Sunday, June 26, 2016

Đài Loan từ chối "Một Trung Quốc", Bắc Kinh cắt liên lạc

Báo Đất Việt, ngày 25/06/2016,         http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dai-loan-tu-choi-mot-trung-quoc-bac-kinh-cat-lien-lac-3312164/,           Chính phủ Trung Quốc thông báo ngừng cơ chế liên lạc và tiếp xúc xuyên eo biển với Đài Loan do từ chối nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Hôm 25/6, Chính phủ Trung Quốc thông báo đã ngừng cơ chế liên lạc với Đài Loan.
"Bởi vì phía Đài Loan không thừa nhận đồng thuận năm 1992, cơ sở chính trị chung của nguyên tắc Một Trung Quốc, các liên lạc và tiếp xúc xuyên eo biển Đài Loan đã bị ngừng", người phát ngôn An Fengshan của Trung Quốc nói.
Theo Reuters, Trung Quốc nghi ngờ tân lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn, sẽ thúc đẩy độc lập chính thức cho Đài Loan. Về phần mình, bà Thái nói bà muốn duy trì nguyên trạng với Trung Quốc và cam kết đảm bảo hòa bình.
Dai Loan tu choi
Tân Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh.
Trước đó hôm 21/5, chỉ một ngày sau khi bà Thái nhậm chức, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh cảnh báo sẽ cắt đứt liên lạc với Đài Loan nếu nhà lãnh đạo mới của đảo này không ủng hộ quan điểm "Một Trung Quốc".
Trong một diễn biến khác, Đài Loan ngày 24/6 đã bày tỏ tức giận sau khi Campuchia trục xuất 25 công dân Đài Loan sang Trung Quốc thay vì trao trả họ cho Đài Loan. Nhóm công dân này bị cáo buộc lừa đảo qua mạng Internet mà phần lớn nạn nhân là người Trung Quốc ở đại lục.
Bắc Kinh đã ngỏ lời cảm ơn Campuchia và cam kết sẽ xét xử nhóm người trên đúng với quy định của pháp luật.
Theo Đài Bắc, việc Trung Quốc bắt giữ công dân Đài Loan do các nước khác trục xuất là hành động "bắt cóc". Theo Reuters, ngoài Campuchia, Kenya và Malaysia cũng đã trục xuất nhiều người Đài Loan sang Trung Quốc do có liên quan đến các vụ lừa đảo.
Mối quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh đang ngày càng căng thẳng?
Các chuyên gia của Trung Quốc chưa thống nhất về tương lai của bán đảo này.
Theo đó, tờ Vượng báo của Đài Loan (Trung Quốc) hồi đầu tháng 6/2016 dẫn phát biểu của Giáo sư Kim Xán Vinh, Viện phó Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Đài Loan sẽ về lại với Trung Quốc trong 5 năm nữa.
Nếu lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn không thừa nhận "Nhận thức chung năm 1992" (về quan hệ hai bờ eo biển) hoặc đi theo chủ trương "Đài Loan độc lập", Bắc Kinh sẽ xử lý vấn đề Đài Loan theo 4 giai đoạn: Quan sát, gây áp lực, đối kháng và xung đột.
Ông Kim Xán Vinh thậm chí còn tuyên bố 5 năm sau, thực lực quân sự của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ không dám can dự vào vấn đề Đài Loan và khi đó, vấn đề Đài Loan sẽ biến thành vấn đề "làm thế nào để bồi dưỡng cán bộ mới phục vụ việc tiếp quản Đài Loan".
Nhà xã hội học Trung Quốc định cư ở Mỹ Lý Nghị cũng nêu chủ trương sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh.
Dai Loan tu choi
Quân đội Trung Quốc diễn tập chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra ở eo biển Đài Loan. Ảnh cắt từ màn hình CCTV.
Theo Lý Nghị, từ năm 1994 trở lại đây, các nhà lãnh đạo Đài Loan như Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Thái Văn Anh đã thành công trong việc sửa đổi sách giáo khoa ở Đài Loan, rót vào đó tư tưởng "phi Trung Quốc", thuyết "Hai nước Trung Quốc" hay thuyết "Một bên Một nước"… cổ súy chủ trương Đài Loan độc lập, phản đối thống nhất hai bờ eo biển.
Tới nay, tinh thần ấy đã "khai hoa kết quả" bởi lớp người dưới 40 tuổi ở Đài Loan đều được giáo dục bằng những cuốn sách giáo khoa kiểu nêu trên và tình hình sẽ càng trở nên nguy hiểm khi bà Thái Anh Văn vừa lên nắm quyền đã chọn một phần tử ủng hộ Đài Loan độc lập làm người đứng đầu ngành giáo dục. Nói cách khác là khả năng hòa bình thống nhất không còn tồn tại nữa.
Trong khi đó, việc thu hồi Đài Loan, theo Giáo sư Kim Xán Vinh, có thể xảy ra vào một ngày trong năm 2021 hoặc năm 2022 và hôm đó, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình "hạ lệnh vào buổi sáng còn vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết xong vào buổi chiều".
Ngoài việc tán đồng quan điểm của Kim Xán Vinh, Lý Nghị còn cho rằng việc thu hồi Đài Loan có thể tiến hành sớm hơn từ 2 - 3 năm và việc thống nhất Đài Loan không thể chỉ dựa vào việc Trung Quốc nâng cao sức hấp dẫn của mình.
Theo Lý Nghị, việc sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với sự nghiệp cải cách của Trung Quốc.
Đối với trong nước, việc vũ lực thống nhất Đài Loan sẽ thúc đẩy nội nhu, làm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ở mức trên 10% chí ít trong 3 - 5 năm.
Ngoài ra, vũ lực thống nhất Đài Loan còn giúp Trung Quốc tiết kiệm ngân sách quốc phòng và không những không phải hi sinh tính mạng mà còn có thể giúp cứu vớt nhiều sinh mạng, ông Lý Nghị nhận định.

Kim Hoa

No comments:

Post a Comment