Thursday, September 13, 2018

VÌ SAO HÀ TĨNH CHÍNH THỨC XIN DỪNG MỎ SẮT THẠCH KHÊ?

Bài đăng trên Báo "Đất Việt" của Liên Hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và trên "Việt Báo" của Bộ Thông tin truyền thông, ngày 15/12/2017, http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vi-sao-ha-tinh-chinh-thuc-xin-dung-mo-sat-thach-khe-3349064/
Theo ông Khánh, dự án mỏ sắt Thạch Khê không có tính phát triển bền vững, lâu dài, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh vừa cho biết, Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xin được dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê trên địa bàn vì quá nhiều câu hỏi về dự án này chưa có lời giải đáp.
Theo Chủ tịch Hà Tĩnh, vừa qua Ban thường vụ tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh xem xét nghiên cứu lại dự án này. UBND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam, nhóm tư vấn của những giáo sư, tiến sĩ là con em của tỉnh Hà Tĩnh tham gia đánh giá lại dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Sau khi đánh giá tổng thể dự án này, tỉnh đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy, Ban cán sự đảng cho phép dừng mỏ sắt Thạch Khê.
Theo phân tích của ông Khánh, dự án mỏ sắt Thạch Khê không có tính phát triển bền vững, lâu dài, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng. Hơn nữa, dự án chưa tính toán đầy đủ các hạng mục liên quan đến hiệu quả đầu tư của dự án, giá thành của quặng khi tính toán hiệu quả dự án là chênh lệch rất lớn.
Mỏ sắt Thạch Khê gắn vào đó có nhiều vỉa đá vôi, dễ có các hang Karst (Cát tơ) thông ra biển, khi đào xuống sâu xử lý như thế nào thì vẫn chưa được nghiên cứu hay có giải pháp cụ thể.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê giáp với biển, khi xả thải ra biển ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng tài nguyên biển, dòng chảy, lưu vực…
Theo thiết kế thì một ngày đêm sẽ hút hơn 800.000m3 nước, việc này sẽ làm mạch nước ngầm tụt nghiêm trọng, gây sa mạc hóa trên diện rộng mà không thể lường hết được.
Chủ tịch Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh: "Cái quan trọng nữa là chưa tính đến hướng tiêu thụ sản phẩm trên nội địa dù trước đó đã thành lập dự án nhà máy thép 2 triệu tấn/năm nhưng rồi chủ đầu tư đề nghị không làm nữa vì không đủ năng lực. Vừa rồi lại tính toán chở quặng đi cho các nhà máy thép. Thử hỏi xem trên đất nước Việt Nam có bao nhiêu nhà máy thép, với công suất 5 triệu tấn/năm thì tiêu thụ thế nào?".
Cũng theo vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh: "Nếu để dự án này dây dưa, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước, tỉnh và nhân dân. Đây quả đúng một tồn đọng lớn. Chúng ta phải tập trung cao trong việc này, báo cáo chính thức gửi Thủ tướng để Bộ chính trị có ý kiến, quyết định cuối cùng là nên dừng ngay mỏ sắt Thạch Khê".
Trước đó, cũng liên quan đến việc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nhận xét, đây là sự tỉnh táo của Bộ KHĐT và tỉnh Hà Tĩnh bởi nếu bỏ thêm tiền vào dự án này nữa thì nguy cơ sẽ bị mất trắng và cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Phân tích cụ thể vấn đề này, vị chuyên gia về ngành thép khẳng định, nếu giao cho Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì sẽ gây lãng phí tiếp cho Nhà nước.
"Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ đặc thù, nó quá khó vì vừa sát bờ biển vừa nằm sâu dưới mặt nước biển ở mức âm 550m.
Mặt khác, dù mỏ này giàu sắt nhưng tỷ lệ kẽm trong quặng quá cao (0,07%), gấp 10 lần quặng thương phẩm vẫn bán trên thị trường. Nếu dùng loại quặng này cho lò cao thì kẽm sẽ chui vào khe gạch, phá bung lò.
Với mỏ này, kỹ thuật khai thác rất khó, TKV không làm nổi, nếu có làm thì cuối cùng với bờ mỏ toàn là cát, ở một vùng nhiều mưa bão như miền Trung sẽ không thể trụ được", ông cho biết.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng chỉ ra rằng, đối với mỏ này, nếu khai thác nhiều thì mới kinh tế, nhưng khai thác nhiều lại không bán được vì không có đầu ra, trong khi khai thác sản lượng thấp thì không kinh tế.
Ông Cường không tin rằng TKV có thể làm giỏi hơn những đối tác nước ngoài mà Tổng công ty thép đã từng thuê để làm luận chứng kinh tế kỹ thuật.
"Chuyên gia nước ngoài tính toán phải ổn định bờ mỏ 3 năm mới khai thác, đằng này TKV làm liều, theo kiểu cuốn chiếu, đào xuống thấy quặng thì khai thác, bán đi, có tiền rồi tiếp tục xây dựng mỏ.
Thực tế là lần khai thác thử vừa rồi coi như đã thất bại vì cát tràn hết xuống khi mưa gió. Kiểu khai thác ấy rất bừa bãi, không có kỹ thuật", vị chuyên gia bức xúc.
Từ những phân tích trên, ông Phạm Chí Cường nhấn mạnh, không nên bỏ thêm tiền vào dự án này. Phải kiểm điểm ai đã cho khai thác liều để mất 1.600 tỷ đồng.
Phải nhìn vào kinh tế Việt Nam, không phải cứ có tài nguyên là khai thác bằng mọi giá. Phải có tính cạnh tranh, nhìn thị trường để lựa chọn một cách thông minh.
Còn mỏ sắt Thạch Khê, hãy cứ để đó cho thế hệ sau khi nào có kỹ thuật tốt hơn, có biện pháp giải quyết tốt hơn, hạ hồi phân giải.
Thanh Giang (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment