Monday, August 8, 2016

Người Việt có thật sự hạnh phúc?

Báo Người Lao Động, ngày 30/07/2016,         http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nguoi-viet-co-that-su-hanh-phuc-20160730230140958.htm,            Việt Nam có thực sự là quốc gia hạnh phúc thứ 5 thế giới như xếp hạng của Quỹ Kinh tế mới khi đang phải đối mặt những lo lắng thường trực về thực phẩm bẩn, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá?...

Theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) do Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế - xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh, Việt Nam vừa được đánh giá là nước hạnh phúc thứ 5 trên thế giới và đứng đầu châu Á.
Đúng là giấc mơ!
HPI được xây dựng căn cứ 3 tiêu chí: tuổi thọ trung bình, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường.
Không chỉ đến bây giờ, bảng xếp hạng HPI của NEF mới xếp Việt Nam vào tốp các nước hạnh phúc nhất thế giới. Năm 2012, tổ chức này đã xếp Việt Nam hạng thứ hai, chỉ sau Costa Rica trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Thứ hạng này có được nhờ sự hài lòng của người dân với cuộc sống, tuổi thọ bình quân cao, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường.
Tuy nhiên, người Việt Nam có thực sự hạnh phúc như bảng xếp hạng HPI? TS Nguyễn Hồi Loan, ĐHQG Hà Nội, cho rằng nếu Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về hạnh phúc thì đó đúng là giấc mơ nhưng thực tế thì không phải như vậy. “Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhiễm môi trườngtai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?” - TS Loan băn khoăn.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cũng nhận xét kết quả xếp hạng khá phiến diện, sẽ làm nhiều người bị… ru ngủ. Theo TS Hồng, nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ: từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…
“Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam” - TS Hồng bày tỏ.
Kẹt xe, mất an toàn giao thông ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, hạnh phúc của người dânẢnh: Hoàng Triều
Kẹt xe, mất an toàn giao thông ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, hạnh phúc của người dânẢnh: Hoàng Triều
Thứ hạng ở đâu?
Tháng 3-2016, Liên Hiệp Quốc cũng đã công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc, trong đó Việt Nam đứng thứ 96. Đánh giá về 2 bảng xếp hạng được công bố cách nhau không lâu, TS Khuất Thu Hồng cho biết ngay cả ở hạng 96, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái.
“Có thể họ lấy các chỉ số khác bù vào, như một đất nước có hệ thống luật pháp khá hoàn chỉnh, có luật bình đẳng giới…; chứ xét về tiêu chí theo cuộc sống hằng ngày, những vấn đề dịch vụ xã hội cơ bản, mức độ an toàn trong cuộc sống… thì theo tôi, chúng ta chưa đạt đến thứ hạng này” - TS Hồng phân tích.
Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Hồi Loan bày tỏ sự nghi ngờ ngay cả khi Việt Nam xếp hạng 96 về hạnh phúc. Theo ông, với mọi bảng xếp hạng, quan trọng là tiêu chí đánh giá như thế nào. Với HPI, quá trình điều tra của NEF quá rộng, tiêu chí lại không cụ thể, trong khi người Việt dân trí ở một chừng mực nhất định, cách hiểu cũng lại khác nhau nên cảm nhận ở mức độ nhất định, vì thế đưa ra kết quả như đã thấy.
“Điều tra xã hội học thì bảng câu hỏi phải hết sức cụ thể chứ nếu chung chung thì không giải quyết được vấn đề. Song hành với điều tra trên diện rộng thì người ta phải thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu ở các nhóm xã hội khác nhau: nông dân, lao động tự do, bốc vác, phụ nữ, nam giới, người giàu, người nghèo, già, trẻ… Tôi nghi ngờ những kết quả điều tra trên phạm vi rộng, đôi khi là người được thuê đi điều tra không trung thực, họ tự đánh giá…” - TS Loan thẳng thắn.
Chỉ cần những điều giản dị
