Bài dăng trên Báo "Đất Việt", http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/no-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-phinh-len-16-trieu-ty-dong-3358972/
Tác giả: Minh Thái
Trong giai đoạn 2011-2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã lên tới 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD).
Ngày 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo báo cáo này, tính đến 31/12/2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo đánh giá, DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011-2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Đáng nói là tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD).
Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%); hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối DNNN (100% vốn Nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016 (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%).
Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao.
Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước. Như tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV)... Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Giám sát qua báo cáo và làm việc trực tiếp sát với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vi phạm: vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; vi phạm nguyên tắc thị trường; vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp; vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.
“Một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ”, báo cáo giám sát nhấn mạnh.
Đơn cử, PVN áp dụng hình thức chỉ định thầu tại Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi chưa bảo đảm điều kiện. Đoàn giám sát còn nhắc đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ định thầu một số gói thầu.
Đoàn giám sát cũng lưu ý trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả. Một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn…
Cụ thể, việc đầu tư tài chính dài hạn của Vinachem vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào) với tổng vốn đầu tư là 6.836 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.
Một số dự án sau khi đi vào khai thác, vận hành không hiệu quả, thua lỗ lớn. Đặc biệt là tại 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương. Trong đó, Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2 thuộc Vinachem đã bị Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Báo cáo lưu ý có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp bị tê liệt không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân. Người đứng đầu doanh nghiệp, cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
“Một số vụ việc tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở DNNN gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của DNNN. Ví dụ, vụ việc xảy ra tại Vinachem, PVN, Tổng Công ty Lương thực miền Nam…”, báo cáo giám sát dẫn chứng.
No comments:
Post a Comment