Những chỉ thị ban hành cần có tiêu chí rõ ràng, quy định cụ thể, bài bản; có sự giám sát của cộng đồng và phải kiên quyết thực hiện thì mới đem lại kết quả tích cực
Mới đây, UBND TP HCM ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức (CB-CC) chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng. Đây là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của TP HCM nhằm cải thiện chỉ số PCI.
Cần có tiêu chí rõ ràng
Mấy năm trước, TP HCM từng đưa ra các chỉ thị, yêu cầu CC tiếp dân phải nở nụ cười; thay thế CC chậm có kết quả trả lời cho tổ chức và công dân; quy định về thực hiện thư xin lỗi nếu trễ hẹn với dân...
Tuy nhiên, chỉ với quy định thư xin lỗi, chỉ riêng quận Bình Tân, tính đến cuối năm 2016, đã có đến hơn 7.000 thư dân do chậm giải quyết thủ tục nhà đất. Vậy có hay không việc lạm dụng thư xin lỗi để người dân vui vẻ, không cự nự nữa? Nếu UBND TP HCM không thực hiện đúng như chỉ thị của mình "Ai xin lỗi hoài sẽ thay", thì có nguy cơ "nhờn thuốc", lây lan và rơi vào tình trạng "trên bảo dưới không nghe". Thực tế cho thấy thời gian qua, không trường hợp nào xin lỗi quá nhiều bị công bố công khai.
UBND TP HCM yêu cầu CB-CC phải thay đổi thái độ làm việc để phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: CB-CC Sở kế hoạch và Đầu tư TP trong giờ làm việc Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU
Lần này, với chỉ thị kịp thời phát hiện và thay thế CB-CC chần chừ trong cải cách TTHC, nếu UBND TP không có những quy định cụ thể, bài bản; không kiên quyết thực hiện thì đâu cũng lại vào đó, người dân sẽ mất lòng tin, chỉ thị mệnh lệnh cũng sẽ mất thiêng.
Khái niệm thế nào là chần chừ? Khác với đắn đo, thận trọng chỗ nào? Lấy gì để làm thước đo? Cần phải nghiên cứu rốt ráo, bài bản, khoa học; không thể tùy hứng, cảm tính. Hơn nữa, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thế nào để phát hiện CB-CC chần chừ trong cải cách TTHC? Không thể nói chung chung CB-CC này tích cực, CB-CC kia chần chừ. Rồi vai trò của người dân ra sao, thủ trưởng đơn vị đánh giá dựa trên tiêu chí nào cho khách quan, công bằng... thật ra không đơn giản, nói khơi khơi là được.
Có sự giám sát của cộng đồng
Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy việc đánh giá CC dựa trên một phương pháp khoa học, khách quan. Ví dụ, đánh giá dựa theo hệ thống quản lý kết quả đầu ra PMS (Performance Management System), một phương thức mới đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng nhằm cải thiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, CC và người đứng đầu. Quản lý theo kết quả liên quan tới nhiều khía cạnh, bao gồm việc tăng cường phân cấp cho các đơn vị và CC thực thi công vụ; xây dựng các đầu ra (output/results) cần đạt được cho từng đơn vị/cá nhân và đánh giá kết quả hoạt động/năng lực của đơn vị/cá nhân dựa trên các kết quả/đầu ra đó.
Đây là công cụ quản lý mà dựa vào đó để xây dựng một hệ thống nhằm hỗ trợ công việc, giám sát và đánh giá việc thực hiện một kết quả, qua đó biết được vướng mắc chỗ nào, kịp thời điều chỉnh các hoạt động chưa phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, lâu nay, hoạt động của nền công vụ thiếu vắng sự giám sát của cộng đồng. Vì vậy, cần thực hiện chế độ cam kết phục vụ nhân dân, xây dựng cơ chế, phương thức giám sát của nhân dân. Mục tiêu của cam kết là để nâng cao trình độ phục vụ nhân dân và mức độ hài lòng của công chúng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với CC. Chế định sát hạch này khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng còn sơ sài, thiếu khoa học, chiếu lệ theo tư duy quản lý lỗi thời.
Bên cạnh thực hiện chế định sát hạch CC, cần thay thế chế độ biên chế bằng chế độ hợp đồng linh hoạt, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ vốn quá nhiều trì trệ, bất cập hiện nay; đồng thời định kỳ tổ chức đối thoại, đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền với dân.
Thay thế cán bộ chần chừ cải cách hành chính
Nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các quận - huyện và các sở - ngành liên quan. Ông yêu cầu thủ trưởng sở - ngành và chủ tịch UBND quận - huyện phải đẩy mạnh cải cách hành chính tại địa phương. Cụ thể là cải cách TTHC, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…
Lãnh đạo UBND TP yêu cầu CB-CC, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, thay đổi thái độ làm việc để phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp (DN); kịp thời phát hiện và thay thế CB-CC chần chừ trong cải cách TTHC hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động DN; công khai, minh bạch tất cả TTHC, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận…
P.ANH
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment