Có thế nước Việt mới luôn…. còn duyên, mà tự tin ngồi tựa mạn thuyềntrước những giá trị văn minh văn hóa phổ quát.
Ra Giêng ngày rộng tháng dài. Và dư âm về những nhân sự cấp cao, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, ở hai đô thị đặc biệt, lớn nhất nước, mà sự sôi động, phát triển rất khác nhau, có vẻ cũng… vừa rộng vừa dài trong sự chú ý của dư luận.
Liệu sự thần kỳ có xảy ra?
Không chú ý sao được khi mà như TS Lê Đăng Doanh đã nhận xét, “hai vị trí tân Bí thư là đột phá lớn”, để tạo ra sự thay đổi tích cực.
Đã từ lâu, ông Đinh La Thăng là gương mặt quen thuộc với XH. Công bằng mà nói, ông là một trong số hiếm hoi những Bộ trưởng được người dân cảm mến, trân trọng, vì sự xông xáo, miệng nói tay làm trong lĩnh vực giao thông vận tải, vốn là lĩnh vực khó bởi đầu tư cực lớn, quản lý cực kỳ phức tạp. Và nếu so sự năng động giữa HN (chỉ đứng thứ 26/ 63 tỉnh, t/p) với t/p HCM (đứng thứ 04), thì không phải vô lý khi nhiều người dân ở HN mong muốn ông về làm Bí thư HN, để thúc đẩy một Thủ đô có diện tích lớn nhưng còn không ít bất cập trên hành trình phát triển.
Sự xông xáo, nhiệt huyết ấy đã được nghệ sĩ Chí Trung gói gọn trong mấy câu rất “đời”, rất Chí Trung và rất… Đinh La Thăng: Ở đâu, anh Thăng cũng cháy hết mình!
Sự cháy hết mình đó liệu có làm sáng lên sự phát triển văn minh của t/p HCM?
Bởi cho dù đứng thứ 04 cả nước về năng lực cạnh tranh, và trong tương lai, t/p đông dân nhất VN hiện nay (10 triệu người), có thể lọt vào top các t/p Châu Á, như nhận định của TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhưng hiện tại, lại đang đứng ở mức … thấp nhất trong nhóm 12 t/p Châu Á: Tokyo, Osaka (Nhật), Seoul và Busan (Hàn Quốc), Đài Bắc và Cao Hùng (Đài Loan)…, kể cả so với t/p Manila (Philippines), là t/p đứng xếp hạng trước, cũng còn cách rất xa (Zing.vn, ngày 15/10/2015).
Ông Đinh La Thăng |
Điều gì khiến đô thị này- một thời xa xưa từng được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông, trở nên “khiêm tốn” đến vậy? Theo Ts Huỳnh Thế Du, có 03 hòn đá tảng lớn.
Thứ nhất, cơ chế đánh giá và bổ nhiệm cán bộ theo nguyên tắc “không sai” chứ không phải “hiệu quả”, và việc không phân định rõ trách nhiệm- quyền hạn, vô tình triệt tiêu phần lớn khả năng sáng tạo của cán bộ. Thứ hai, số liệu thống kê không đủ độ tin cậy làm cơ sở cho việc hoạch định và đánh giá chính sách. Thứ ba, công tác quy hoạch và lập kế hoạch không thể hiện được vai trò. Cả bộ máy chính quyền luôn tập trung vào các vấn đề sự vụ hàng ngày, trông như bị quá tải nhưng thực sự vận hành không hiệu quả. Mà nguyên nhân cơ bản là cơ chế chính sách phần lớn được quyết định bởi chính sách chung của cả nước.
Mặt khác, cũng theo Ts Huỳnh Thế Du, cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay không đủ nguồn lực cần thiết để tạo tiền đề t/p cất cánh. Nhìn ra các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore, trong giai đoạn đầu họ đã dành nguồn lực rất nhiều cho các trung tâm, đặc biệt là các “siêu đô thị”- động lực của nền kinh tế. Ngay cả Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh cho Thượng Hải- coi là cỗ máy tăng trưởng. Nhờ đó, sự thần kỳ kinh tế đã xảy ra.
Như vậy, bí quyết để phát triển vẫn không đi ra ngoài quỹ đạo của mọi quốc gia, không ra ngoài quy luật thực tiễn của XH. Đó là thể chế quản lý gắn với đặc thù t/p, nguồn nhân lực và tài lực.
Liệu Bí thư TU t/p HCM, bằng chủ trương, chính sách của mình, có bẩy được các vật cản lâu nay, trong bối cảnh công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”, trong bối cảnh quản lý lỏng lẻo, lãng phí, thất thoát, tham nhũng ….còn là căn bệnh chung không của riêng ai?
Liệu sự thần kỳ có xảy ra với “cựu” Viên ngọc Viễn Đông không, dù “ở đâu, anh Thăng cũngcháy hết mình”? Dù, trước đó, ván cờ nhân sự cấp cao nhằm tạo nên sự đột phá lớn?
Và ngọn lửa Đinh La Thăng có vẻ như bắt đầu nhóm lên ở t/p này. Mới nhậm chức không bao lâu, ông đã có hàng loạt động thái với dân. Ngược lại, dường như người dân cũng trân trọng và tin tưởng ở ông- khi hàng loạt ý kiến đề xuất xây dựng thành phố vững mạnh đã được người dân và các chuyên gia gửi tới.
Xin hãy là ngọn lửa cháy hết mình vì dân, mà không phải… hình thức. Chỉ có thế, ông sẽ là ngọn lửa hạnh phúc!
Lãnh đạo “lớn” hay lãnh đạo “tốt”?
Không có lợi thế được dư luận XH chú ý và gây ấn tượng mạnh như ông Đinh La Thăng, nhưng ông Hoàng Trung Hải, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, lại là Phó Thủ tướng- nay được bổ nhiệm là Bí thư Thành ủy HN. Đủ biết vị thế của Thủ đô cần đến một người lãnh đạo có bề dày chính trường và gắn với quản lý cơ sở ra sao.
Ông Hoàng Trung Hải xuống đồng cùng bà con nông dân ngày đàu năm |
Bởi HN là một đô thị trong quá khứ, là kinh đô của rất nhiều vương triều Việt cổ. Lịch sử HN gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử nước Việt qua các thời kì. Dân số đông thứ nhì- 7500.000 người nhưng diện tích lại lớn nhất nước với gần 33000 km2.
Là kinh đô, là Thủ đô, những đặc điểm vương triều qua nghìn năm lịch sử và dâu bể qua các thời cuộc, giờ đây là đầu não và trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa- hành chính khiến cho HN, cái mới thì chưa dễ bắt nhịp, cái cũ lại… ổn định, thủ cựu. Thế nên không có gì là khó hiểu khi năng lực cạnh tranh của HN chỉ đứng thứ 26/ 63 tỉnh, t/p cả nước. Từ lâu trong dân gian có ngạn ngữ “mới”:Hà Nội không vội được đâu!
Nhưng thời hội nhập hiện đại, HN liệu có thể không vội được đâu ? Khi mà TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) đã được ký kết hôm 04/2 mới đây? Câu hỏi hóc búa đó to tướng trước vị Bí thư Thành ủy HN cùng các cộng sự.
Cũng giống như t/p HCM, theo các chuyên gia, nhà quản lý, HN đang phải tập trung vào 03 vật cản lớn: Tăng trưởng kinh tế, quy hoạch đô thị và chất lượng nguồn nhân lực. Câu trả lời chỉ có thể là: Hành động, hành động và hành động.
Ngay sáng mùng 07 Tết Bính Thân (ngày 14/2/2016), một sự kiện khiến cho cả HN quan tâm, chú ý và bàn luận xôn xao. Đó là việc Bí thư Thành ủy HN cùng Chủ tịch UBNDTP đã xuống đồng cùng bà con nông dân thôn Phong Triệu, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (HN) đi cấy, khai mở vụ xuân.
Đó thật ra không phải là hành động gì mới mẻ.
Từ thuở xa xưa trong lịch sử nước Việt, Lễ Tịch điền đã được ghi dấu trong sử sách, như một phong tục đẹp đầu xuân, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân no ấm.
Nhưng đó cũng là một tín hiệu đáng ghi nhận. Trực tiếp xuống đồng cày cấy, dù chỉ là mang tính tượng trưng, Bí thư và Chủ tịch t/p HN mong muốn gửi tới người dân Thủ đô thông điệp mới mẻ về sự gần dân, vì dân, chung vai gánh vác, xẻ chia nặng nhọc vui buồn? Cho dù không thiếu những sự hoài nghi. Bởi HN là Thủ đô, đâu phải một vùng nông thôn? Trong bối cảnh XH nước Việt lâu nay tồn tại không ít những vụ việc suy thoái về đạo lý, phẩm cách cán bộ, không thiếu những vụ việc chỉ mang tính phong trào, hình thức, nặng bệnh thành tích khiến niềm tin người dân bị tổn thương.
Vì thế, điều mà người dân ở HN trông chờ là những... “đường cày” mới của ông Bí thư Thành ủy HN, bằng những chủ trương phát triển vừa mang tính đột phá vừa hợp quy luật thực tiễn đem lại cho HN một diện mạo mới.
Một HN thu nhập bình quân phải thoát bẫy trung bình. Bình quân đầu người phải đạt 140-150 (tương đương 6.700- 6.800 USD/ năm- hiện nay khoảng 3.600 USD), thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 45 triệu đồng. Dịch vụ chiếm 61-62%, công nghiệp 35-36% và nông nghiệp 2,5-3% GDP. Một HN được quy hoạch tươm tất với tầm tư duy chiến lược và khoa học. Bên cạnh đô thị trung tâm là các đô thị vệ tinh, cận vệ tinh, kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai và liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Và một HN tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, hài hòa. V.v… và v.v…
Đó là một HN đẹp dần lên trong mắt dân. Theo những phác thảo của chính t/p.
