Wednesday, September 17, 2014

Đưa công nghệ sinh học vào nông nghiệp

Báo Tuổi trẻ, ngày 14/01/2014,   http://tuoitre.vn/Ban-doc/589995/dua-cong-nghe-sinh-hoc-vao-nong-nghiep.html       Trong thông điệp của Thủ tướng có nêu đến việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đây là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế VN.


684185
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Ảnh: Việt Dũng


Tiến sĩ Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):
Nông nghiệp nước ta đã có nhiều mặt hàng có sản lượng vượt rất nhiều nước. Cái rất hay của VN là chúng ta sở hữu đặc sản nông nghiệp nhiệt đới gió mùa có giá trị. Nếu được xử lý bằng công nghệ thì sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng rất cao.
Tuy nhiên, thực tế ngành nông nghiệp của chúng ta bao năm nay là chạy theo sản lượng, năng suất mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tốn kém. Chính vì vậy, nông dân VN vẫn rất nghèo. Có thể nói năng suất gạo, cà phê... của ta rất cao nhưng chi phí rất nhiều cho nước, phân bón, thuốc trừ sâu, vận tải, xay xát... trong khi giá bán lại thấp. Đặc biệt là phương thức sản xuất của chúng ta rất lạc hậu nên nông dân không thể giàu được, chỉ nghèo đi. So sánh giữa giá gạo trồng ở VN với ở Nhật Bản thấy chênh lệch một trời một vực. Một ký gạo của VN có giá 10.000 đồng, trong khi ở Nhật Bản bán 25 USD/kg gạo, tương đương 500.000 đồng, đắt hơn ta gấp 50 lần. Như vậy, làm thế nào người nông dân VN có thể trồng ra loại gạo chỉ cần đắt gấp 10 lần hiện nay?
Tôi thấy rất cần thiết phải thay đổi phương thức phát triển nông nghiệp. Đó là đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm vượt trội của việc áp dụng công nghệ sinh học là bất chấp thời tiết.
Việc áp dụng công nghệ sinh học để trồng hoa ở Đà Lạt là một ví dụ. Một cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cung cấp nếu dùng công nghệ Israel thì 1ha có thể thu được giá trị gấp 10 lần so với cách trồng truyền thống. Cách trồng mía của một doanh nhân VN trên nước Lào, rồi mô hình nuôi bò sữa ở Nghệ An của Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH cũng cho thấy hiệu quả vượt trội so với những gì mà ta đang làm. Cụ thể, với việc áp dụng công nghệ sinh học của Israel, năng suất 1ha mía trồng ở Lào vượt gần gấp ba lần của ta. Còn nếu tính cả hàm lượng đường của mía trồng ở Lào thì mang lại giá trị cao hơn nhiều so với mía trồng ở VN. Mía trồng ở Lào tưới nước rất ít, còn ở ta thì hao phí nhiều tài nguyên này.
Để đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Vì hình thức tổ chức, kinh tế hộ nhỏ quá, sản xuất manh mún như hiện nay sẽ không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Nhất là chúng ta đã hội nhập rồi, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, nếu không kiểm soát chất lượng, ham năng suất mà bón nhiều phân bón, thuốc trừ sâu là chết.
Để thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn như trong bài Thủ tướng nhấn mạnh, tôi cho rằng cần phải xem xét chế độ chính sách vì hiện nay doanh nghiệp không muốn về nông thôn. Mô hình kết hợp Nhà nước - nông dân theo nguyên tắc thị trường cần phải được đẩy mạnh. Theo đó, mỗi xã là một tổ hợp có công nghệ chế biến, có thương mại và sản xuất nông sản, có sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp..
LÊ THANH ghi

No comments:

Post a Comment