Wednesday, January 4, 2017

Hãy trỗi dậy, Việt Nam!


Báo Tuổi Trẻ, ngày 30/12/2016,              http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20161231/hay-troi-day-viet-nam/1244935.html,            Bước qua năm mới 2017, PGS.TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore) đã chia sẻ cảm xúc về kỳ vọng cải cách mới mà nhiều người cùng đồng thuận tên gọi "Đổi mới 2" để đưa dân tộc lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Hãy trỗi dậy, Việt Nam!
Ảnh: An Nguyễn
Sắp bước vào năm mới 2017, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ hồi tưởng lại năm 2016 như một năm đặc biệt không chỉ với những xáo động toàn cầu chưa từng có và những đổi thay đáng khích lệ của đất nước mà còn là cột mốc đánh dấu 30 năm của chặng đường đổi mới. 
Kể từ khi cương lĩnh cải cách được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 năm 1986, Việt Nam đã đi những bước dài trong công cuộc phát triển.
Chưa có thành quả xứng tầm
Đổi mới về tư duy, cởi trói về cơ chế, mạnh dạn trong hội nhập, và thích ứng với đổi thay là những đặc trưng đã tạo nên những động lực phát triển chưa từng có giúp Việt Nam thành công trong 30 năm qua. Tuy nhiên những động lực này dường như chưa đủ giúp Việt Nam đạt được những thành quả xứng tầm mà chúng ta kỳ vọng.
Trong phân loại các mô hình phát triển thành công, Việt Nam chưa được xếp vào mô hình phát triển thần kỳ Đông Á mà các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore đã trải qua.
Việt Nam hiện vẫn chỉ được xếp vào nhóm thành công theo mô thức Đông Nam Á và dự kiến sẽ theo dấu chân của các nước Malaysia và Thái Lan trong các thập kỷ tới.
TS Vũ Minh Khương - Ảnh: Q.ĐịnhTS Vũ Minh Khương - Ảnh: Q.Định
Điều đáng chủ ý là trong khí mô hình phát triển thần kỳ Đông Á được đặc trưng bởi nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển với tầm nhìn khát vọng về tương lai và bộ máy quản lý chuyên nghiệp và tâm huyết, mô thức thành công Đông Nam Á dựa chủ yếu vào cố gắng hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi coi nhẹ nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực công nghệ bản địa.
So với 30 năm trước đây, Việt Nam hôm nay có những thuận lợi lớn hơn rất nhiều về thực lực, lợi thế, và tâm thế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn về mô hình phát triển, bảo vệ chủ quyền quốc gia và khẳng định ý chí dân tộc.
Hơn thế nữa, lời giải đưa tới những thành công của ngày hôm qua không chỉ chưa đem lại cho hôm nay những thành quả xứng tầm mà còn không đủ để giúp đất nước vượt qua những thách thức khắc nghiệt trong chặng đường phía trước.
Tiếp tục đổi mới tư duy và cởi trói cơ chế là cực kỳ cần thiết để thoát khỏi những giáo điều của quá khứ nhưng không đủ sức mạnh để thôi thúc và khai sáng công cuộc kiến tạo tương lai.
Đẩy mạnh hội nhập và thích ứng với đổi thay là quan trọng nhưng không đủ đưa đất nước đến một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Hãy trỗi dậy, Việt Nam!
Năm 2016 ngành du lịch lần đầu tiên đạt mức 10 triệu khách. Trong ảnh: vị khách quốc tế thứ 10 triệu (quốc tịch Anh) được nồng nhiệt chào đón tại Phú Quốc - Ảnh: H.Trung
Trỗi dậy cho "Đổi mới 2"
Về bản chất, công cuộc đổi mới 30 năm qua được có cội nguồn từ sự thức dậy và ý thức hội nhập, thích nghi. Nếu muốn làm nên những kỳ tích trong 30 năm tới công cuộc đổi mới phải tạo nên sự trỗi dậy và ý chí kiến tạo tương lai. Tuy nhiên, khoảng cách từ thức dậy đến trỗi dậy là rất lớn, nó đòi hỏi bước nhảy lượng tử phi thường mà ít dân tộc có thể làm được.
Vậy đâu là những bước đi Việt Nam cần phải có để chuyển từ thức dậy sang trỗi dậy? Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chắc chắn là không đủ. Tăng trưởng kinh tế dựa trên ba động lực chủ yếu - đầu tư, tạo việc làm và nâng cao hiệu quả cả nền kinh tế mà thường được gọi là tăng trưởng năng suất tổng hợp.
Về hai động lực đầu - đầu tư và tạo việc làm, do vị thế địa chính trị thuận lợi, nguồn nhân lực năng động, và nỗ lực thu hút đầu tư của chính phủ, Viêt Nam không thua kém các nền kinh tế thần kỳ.
Thế nhưng, trong động lực thứ ba - tăng trưởng năng suất tổng hợp, Việt Nam rất yếu và thua kém rất xa so với các nền kinh tế thần kỳ trong giai đoạn tăng trưởng tương ứng của họ.
Tăng trưởng năng suất tổng hợp của Việt Nam đi theo một xu thế giảm dần và ở mức xấp xỉ 0, trong khi mức tăng trưởng này rất mạnh mẽ ở các nền kinh tế thần kỳ trong giai đoạn cất cánh 30 năm của họ.
