Tổng thống Mỹ Barrack Obama. Ảnh; Reuters
Theo ông George Friedman, một học giả khoa học chính trị người Mỹ và là người sáng lập công ty tình báo tư nhân Stratfor, sự tiến thoái lưỡng nan kiểu như vậy không phải là vấn đề bất thường đối với một cường quốc toàn cầu. Những lợi ích toàn cầu và việc mở rộng sức mạnh của Mỹ đã tạo ra những sự kiện bất ngờ. Những sự kiện này, đặc biệt là các thách thức xuất hiện đồng thời tại các khu vực khác nhau, tạo ra sự không chắc chắn và bối rối đối với Washington.
Hiện nay có hai chiến trường thực sự mà các hoạt động quân sự có nguy cơ lan rộng. Một là Ukraine và hai là khu vực giữa Syria - Iraq, nơi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan đã phát động các cuộc tấn công nhằm kiểm soát các khu vực nằm ở cả hai quốc gia trên.
Nhìn chung, không có sự kết nối giữa 2 khu vực chiến trường này. Nga đang phải đối mặt với vấn đề ở vùng cao Caucasus và có những báo cáo cho rằng các cố vấn Chechnya đang làm việc với IS. Moskva ít có khả năng liên quan đến những gì đang xảy ra ở Syria và Iraq. Đồng thời, bất cứ thứ gì khiến cho Mỹ chuyển hướng sự chú ý khỏi Ukraine là có lợi cho Nga. Về phần mình, IS có thể sẽ phải đối đầu với Nga trong dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt của lực lượng Hồi giáo này là sức mạnh Mỹ, vì vậy bất cứ điều gì khiến cho Washington phân tâm là có lợi cho IS.
Mỹ đã và đang hạn chế sự can dự của mình ở Trung Đông trong khi cố gắng để đối phó với cuộc khủng hoảng Ukraine. Chính quyền Obama muốn tạo ra một Iraq không có các chiến binh thánh chiến và có sự chấp nhận của Nga về một Ukraine thân phương Tây. Nhưng Washington lại không muốn triển khai lực lượng quân sự đáng kể cho một trong hai chiến trường này. Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ là làm thế nào để đạt được mục tiêu của mình mà không có rủi ro.
Những thách thức chưa tính đến
Nhưng với những tuyên bố đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết với ba hướng triển khai sức mạnh của Mỹ: xoay trục về châu Á, tăng cường hiện diện tại châu Âu và cuộc đấu mới với lực lượng Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, những cam kết này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với chính sách đối ngoại của Washington.
Trong khi đó, giới chức Mỹ thừa nhận rằng những cam kết này sẽ tạo ra những khó khăn đối với các kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của ông Obama trước khi rời nhiệm sở vào năm 2017. Các cam kết này cũng thách thức học thuyết chủ chốt của ông Obama trong nhiệm kỳ đầu. Đó là: sử dụng công nghệ cao và hạn chế triển khai lực lượng mặt đất trong việc răn đe các đối thủ và chống khủng bố.
Phiến quân IS.
Sự "chất đống" các sáng kiến phòng thủ mới hiện nay đặt ra câu hỏi là ông Obama có thể cam kết mạnh mẽ tới mức nào nhằm đảo ngược sự nghi ngờ, từ châu Âu cho tới Trung Đông và châu Á, rằng nước Mỹ đang trong thời kỳ cắt giảm chi tiêu? Trong chuyến công du châu Âu vừa rồi và tới châu Á sắp tới, ông Obama sẽ đối mặt với thách thức kép: thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ rằng ông không có ý định tạo ra "khoảng trống sức mạnh" trên toàn cầu cho các đối thủ cũng như thuyết phục người dân Mỹ rằng ông có thể đối mặt với các cuộc xung đột mà không cần phải "ném" họ trở lại kỷ nguyên cam kết quân sự lớn với thương vong nặng nề.
Theo nhận định của ông Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một viện nghiên cứu uy tín tại New York (Mỹ), thì "hiện có sự chênh lệch ngày càng tăng giữa hùng biện với chính sách". Ông Richard Haass cho rằng, nếu tăng các nguồn lực cần thiết để thực hiện chính sách xoay trục về châu Á, tái cam kết tại Trung Đông và tăng cường sự hiện diện tại châu Âu thì Mỹ không thể thực hiện được nếu không chi thêm tiền. Thế giới ngày càng có nhiều đòi hỏi với Nhà Trắng so với cách đây vài năm.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông Obama nói rằng chưa có một chiến lược để đối phó với lực lượng khủng bố IS, và giờ đây ông cần một loạt chiến lược, trong đó mỗi chiến lược sẽ được "thiết kế" để đối phó với các thách thức mà sự phức tạp trong những năm gần đây đã tăng lên một cách đáng kinh ngạc.
Đối với hơn 10.000 tay súng của IS, ông Obama phải tìm ra cách đối phó với một kiểu khủng bố mới: quyết tâm sử dụng các thủ thuật tàn bạo để chiếm lãnh thổ. Chiến dịch ném bom tại Iraq chưa đến mức tốn kém như cuộc chiến trước đây, nhưng chi phí ước tính hiện nay cũng lên tới 225 triệu USD/tháng.
Theo đánh giá của ông Matthew G. Olsen, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, IS không phải là "không thể đánh bại", nhưng IS chưa tạo ra mối đe dọa trực tiếp với Mỹ như al-Qaeda trước đây. IS là lực lượng tàn bạo, và để đánh bại lực lượng này cần phải có một cam kết lâu dài - một hình thức cam kết mà ông Obama rõ ràng hồi đầu năm nay vẫn chưa tính đến.
Tại châu Á, ông Obama đối mặt với một kiểu thách thức hoàn toàn khác trong chiến lược xoay trục của mình, cụ thể là Trung Quốc - một cường quốc đang nổi với các nguồn lực lớn và đang khẳng định ảnh hưởng tại khu vực theo cách mà nước này chưa thực hiện trong vòng hàng trăm năm qua. Ông Obama có vẻ bất ngờ trước sự khiêu khích mà Bắc Kinh thể hiện thông qua các nỗ lực đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền chống lại các nước láng giềng. Một cựu thành viên trong nhóm cố vấn an ninh của ông Obama thừa nhận rằng họ đã không dự đoán trước được điều này, và chắc chắn vẫn còn có thêm nhiều cuộc thảo luận về cách thức để đối phó với Trung Quốc.
Theo Công Thuận
No comments:
Post a Comment