoài đưa tin, bà Susan Rice cho biết Tổng thống B.Obama đang thành lập một liên minh các quốc gia chống lại nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) và mong muốn Trung Quốc trở thành một phần của liên minh này.
Cụ thể thì Trung Quốc làm nhiệm vụ gì, công việc ra sao, nước Mỹ chưa tuyên bố, và đổi lại, Bắc Kinh cũng chưa ra bất kỳ tuyên bố nào xung quanh những lời mời này. Có lẽ, Trung Quốc cũng đang phải toan tính thiệt hơn khi bước chân vào hàng ngũ của “những người bạn Mỹ”.
Bà Susan Rice và ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm hồi đầu tháng 9/2014
Bà Susan Rice và ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm hồi đầu tháng 9/2014
Lời mời của nước Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington đã thành lập được một liên minh để chống lại sự trỗi dậy của IS. Nhìn vào thành phần của liên minh này, dễ dàng nhận thấy những cái tên quen thuộc, là đồng minh truyền thống của nước Mỹ. Trung Đông có Israel, phương Tây có Đức, Pháp, Anh, Australia...
Khi đã tập hợp được lực lượng và mỗi thành viên đều có nhiệm vụ riêng phù hợp với mình, ngày 10/9/2014, truyền hình Mỹ đã đồng loạt đăng bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama về IS, trong đó có đoạn: "Nước Mỹ sẽ truy đuổi nhóm Nhà nước Hồi giáo này tới cùng trời cuối đất. Nước Mỹ sẽ lãnh đạo liên minh mới để đẩy lùi, làm suy yếu, và cuối cùng là tiêu diệt tận gốc IS."
Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan
Trước hết phải thấy rằng, như những gì Tổng thống Mỹ tuyên bố, chắc chắn vai trò lãnh đạo cái liên minh mới ấy là của Mỹ, và trong đội ngũ thành viên của tập hợp này, chẳng ai đủ dũng cảm và khả năng để đảm nhiệm chức trách ấy.
Mỹ đang nỗ lực đưa cuộc chiến với những người Hồi giáo cực đoan IS trở thành một cuộc chiến quy mô quốc tế, biến họ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới. Như vậy, có thể thấy ngay được rằng, khi nhận lời mời này, Trung Quốc sẽ trở đứng vào hàng ngũ những người bạn Mỹ, do Mỹ chỉ đạo, nhưng đồng nghĩa với việc tuyên bố là kẻ thù với IS.
Tổng thống Mỹ phát đi lời hứa sẽ đuổi cùng giết tận IS
Tổng thống Mỹ phát đi lời hứa sẽ đuổi cùng giết tận IS
Thực tế, Trung Quốc đang vướng mắc với những vấn đề mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo trong lãnh thổ của mình, đặc biệt là vấn đề Tân Cương. Hiện tại Bắc Kinh đã rất muốn phát động một cuộc chiến chống lại khu vực này, dập tắt toàn bộ khao khát ly khai của Tân Cương. Tuy nhiên, sẽ chẳng có một cộng đồng quốc tế nào để yên cho Bắc Kinh thực hiện hành động ấy, những cáo buộc độc tài, vi phạm nhân quyền, thậm chí là diệt chủng sẽ ngay lập tức được chụp lên đầu Trung Quốc.
Trong khi Hồi giáo Tân Cương đã tham gia vào nhà nước Hồi giáo IS, việc Bắc Kinh tham gia vào lực lượng liên minh chống IS do Mỹ lãnh đạo cũng là một cái cớ tốt để Trung Quốc phát động một cuộc chiến chống khủng bố trên chính lãnh thổ của họ.
Ngoài ra, khi đứng về phía Mỹ để chống khủng bố, đổi lại sự đồng thuận của Bắc Kinh, chắc chắn Washington sẽ phải thỏa hiệp gì đó để “có đi có lại mới toại lòng nhau.”
Tuy nhiên, vấn đề Tân Cương là rất nhạy cảm. Khi cả thế giới phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine trở thành một phần lãnh thổ của mình. Trung Quốc dù đang trong mối quan hệ ấm nồng với nước Nga cũng không thể lên tiếng ủng hộ, bởi lẽ, ủng hộ nước Nga đồng nghĩa với việc ủng hộ ly khai và sáp nhập, điều mà Trung Quốc đang rất lo ngại sẽ xảy ra điều tương tự ở khu vực vùng cao Tân Cương.