Tăng trưởng năng suất tổng hợp của Việt Nam yếu và thấp dần là do sự thiên lệch về đầu tư mở rộng, coi nhẹ nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động.
Một điều cấp bách là Việt Nam đang tiến dần đến điểm ngoặt “Lewis” - thuật ngữ dựa trên quan sát của nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel để chỉ tình trạng nền kinh tế mất dần sức tăng trưởng khi người lao động từ khu vực nông nghiệp không còn nhiều động lực và cơ hội chuyển ra thành phố để tham gia vào các khu vực kinh tế có năng suất và hiệu quả cao hơn.
Quả vậy, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động của nền kinh tế giảm rất chậm so với thời kỳ trước và khá ổn định ở mức 50% trong ba năm vừa qua.
Tăng trưởng năng suất tổng hợp thấp và động lực tăng trưởng từ chuyển dịch lao động nông nghiệp sang thành thị yếu dần là một trong những lý do chủ yếu làm tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giảm dần, từ mức 7,3% trong giai đoạn 1990-2000 xuống 6,5% trong 2000-2010 và dưới 6% trong 2010-2015.
Điều cần lưu ý thêm là nhiều nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Lào, và Myanmar đã đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn hẳn Việt Nam trong 5 năm qua.
Bài toán nâng cấp sức tăng trưởng của nền kinh tế của Việt Nam, do vậy, không đơn thuần nằm ở nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng mức huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là ở các khâu chiến lược, có liên quan đến phân bổ, nâng cấp và thúc đẩy nguồn lực dịch chuyển đến các lĩnh vực và sản phẩm có giá trị cao hơn. 
Hãy trỗi dậy, Việt Nam!
TP.HCM đạt chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 8.05%. Trong ảnh, cầu Thủ Thiêm và đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh phát triển theo hướng đô thị thông minh và hiện đại - Ảnh: Tự Trung
Thế nhưng, thành công ở các khâu chiến lược này đòi hỏi phải có một Nhà nước kiến tạo phát triển mạnh, đặc trưng bởi tầm nhìn khát vọng của đội ngũ lãnh đạo và sự chuyên nghiệp và thôi thúc của một chính phủ toàn tâm toàn ý cho công cuộc phát triển.
Phân bổ nguồn lực sẽ không thể hiệu quả nếu những người công bộc của dân không chuyên nghiệp và thôi thúc mà còn coi đây là cơ hội kiếm chác cá nhân và củng cố phe nhóm làm ăn thân hữu. Nâng cấp nguồn lực sẽ không thể mạnh mẽ nếu thiếu vắng một tầm nhìn quả cảm về tương lai.
Thúc đẩy nguồn lực dịch chuyển lên các lĩnh vực và sản phẩm có giá trị cao hơn không thể nhanh chóng và sống động nếu nhà nước không hết lòng hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân bản địa, coi họ là động lực chủ đạo cho công cuộc phát triển.
Điều đáng mừng là Việt Nam từ sau đại hội 12 tổ chức vào đầu năm 2016 đang có những chuyển động tạo nên luồng sinh khí mới cho nỗ lực cải cách, trong đó xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, và hành động được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc coi là ưu tiên chủ đạo.
Có lẽ, không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà đúng 30 năm sau ngày đất nước khởi đầu công cuộc cải cách, vào những ngày cuối tháng 12 này, ở nhiều nơi dậy nên khí thế và kỳ vọng cải cách mới mà mọi người cùng đồng thuận về tên gọi là Đổi mới 2.
Đổi mới 2 giống với Đổi mới 1 ở sự quả cảm nhận ra sự bức thiết phải đổi thay và mạnh dạn thử nghiệm những mô hình phát triển mới, dựa trên lợi thế và sức mạnh dân tộc.
Đổi mới 2, tuy nhiên, cần là một bước tiến vượt bậc so với Đổi mới 1. Nó bước từ thức dậy về tư duy lên trỗi dậy về tầm nhìn; từ cởi trói về cơ chế lên kiến tạo nền tảng phát triển cho một xã hội phồn vinh; từ nỗ lực hội nhập lên ý chí đưa dân tộc lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Điểm khởi đầu cho công cuộc Đổi mới 2 phải là một quyết định có tính hiệu triệu của lãnh đạo Đảng và Chính phủ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày độc lập.
Với ý chí chiến lược này, tất cả các ngành và địa phương cùng toàn dân Việt Nam sẽ biết rõ chúng ta hiện đang ở đâu và phải làm gì trong chặng đường 30 năm phía trước. 
Mục tiêu này cũng giúp chúng ta không chỉ huy động tối đa tài năng và vật lực mà còn thấy rõ ngành nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào, và con người nào đang là những động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên phía trước. Mục tiêu này cũng giúp chúng ta tạo nên một khí thế trỗi dậy mà lịch sử hàng ngàn năm sau sẽ còn lưu truyền.
TS PGS VŨ MINH KHƯƠNG (ĐHQG Singapore)

    No comments:

    Post a Comment