Vậy điều gì làm nên hạnh phúc của một quốc gia? Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu nhập bình quân đầu người hay là chỉ số phát triển con người? TS Nguyễn Hồi Loan cho rằng GDP chỉ là một chỉ số tạo nên hạnh phúc nhưng nó không quyết định. Chẳng hạn Bhutan, một quốc gia tuy nghèo khổ nhưng người dân rất hạnh phúc. Do vậy, theo ông Loan, không nhất thiết phải là quốc gia giàu có, phát triển thì mới là đất nước hạnh phúc. Quan trọng là người dân ở đất nước ấy được sống thoải mái.
“Tựu trung lại, một đất nước hạnh phúc là đất nước mà người dân luôn cảm thấy họ có ích, muốn cống hiến cho cộng đồng. Tôi nghĩ con người phải tự do bộc lộ và chia sẻ, được sống trong môi trường của mình và mong muốn được giúp người khác, đồng thời thấy ý nghĩa của điều đó thì mới là hạnh phúc” - TS Loan bày tỏ.
Nhiều nhà xã hội học cho rằng hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí yêu cầu thiết yếu nhất của người dân là được bảo đảm, được thỏa mãn. Ví dụ, an toàn trong môi trường xã hội, những dịch vụ cơ bản trong cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực nhất. Một người có hạnh phúc hay không bắt đầu từ những thứ giản dị như vậy.
Hài lòng sao bỏ xứ ra đi !
Theo báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), từ năm 1990 đến 2015, có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Tính trung bình trong 26 năm qua, mỗi năm có gần 100.000 người Việt xuất ngoại, nhập tịch và định cư lâu dài.
Dựa theo số liệu trên, TS Khuất Thu Hồng tỏ ra băn khoăn: Một quốc gia hạnh phúc thứ 5 trên thế giới mà lại khiến người dân ra đi nhiều như thế? “Chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao sống ở Việt Nam hạnh phúc như thế mà người ta lại tìm nhiều cách để đi ra nước ngoài. Thực tiễn, ngày càng có nhiều người ra nước ngoài sinh sống; rồi còn cả du học, bao nhiêu đứa trẻ phải ra nước ngoài học, bao nhiêu tỉ đô đã chảy ra nước ngoài để đưa con đi học. Nếu một đất nước hạnh phúc thì việc gì người ta phải làm thế, vừa xa con vừa tốn tiền?” - bà Hồng nói. Đặt ra những vấn đề này, TS Hồng cho rằng đây là vấn đề lớn của quốc gia mà chúng ta phải giải quyết.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và phát triển:
Phải nhìn thẳng vào sự thật
Một đất nước hạnh phúc là đất nước mà người dân luôn cảm thấy họ có ích, muốn cống hiến cho cộng đồng. Tôi không thấy điều đó một đất nước mà nhiều người đi xuất khẩu lao động thì tìm mọi cách trốn ở lại, các cô gái rủ nhau đi lấy chồng nước ngoài, học sinh, sinh viên thì muốn ở lại sau khi đi du học… Nói vậy là để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật của đất nước đang còn nhiều khó khăn, người dân phải tìm cách mưu cầu hạnh phúc riêng cho mình.
Vấn đề là phải biết mình là ai, ở đâu? Rất cần có những nghiên cứu chỉ ra đất nước mình, xã hội mình, con người mình đang ở đâu, như thế nào thì mình mới vượt qua được những thách thức, tồn tại, chứ không thể sống ảo tưởng mình hạnh phúc nhất nhì thế giới.
 Hoàng Phương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Soi rọi thực tiễn để làm tốt hơn
Nhìn lại những vấn đề sát sườn nhất của người Việt Nam thì khó ai có thể nói rằng chúng ta đang hạnh phúc nhất thế giới. An toàn thực phẩm, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên với những vấn đề như cá chết, thiên tai, hạn hán ở Tây Nguyên, nước biển xâm thực ở miền Tây, biến đổi khí hậu… khiến nhiều gia đình lo lắng. Đó là chưa kể các dịch vụ y tế, giáo dục…, những vấn đề sát sườn nhất của người dân đều đang ở tình trạng báo động. Chúng ta không bằng lòng với hạnh phúc như vậy.
Có thể các kết quả xếp hạng hạnh phúc là không chính xác, phiến diện nhưng nó cần thiết để chúng ta lấy đó soi rọi thực tiễn, để từ đó xây dựng chính sách, cải thiện môi trường sống tốt hơn, bền vững hơn.
L.Anh ghi
Yến Anh

No comments:

Post a Comment