Monday, August 8, 2016

Huy động vốn dưới góc nhìn kinh tế học

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 05/08/2016,           http://www.thesaigontimes.vn/149633/Huy-dong-von-duoi-goc-nhin-kinh-te-hoc.html,             Cố công huy động vốn trong dân dưới dạng vàng hay tiền là một quan niệm sai lầm, cổ hủ. Một chính sách như vậy sẽ không giúp gì cho tăng trưởng dài hạn mà có khi còn khuyến khích dòng vốn chảy vào những dự án đầu tư không hiệu quả rồi lại tiếp tục bị thất thoát hoặc thổi bùng lại các thể loại bong bóng giá.

Nếu triển vọng kinh tế sáng sủa, môi trường kinh doanh thông thoáng, các doanh nghiệp cũng như người dân sẽ gia tăng nhu cầu vốn cho đầu tư. Ảnh: Minh Khuê
Vốn (capital) là một trong những khái niệm phức tạp và dễ bị nhầm lẫn nhất trong kinh tế học. Với một nền kinh tế nói chung hay một đơn vị sản xuất nói riêng, vốn được các nhà kinh tế coi là một yếu tố đầu vào (factor of production) của quá trình sản sinh ra hàng hóa/dịch vụ hay của cải cho xã hội.
Tạm bỏ qua những khái niệm vốn trừu tượng hơn như vốn tài chính, vốn con người, vốn xã hội hay vô số các thuật ngữ luật liên quan đến vốn, vốn trong quá trình sản xuất có thể chia làm hai loại: vốn cố định và vốn lưu động.
Có thể hiểu nôm na vốn cố định là nhà xưởng, thiết bị, công nghệ... cần thiết cho quá trình sản xuất, còn vốn lưu động là lượng thanh khoản sử dụng mua nguyên vật liệu, trả lương cho nhân công, đóng thuế... Quá trình phát triển của một nền kinh tế hay doanh nghiệp luôn đồng nghĩa với việc gia tăng vốn cố định thông qua đầu tư, trong khi đó vốn lưu động chỉ cần đảm bảo ở một mức độ tối ưu.
Với trình độ công nghệ hiện tại, ít có doanh nghiệp nào có thể tự sản xuất ra vốn cố định cho mình, bởi vậy quá trình đầu tư thường phải được tài trợ bằng một phần vốn lưu động. Điều này tương đương với vốn cố định về bản chất là kết quả của quá trình chuyển hóa và tích lũy một phần vốn lưu động theo thời gian.
Vậy vốn lưu động ở đâu ra? Nguồn sản sinh ra vốn lưu động dễ thấy nhất là tiết kiệm. Với doanh nghiệp, đó là phần lợi nhuận được giữ lại, còn với nền kinh tế đó thì là tiết kiệm nội địa (national saving). Bên cạnh tiết kiệm, cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế đều có thể nhận vốn lưu động từ bên ngoài.
Với một nền kinh tế, dòng vốn từ bên ngoài có thể là FDI, FPI, vay thương mại hay phát hành trái phiếu quốc tế. Kiều hối và các loại viện trợ không hoàn lại cũng là một nguồn vốn từ bên ngoài nhưng với một khác biệt căn bản là nó không đi kèm điều kiện phải có một dòng vốn chảy theo chiều ngược lại trong tương lai. Các công ty và cả nền kinh tế còn có thể rút các khoản đầu tư hoặc tiết kiệm đang được gửi ở bên ngoài về nếu các nguồn cung vốn lưu động khác không đủ.
Đến đây cần làm rõ vai trò của hệ thống tài chính trong một nền kinh tế. Quan điểm cổ điển của kinh tế học là hệ thống tài chính đóng vai trò trung gian luân chuyển dòng vốn từ người tiết kiệm đến những chủ thể cần vốn khác. Như vậy, không kể số vốn từ bên ngoài chảy vào, tổng lượng vốn tăng thêm trong nền kinh tế trong một năm không thể vượt quá tổng tiết kiệm trong năm đó. Việc mua bán các loại tài sản có tính lưu giữ sức mua như vàng hay bất động sản hoặc thậm chí giữ tiền mặt cũng được coi là đầu tư, do đó không giúp tăng thêm hay giảm đi lượng vốn lưu động của nền kinh tế. Quan điểm cổ điển này vẫn còn được dạy trong nhiều sách giáo khoa kinh tế học, tuy nhiên nó không còn chính xác với một hệ thống tài chính hiện đại nữa.
Hầu hết các quốc gia hiện nay sử dụng tiền giấy (fiat money) làm phương tiện thanh toán thông qua một hệ thống ngân hàng dự trữ bán phần (fractional reserve banking) với sự điều phối của một ngân hàng trung ương. Đặc điểm của hệ thống tài chính này là khái niệm vốn (lưu động) không còn bị trói chặt vào tổng tiết kiệm nội địa nữa, vốn trở nên tương đồng với tín dụng. Ngân hàng trung ương có thể tác động lên tốc độ tăng trưởng vốn trong nền kinh tế thông qua việc tăng/giảm thanh khoản để khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng/giảm tín dụng, đó là các chính sách tiền tệ cổ điển như OMO hay đặc biệt như QE. Ngoài ra ngân hàng trung ương còn có thể thay đổi các quy định pháp lý như dự trữ bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn, trần tín dụng... để tác động trực tiếp lên quá trình tạo vốn trong hệ thống ngân hàng.
Vì cung vốn trở nên mềm dẻo như vậy nên ngày nay lượng vốn tăng, giảm hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào phía cầu. Nếu triển vọng kinh tế sáng sủa, môi trường kinh doanh thông thoáng, các doanh nghiệp cũng như người dân sẽ gia tăng nhu cầu vốn cho đầu tư, hệ thống tài chính sẽ không khó đáp ứng yêu cầu này chỉ trừ khi nó quá yếu kém hay ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ không đúng lúc. Ngoài ra, với triển vọng tăng trưởng tốt, nền kinh tế nội địa sẽ hấp dẫn hơn với nguồn vốn ngoại và cả nhân lực, công nghệ từ bên ngoài. Bên cạnh triển vọng và môi trường kinh tế, khả năng hấp thụ vốn - nói theo thuật ngữ chuyên môn là tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế - cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ tăng vốn. Một nền kinh tế có quá nhiều nút thắt cổ chai sẽ dễ xảy ra các bất ổn vĩ mô như lạm phát hay bong bóng giá chứng khoán/bất động sản khi vốn lưu động tăng quá nóng.
Vậy nên, dù hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều bất cập, Ngân hàng Nhà nước có lúc này, lúc khác... vấn đề chính yếu mà nền kinh tế đang phải đối mặt là tiếp tục cải tổ toàn diện để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi bỏ các nút thắt, củng cố hệ thống ngân hàng. Cố công huy động vốn trong dân dưới dạng vàng hay tiền là một quan niệm sai lầm, cổ hủ. Một chính sách như vậy sẽ không giúp gì cho tăng trưởng dài hạn mà có khi còn khuyến khích dòng vốn chảy vào những dự án đầu tư không hiệu quả rồi lại tiếp tục bị thất thoát hoặc thổi bùng lại các thể loại bong bóng giá.

TS Lê Hồng Giang

No comments:

Post a Comment