Lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” tại tỉnh Hà Tĩnh (ảnh minh họa)
Đã từng xảy ra chuyện khá lạ đời, đó là ngày 1.9.2014, ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký và đóng dấu hỏa tốc gửi tới tất cả các lãnh đạo đứng đầu các ban ngành của tỉnh và huyện… tới tham dự lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn”.
Để mọi người dân tỉnh nhà đều sử dụng bia Sài Gòn, cơ quan công quyền tỉnh này còn ra bản cam kết “lạ” gửi tới các chủ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, karaoke… trên địa bàn với nội dụng đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn.Tỉnh yêu cầu các hộ kinh doanh cá thể như nhà hàng, tiệm tạp hóa, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, đại lý… phải ký vào bản cam kết nhận tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn từ tháng 8.2014. Nội dung: “Kể từ ngày ký, nhà hàng chúng tôi cam kết ưu tiên sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia 333, nước khoáng Sơn Kim… là góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới”.
ảnh minh họa |
Câu chuyện chỉ đạo dùng bia Sài Gòn được dư luận quan tâm nhiều khi Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức liên hoan gương điển hình tiên tiến tại khách sạn B.M, TP.Hà Tĩnh và có 7 cán bộ đã không dùng bia Sài Gòn. Người kinh doanh bia đã nhắn tin cho một vị lãnh đạo tỉnh, sau đó Sở GD&ĐT đã tổ chức họp nhắc nhở 7 cán bộ, yêu cầu viết bản tường trình.(!?)
Một văn bản của UBND huyện Cẩm Xuyên yêu cầu dùng bia Sài Gòn (ảnh minh họa) |
Cũng như vậy, lại có chuyện công văn chỉ đạo của UBND huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) rất cụ thể cho bà con nông dân trong huyện phải dùng 2 loại thuốc trừ sâu; các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật cũng chỉ được bán 2 loại thuốc .Theo đó Chi cục bảo vệ thực vật chấp hành nghiêm chỉnh cũng yêu cầu bà con phải dùng 2 loại thuốc trừ sâu do huyện quy định để phun cho lúa khi xuất hiện sâu bệnh.
Chính sự chấp hành nghiêm chỉnh đến máy móc ấy mà hậu quả là lúa chết, nông dân chịu thiệt chứ các cơ quan quản lý thì vô can.. . Thật là bó tay hết chỗ nói. “Tư bản thân hữu” đã thao túng từ đồng ruộng đến bàn ăn!?
Chỉ đạo như thế là vi phạm Luật cạnh tranh, đặc biệt là vi phạm nguyên tắc bình đẳng tự do kinh doanh mang tính “bảo hộ”, không tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Và chỉ đạo như thế là lạm quyền, có hơi hám lợi ích nhóm. Hay có sự “bắt tay” giửa chính quyền và doanh nghiệp được gọi là “Tư bản thân hữu” hay có nhà nghiên cứu từng gọi một cách dân dã là “Tư bản bồ tèo” (từ dùng của ông Trần Bạch Đằng)
Sự “bắt tay” này gắn liền với hoạt động của bộ máy hành chính. Lý do là vì mỗi chủ thể kinh tế đều có những động cơ và nhân tố khuyến khích rõ ràng, và mối quan hệ giữa chúng cũng rất rõ.
Loại “bắt tay” này phù hợp với mô hình hành chính xin - cho nguồn gốc tạo tham nhũng vì toàn bộ việc thực hiện tham nhũng đều do các công chức gây ra . Hậu quả trực tiếp nghiêm trọng nhất của loại”bắt tay” này là các đạo luật và chính sách của nhà nước không được thực hiện một cách công bằng.Cuối cùng, đó là “bẻ cong pháp luật ” – nhằm mục đích thay đổi các quy định của pháp luật thành những quy định phục vụ cho quyền lợi của những nhóm người.
Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội của Quốc hội kỳ hợp nầy,có đại biểu phát biểu "còn uống bia tỉnh nhà thì khó hội nhập".. . TPP là thương mại tự do đã "phả sức nóng vào gáy” đối với doanh nghiệp Việt. Vì vậy những người làm chính sách, những người thực thi chính sách cần giúp các doanh nghiệp vững vàng, chủ động hội nhập sâu rộng, tham gia vào thực hiện TPP, Chính phủ tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về hiệp định, chuẩn bị các điều kiện và có cơ chế, chính sách phù hợp giúp cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập có thể phát triển bền vững.Thay vì chỉ đạo kiểu "phải uống bia tỉnh nhà".
Có thể nói tham nhũng là căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi Nhà nước, bởi lẽ chừng nào còn Nhà nước thì còn quyền lực, mà còn quyền lực thì dễ xuất hiện những người dùng sai quyền lực. Cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục bền bỉ và kiên định của mọi nhà nước, chống mạnh thì thịnh, chống yếu thì suy, ngoài ra không có con đường nào khác.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment