Nỗi lo phí chồng phí
Sở GTVT TP.HCM vừa làm việc với Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong để khởi động dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Đây là một trong số các giải pháp cấp bách trong năm 2017 nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, TP sẽ thu phí ô tô vào giờ cao điểm và mức thu phí sẽ từ 40.000-60.000 đồng/lượt xe tùy theo loại ôtô, xe tải, xe chở khách nhỏ hoặc lớn. Không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ.
Thu phí ôtô vào nội đô giờ cao điểm là chủ trương đúng đắn. Nhưng cần xét đến hiệu quả và tính khả thi của đề xuất này, không thể dễ dãi. Ảnh: Zing |
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Lê Huy Bá thừa nhận, việc thu phí ô tô đã từng được một số quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm giảm tình trạng tắc đường trong khu vực nội đô. Tuy nhiên với TP.HCM, vị chuyên gia cho rằng việc này không hề đơn giản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
“Việc thu phí vào trung tâm thành phố thì cần làm rõ phạm vi thu phí là thế nào? Khu vực nội đô gồm những đâu rồi sau đó tính đến giá thu như vậy có hợp lý không. Ngoài ra việc thu phí ô tô vào khu vực nội đô có thể khiến người dân chuyển sang đi phương tiện khác như xe máy, khiến tình trạng tắc đường có thể tăng hơn. Vấn đề chỗ đậu xe cũng là một vấn đề. Nếu tính theo giờ thì phí rất cao, đó sẽ là một hạn chế”, GS.TS Bá khẳng định.
Bên cạnh đó, vị Giáo sư cũng chia sẻ nỗi lo của nhiều người dân trước tình trạng lạm thu các khoản phí hiện nay đối với ô tô.
“Tắc đường hiện nay có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có ô tô. Trong điều kiện hiện tại mà đưa ra đề xuất trên thì cần phải bàn bạc cụ thể. Việc này có thể dẫn tới tình trạng phí chồng phí. Tôi không kỳ vọng việc áp dụng biện pháp này có thể khiến tắc đường giảm bớt. Bây giờ chúng ta thử nghiệm thì cứ làm vậy thôi. Về lâu dài là vấn đề hết sức khó chứ không hề đơn giản”, GS Bá nhấn mạnh.
TP.HCM từng lãng phí lớn
Cùng đưa ra ý kiến, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON khẳng định chủ trương giảm lượng ô tô vào khu vực nội đô trong giờ cao điểm để hạn chế tình trạng tắc đường, về nguyên tắc là đúng đắn. Tuy nhiên cần làm rõ, là biện pháp này nếu áp dụng vào thực tế liệu có mang lại hiệu quả hay không?
“Không thể vì đề xuất trên do công ty Tiên Phong đưa ra, công ty đầu tư và không lấy tiền của nhà nước, cho nên ủng hộ. Viện lý do thu phí ô tô để nộp tiền về cho ngân sách nhà nước cũng không quan trọng. Cái chính là chúng ta cần xem xét hiệu quả của dự án này sẽ như thế nào, có đạt mục tiêu đề ra không? Công ty Tiên Phong có làm luận chứng khoa học không, có chứng minh được rằng đề xuất của mình là khả thi và mang lại lợi ích cho thành phố không?
Nếu không có luận chứng rõ ràng, mà xin ý kiến chung chung của người dân, của các nhà khoa học hay của HĐND thành phố, thì ai biết ra sao mà có ý kiến, làm sao có đủ căn cứ để trả lời nên hay không nên”, TS Phúc nhấn mạnh.
Lấy ví dụ, khoảng 10 năm trước, UBND TP.HCM, Sở GTVT TP đã mời các chuyên gia giao thông của Hồng Kong, Đài Loan (Trung Quốc) tư vấn xử lý kẹt xe ở nút giao thông bùng binh tượng đài Thánh Gióng, rồi tốn hàng mấy chục tỷ đồng thực hiện giải pháp, nhưng cuối cùng không đạt được kết quả mong muốn, còn gây kẹt xe hơn.
“Thời điểm đó Thành phố cũng như Sở GTVT cùng thống nhất và duyệt làm. Ý tưởng ban đầu làm cho giao thông thuận tiện, thông thoáng nhưng cuối cùng không thành công và chúng ta phải tháo bỏ. Đó là tiền của dân nhưng khi xảy ra hậu quả không phê bình ai. Mấy trăm tỷ lãng phí không ai chịu trách nhiệm. Lần này lấy gì đảm bảo chúng ta không mắc phải những sai lầm tương tự?”, TS Phúc đặt câu hỏi.
TS Phúc khẳng định cần phải nghiên cứu xem xét một cách thận trọng đề xuất trên.
Phải thực hiện đề tài nghiên cứu nghiêm túc
Từ những lo ngại trên, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng cần phải có 1 đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc về vấn đề thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm để chống tắc đường. Đề tài này sẽ được kiểm tra, đánh giá khách quan, công khai minh bạch và nếu đủ sức thuyết phục, thì mới mới ứng dụng trên thực địa thành phố.
“Tôi nghĩ việc này chỉ tốn chừng từ 2 đến 10 tỷ đồng. Thành phố đưa ra đề tài công khai, cho các Tổ chức Tư vấn tham gia đấu thầu. Các Tổ chức Tư vấn sẽ lao vào đấu thầu. Và Đơn vị trúng thầu sẽ làm “Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng công trình”. Báo cáo này phải chứng minh được tính hiệu quả của giải pháp và lợi ích kinh tế của giải pháp. Báo cáo này sẽ đưa ra cho các nhà khoa học, các chuyên gia, và người dân xem xét, cho ý kiến đóng góp, xin ý kiến của Mặt trận Tổ quốc. Cuối cùng Thành phố xét duyệt công nhận, rồi mới triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư”, TS Phúc nhấn mạnh.
Trong trường hợp Giải pháp trên được chứng minh là không khả thi, TS Phúc cho rằng UBND TP.HCM và Sở GTVT TP phải thuê các đơn vị tư vấn chuyên ngành về tổ chức giao thông đề xuất những giải pháp phù hợp và khách quan nhất.
“Chúng ta phải cần những có tổ chức tư vấn cụ thể, am hiểu về vấn đề thì mới có thể làm được. Nếu không ai làm thì Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM sẵn sàng đứng ra nhận đề tài đó và làm đúng theo lương tâm, trách nhiệm và khoa học. Chúng tôi có 450 nhà khoa học về công nghệ và quản lý, chắc chắn sẽ có thể giải quyết được vấn đề”, TS Phúc nêu quan điểm.
Trong khi đó, GS.TS Lê Huy Bá nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng tắc đường của TP.HCM, thay vì những giải pháp ngắn hạn, chúng ta nên đẩy mạnh các phương án mang tính lâu dài, có hiệu quả bền vững.
“Chúng ta phải làm đường trên cao, làm đường tàu điện ngầm, các đoạn giao lộ phải có hầm chui, cầu vượt, tăng cường những biện pháp đó thì mới ngăn được tình trạng tắc đường.
Trong điều kiện giao thông ở Việt Nam đường không rộng ra, không mở thêm mà xe thêm, nhà cửa mọc ra khắp nơi thì việc thu phí vào nội đô không phải là vấn đề hay ho.
Chủ trương bao giờ cũng đúng nhưng thực hiện lại là một chuyện. Chúng ta phải lập quy hoạch từ đầu, bây giờ sai lầm chồng chất lên nhau thì rất khó xử lý”, GS Bá nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
No comments:
Post a Comment