Nhưng muốn vậy, mục tiêu tăng trưởng của HN phải được thực hiện thông qua hàng loạt những giải pháp lớn- tái cấu trúc kinh tế, đổi mới nền quản trị quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Liệu “đường cày” của ông Bí thư và Chủ tịch t/p có … thẳng ngay được hay không, trong môi trường Thủ đô có không ít những bất cập, từ kinh tế đến văn hóa, quản lý đô thị?
Và vì thế, người viết tâm đắc với nhìn nhận của Khương Duy, một giảng viên trẻ, rằng: Thời đại mới đặt ra chuẩn mực mới cho người lãnh đạo. Biết chia sẻ nhọc nhằn với dân là người lãnh đạo tốt, song người lãnh đạo có thể giúp dân vơi bớt nhọc nhằn mới là người lãnh đạolớn (VietNamNet, ngày 19/2)
Người lãnh đạo tốt đến người lãnh đạo lớn. Đó là một khoảng cách…. không nhỏ, tùy thuộc cái tâm cái tầm, tư duy, trí tuệ và năng lực hành động của ông Bí thư Thành ủy HN.
“Còn duyên kẻ đón người đưa…”
Xin mượn ca từ quan họ để nói về một sự kiện lớn mà người Việt đã đợi đón từ lâu. Đó là trong dịp ngày đầu xuân năm mới Bính Thân này, ngày 04/2, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. TPP có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí Nga tổng kết năm nay Việt Nam là nước bội thu nhất về các hiệp định song phương và đa phương trên thế giới, như TPP vừa kết thúc đàm phán, các hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazacxtan; rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập vào ngày 31.12.2015 (VietNamNet, ngày 08/2)
Và cũng nói theo cách nói của quan họ, trong thế giới đa chiều này, cũng phải có duyên và còn duyên, mới lắm “kẻ đón người đưa”. Nhưng để có sự kẻ đón người đưa, hẳn nước Việt không … nhàn nhã chút nào. Chỉ riêng TPP, nước Việt đã phải kiên trì ròng rã đàm phán suốt 05 năm trời, vừa hợp tác, vừa thuyết phục. Và đằng sau 05 năm trời vừa thuyết vừa đàm đó, là nền tảng thành quả kinh tế thị trường của 30 năm đổi mới. Đó là cái duyên lam làm, cầu thị với những giá trị văn minh của nhân loại.
Bởi thời hiện đại này, không một quốc gia nào có thể một mình một chợ mà phát triển vững chắc, tránh được sự tụt hậu. Còn nếu cứ khăng khăng, thì rút cục cái sự… hết duyên sẽ hiển hiện tức thì.
Trong trả lời phỏng vấn với báo KinhteSaigon.online, ngày 12/2, Bộ trưởng KH& ĐT Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn: Chúng ta không thể một mình đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển họ đi ra sao, và VN đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là đòi hỏi thực tế, và cần kiến thức.
Việt Nam đang đứng ở đâu? Mặc dù đạt không ít kết quả tăng trưởng, như năm 2015 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước tăng trưởng 6,68% là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 05 năm cao hơn chỉ tiêu kế hoạch của Quốc hội là 6,2% nhưng “góc khuất” kinh tế VN vẫn được Trưởng Ban Kinh tế TU Vương Đình Huệ thẳng thắn thừa nhận:
Đó là động lực tăng trưởng năm 2015 còn quá phụ thuộc vào khu vực FDI, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước. Trong khi khu vực kinh tế trong nước (doanh nghiệp NN, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh v.v..) còn gặp rất nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực này năm 2015 giảm khoảng 2,5-2,6% so với cùng kỳ. Tại sao trong một quốc gia mà lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế? Thậm chí một số chuyên gia còn lo ngại có thể xảy ra rủi ro vì “hai nền kinh tế trong một quốc gia” chứ không chỉ là hai khu vực nữa. Đây là một câu hỏi rất lớn chưa có đáp án. Năm 2016, phải trả lời được câu hỏi này (VietNamNet, ngày 08/2).
Chính vì thế, trong bài viết của mình: “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức – hành động của chúng ta”, một bài viết được đánh giá có tầm nhìn, người đứng đầu CP đã khẳng định, nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Thị trường quyết định việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Và những “đường cày” của người đứng đầu CP rất mạnh mẽ, cụ thể, rõ ràng:Phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Tập trung mọi nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và thượng tôn phápluật.(ANTV, ngày 16/2).
Nhưng muốn vậy, tư duy nước Việt phải rất trẻ, phải được thanh xuân hóa, đểbiết mình biếtnhân loại và chọn lựa giải pháp. "Có thể hay... không thể"? Xin mượn ý của một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Có thế nước Việt mới luôn…. còn duyên, mà tự tin ngồi tựa mạn thuyền trước những giá trị văn minh văn hóa phổ quát.
Kỳ Duyên
No comments:
Post a Comment