Một cuộc giao tranh giữa quân đội Iraq và khủng bố IS
Một cuộc giao tranh giữa quân đội Iraq và khủng bố IS
Nhưng nay đứng về phía Mỹ chống khủng bố, không khác gì công khai ủng hộ Mỹ, ủng hộ các cuộc chiến chống lại khủng bố trên toàn cầu. Trong khi chính quyền Ukraine cũng đang phát động một cuộc chiến nhằm vào những người đòi ly khai ở miền Đông được Nga bảo trợ dưới danh nghĩa chống khủng bố. Như vậy, hùa vào với Mỹ lần này là phản đối nước Nga, người bạn lớn nhất của Trung Quốc lúc này.
Đứng về Mỹ chống khủng bố mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích, nhưng rất dễ mất lòng người bạn Nga, bởi Nga vẫn im hơi lặng tiếng trong cục diện Trung Đông từ ngày IS lộng hành. Thậm chí IS đã dọa cắt cổ Tổng thống Nga Putin mà ông cũng không nỡ nổi giận. Trung Quốc quả thực đang tiến thoái lưỡng nan, sắp xếp lợi ích để cố gắng vừa đẹp lòng Mỹ, vừa vui lòng Nga.
Mỹ toan tính điều gì?
Chỉ một lời mời đã đủ để đẩy Bắc Kinh vào thế bí, Washington đã toan tính những gì khi đưa ra lời mời này?
Theo Mỹ chống khủng bố, đứng vào hàng ngũ của Mỹ không khác gì trò trêu ngươi chính Bắc Kinh. Họ khao khát con đường giấc mộng Trung Hoa với ngôi vị số một thế giới, nhưng khi phải đứng vào hàng ngũ của nước Mỹ, do Mỹ lãnh đạo, những cái đầu tự kiêu ấy chắc chắn sẽ phải ngậm ngùi xấu hổ. Lôi kéo được Trung Quốc dưới trướng mình, Mỹ được một phen hả hê, và được một trợ thủ đắc lực san sẻ trách nhiệm và gánh nặng cho mình.
Các phiến quân IS luyện tập
Các phiến quân IS luyện tập
Nhưng điều quan trọng nhất là lôi kéo dần Trung Quốc khỏi Nga. Hai cường quốc này đang thực sự nồng ấm với nhau, chỉ một cái hích nhẹ nữa là họ trở thành đồng minh toàn diện, từ kinh tế cho đến quân sự. Nếu lôi kéo được Bắc Kinh đứng vào hàng ngũ của mình thì tự khắc hai người bạn này sẽ phải nghi kỵ, thậm chí nghỉ chơi vơí nhau.
Lấy một ví dụ đơn giản, Nga đã rất khó chịu khi bán vũ khí cho chuyên gia sao chép như Trung Quốc. Và nếu Bắc Kinh tìm đến Washington để chung một chiến tuyến, chẳng có gì đảm bảo bí mật công nghệ vũ khí Nga không bị bán rẻ hoặc bị moi móc. Sự nghi kỵ lẫn nhau sẽ làm cả hai suy yếu.
Ngoài ra, không có sự giúp đỡ của Bắc Kinh thì những sức ép mà Mỹ trút lên Nga mới có thể có hiệu quả. Trong cục diện Ukraine, mọi đòn trừng phạt của phương Tây, Nga đều thoát đẹp nhờ khe cửa hẹp là Trung Quốc.
Điều mà Mỹ mong muốn nhất chính là điều này – từng bước gỡ cái nắm tay siết chặt giữa Nga và Trung Quốc.
Duy chỉ có điều, để lôi kéo Trung Quốc ủng hộ mình trong vấn đề quốc tế, chắc chắn Mỹ sẽ phải hi sinh một số lợi ích chiến lược. Câu hỏi đặt ra hiện giờ là Mỹ sẽ đánh đổi điều gì?
Đỗ Minh Tú

No comments:

Post a Comment